22/11/2024 | 23:34 GMT+7, Hà Nội

Tìm kiếm kênh đầu tư an toàn: Bất động sản là một lựa chọn phù hợp?

Cập nhật lúc: 19/05/2019, 19:00

Các chuyên gia đã đưa ra đánh giá về mức độ an toàn và sinh lời của bất động sản Việt Nam nhưng để gia tăng thêm vốn đầu tư vào kênh này vẫn còn rất nhiều vấn đề cần phải cải thiện.

Bất động sản - kênh dự trữ tài sản an toàn

Bất động sản nhìn chung là kênh dự trữ tài sản lớn nhất với giá trị gấp 3,5 lần tổng sản lượng GDP toàn cầu. Theo Savills Impacts 2018, tổng giá trị bất động sản trên toàn thế giới tính đến cuối năm 2017 có giá trị 280.6 ngàn tỷ USD, với khoảng 78% giá trị đến từ bất động sản nhà ở. Trong khi đó, tổng giá trị của tất cả số vàng trên thế giới chỉ khoảng 7,7 ngàn tỷ USD, và tổng sản lượng GDP toàn cầu là khoảng 78,3 ngàn tỷ USD, chỉ bằng 30% giá trị bất động sản.

Chứng khoán và vàng tăng giá trị nhanh hơn bất động sản, tuy vậy sự phát triển của các nền kinh tế mới nổi đồng nghĩa với giá trị vốn tăng, và bất động sản được coi là một kênh đầu tư dự trữ vốn an toàn. Hơn nữa, động lực thúc đẩy các nhà đầu tư tham gia vào thị trường bất động sản bao gồm dự trữ tài sản, tăng giá trị vốn và lợi nhuận đến từ thu nhập. Trong bối cảnh lợi suất của các tài sản thu nhập cố định đã và đang giảm, nhà đầu tư ngày càng quan tâm hơn đến thu nhập và tiềm năng tăng giá thuê của các dự án bất động sản.

Ông Matthew Powell, Giám đốc Savills Hà Nội nhấn mạnh: “Nếu nhà đầu tư cần tìm một kênh đầu tư an toàn thì bất động sản là một lựa chọn phù hợp”.

Cũng theo ông Matthew Powell, Việt Nam hiện đang là một trong những điểm nóng bất động sản trong khu vực năm 2019. Với tiềm năng khổng lồ, triển vọng kinh tế vĩ mô và sự đầu tư không ngừng vào cơ sở hạ tầng, thị trường này đang phát triển mạnh mẽ trên nhiều phân khúc bất động sản khác nhau.

Hiện tại, sự phát triển mạnh mẽ của thị trường nhà ở là nhờ tốc độ tăng trưởng nhanh chóng của tầng lớp trung lưu, tốc độ đô thị hóa mạnh mẽ, và lợi suất cho thuê cao nhất trong khu vực. Mặt khác, thị trường văn phòng cho thuê tại Hà Nội và TP.HCM vẫn giữ vị trí là một trong những phân khúc bất động sản thu hút nhất trong khu vực. Với công suất cho thuế cao mức kỷ lục, nguồn cung mới hạn chế và nhu cầu thuê lớn đã góp phần làm nên mức tăng trưởng hấp dẫn của giá thuê. Savills kỳ vọng nhu cầu đầu tư trong phân khúc văn phòng duy trì ở mức cao khi thị trường tiếp tục trưởng thành.

Bất động sản nghỉ dưõng có niềuBất động sản nghỉ dưõng có nhiều triển vọng

Thị trường nghỉ dưỡng đang được hưởng lợi do tăng trưởng mạnh mẽ về số lượng khách du lịch trong và ngoài nước, cũng như sự tăng trưởng về số lượng đường bay thẳng quốc tế. Không mấy ngạc nhiên khi những nhà đầu tư phân khúc khách sạn đang đổ vào thị trường Việt Nam - một điểm nóng trong tương lai ở khu vực. Bất động sản công nghiệp, được thúc đẩy nhờ nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đang đổ vào ngành sản xuất, cơ sở hạ tầng cải thiện và triển vọng cạnh tranh khi so sánh với các quốc gia khác trong khu vực. Dự báo cho thấy, đây là một trong những phân khúc có hoạt động M&A sôi động trong năm 2019.

Thị trường bất động sản Việt Nam cũng đang thu hút được nhiều sự chú ý của các nhà đầu tư nước ngoài. Các nhóm khách hàng này chủ yếu đến từ các nước trong khu vực như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Singapore, ngoài ra còn có cả các quỹ đầu tư đến từ Mỹ và châu Âu và các quỹ đầu tư toàn cầu hiện cũng đang tích cực nghiên cứu đầu tư vào Việt Nam. Tất cả các phân khúc thương mại và nhà ở đều đang được nhắm tới.

Sự quan tâm chủ yếu xuất phát từ các quỹ đầu tư không phải với mục đích phát triển dự án mà mua các bất động sản đã đi vào vận hành và có thu nhập, ví như văn phòng cho thuê, trung tâm thương mại, các khách sạn 4 - 5 sao. Có thể nói, nhu cầu đầu tư vào thị trường là rất lớn, tuy vậy số lượng giao dịch còn hạn chế trong năm 2018 và 2019 bởi số lượng dự án được nhà đầu tư chào bán rất hạn chế.

Thách thức khi đầu tư vào Việt Nam

Theo Savills, nguồn cung số lượng dự án chào bán hạn chế không phải là thách thức duy nhất của thị trường bất động sản Việt Nam. Nhà đầu tư cả trong nước và nước ngoài hiện đều đang đối mặt với một số khó khăn nhất định, trong đó phải kể đến quỹ đất hạn chế, đặc biệt là tại những vị trí đắc địa nơi trung tâm đô thị. Điều này khiến việc đầu tư phát triển các dự án bất động sản hạng sang trở nên khó khăn hơn. Quy trình và thủ tục phát triển dự án, từ thu hồi, đền bù đất đến cấp phép và đấu thầu thường phức tạp và mất nhiều thời gian, đặc biệt đối với các nhà đầu tư nước ngoài. Trên thực tế, có rất nhiều chủ đầu tư muốn gia nhập thị trường, nhưng không thể tiếp cận được đất tại những vị trí đẹp.

Tuy rằng mối quan tâm đến thị trường bất động sản Việt Nam của các nhà đầu tư quốc tế là rất lớn nhưng thách thức lớn nhất để biến mối quan tâm này thành hoạt động đầu tư hay sử dụng nguồn vốn một cách hiệu quả là việc giảm thiểu rủi ro đầu tư bất động sản tại Việt Nam. Mục tiêu của các nhà đầu tư nước ngoài là tìm kiếm các dự án có thể nhanh chóng được phát triển và hoàn thiện để đi vào vận hành, vì vậy họ sẽ tìm đến các dự án minh bạch, chất lượng cao với các đối tác Việt Nam có thể hỗ trợ họ trong các các quy trình thủ tục về xin cấp phép xây dựng, thương lượng phí sử dụng đất, giải phóng mặt bằng và đền bù.

Mục tiêu của các nhà đầu tư nước ngoài là tìm kiếm các dự án có thể nhanh chóng được phát triển và hoàn thiện để đi vào vận hànhMục tiêu của các nhà đầu tư nước ngoài là tìm kiếm các dự án có thể nhanh chóng được phát triển và hoàn thiện để đi vào vận hành

Bên cạnh đó, các nhà đầu tư cũng coi trọng việc có thể so sánh rõ ràng giữa Việt Nam và các quốc gia khác như Indonesia, Singapore... Để làm được điều này, minh bạch thông tin là rất quan trọng và là một yếu tố cần thiết trong để nhà đầu tư đưa ra quyết định. Đây cũng là một trong những điểm yếu của thị trường Việt Nam.

Mặt khác, các nhà đầu tư trong nước cũng đang chịu áp lực cạnh tranh từ các nhà đầu tư nước ngoài với nguồn vốn dồi dào và các mô hình sản phẩm mới đang gia nhập thị trường. Các chính sách mới và điều chỉnh luật cũng đang tạo ra khó khăn cho các nhà đầu tư trong việc tìm nguồn vốn, xây dựng và hoàn vốn cho dự án. Các xu hướng toàn cầu như proptech cũng đang làm chấn động thị trường bất động sản. Tuy vậy, các nhà đầu tư trong nước chắc chắn sẽ có ít kinh nghiệm hơn trong việc thích ứng với những biến đổi lớn như vậy của thị trường.

Ông Matthew Powell cho hay: "Triển vọng đầu tư của thị trường Việt Nam trong tương lai vẫn theo xu hướng khả quan. Sức hút của thị trường bất động sản sẽ tiếp tục duy trì, thể hiện ở tăng trưởng FDI, tăng số lượng giao dịch M&A và tăng trưởng số lượng doanh nghiệp mới. Thị trường bất động sản, gắn kết trực tiếp đến tiềm năng của nền kinh tế vĩ mô, sẽ chịu tác động của nhiều chính sách về tiền tệ, quy hoạch và kinh doanh.

Với những nỗ lực của chính phủ Việt Nam trong việc đề xuất, ban hành và áp dụng những chính sách khuyến khích đầu tư cũng như cải thiện khung pháp lý, thị trường bất động sản Việt Nam được kỳ vọng sẽ tiếp tục phát triển bền vững ở tất cả các phân khúc. Khi các nhà đầu tư tìm kiếm một phân khúc bất động sản để rót vốn, mối quan tâm của họ thường là tiềm năng và khả năng sinh lời của phân khúc. Nhưng liệu đó có phải là hướng đi đúng, hay câu chuyện phụ thuộc nhiều hơn vào khả năng tiếp cận và năng lực của nhà đầu tư".