19/01/2025 | 15:24 GMT+7, Hà Nội

Tìm cách hạn chế nông sản Việt xuất khẩu qua thương hiệu nước ngoài

Cập nhật lúc: 24/06/2019, 10:00

Do chất lượng sản phẩm không đồng đều, chưa đáp ứng được yêu cầu của thị trường khó tính nên một lượng không nhỏ nông sản Việt được bán ra thị trường thế giới thông qua thương hiệu nước ngoài.

DN cần phải tự hào và tự tin về sản phẩm, những câu chuyện đằng sau thương hiệu để tạo sự khác biệt, thu hút người tiêu dùng. (Ảnh TL) DN cần phải tự hào và tự tin về sản phẩm, những câu chuyện đằng sau thương hiệu để tạo sự khác biệt, thu hút người tiêu dùng. 

 

Việt Nam đang có hơn 10 mặt hàng nông sản xuất khẩu (XK) chủ lực, có mặt tại 160 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Trong đó, một số sản phẩm có giá trị XK trên 1 tỷ USD như cà phê, gạo, điều, trái cây… Tuy nhiên, so với tiềm năng, số lượng nông sản XK của Việt Nam còn khá khiêm tốn.

Nguyên do, chất lượng sản phẩm không đồng đều, chưa đáp ứng được yêu cầu của thị trường khó tính. Đáng chú ý, một lượng không nhỏ nông sản Việt được bán ra thị trường thế giới thông qua thương hiệu nước ngoài.

Khắc phục những hạn chế trên, Bộ Công Thương đang nỗ lực hoàn thiện hệ thống chính sách liên quan. Trong đó, Bộ đã và đang triển khai Chương trình Thương hiệu ngành thực phẩm Việt Nam, theo định hướng xây dựng và phát triển thương hiệu các ngành hàng có thế mạnh XK, có khả năng cạnh tranh trên thị trường thế giới.

Chương trình được triển khai từ năm 2015 và chia làm 3 giai đoạn. Đến thời điểm hiện tại, Bộ Công Thương đã hoàn thành giai đoạn thứ nhất (nghiên cứu và phân tích) và giai đoạn thứ hai (xây dựng đề án "Phát triển thương hiệu ngành thực phẩm Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030" và thiết kế hệ thống nhận diện thương hiệu).

Trong giai đoạn thứ ba (triển khai thực hiện đề án), Bộ Công Thương sẽ giới thiệu hệ thống quản trị thương hiệu và hệ thống tiêu chí; thực hiện chiến dịch truyền thông, quảng bá hình ảnh ngành hàng thực phẩm Việt Nam và các phân ngành thực phẩm.

Bộ Công Thương đã phối hợp với các bộ, ngành liên quan xây dựng và quản lý chỉ dẫn địa lý cho nông sản. Từ đó, nâng cao nhận thức của người sản xuất và tiêu dùng đối với sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý; nâng cao hiệu quả trong liên kết vùng để phát triển sản phẩm chủ lực liên tỉnh, liên vùng, góp phần nâng cao khả năng cạnh tranh, giá trị sản phẩm ở thị trường trong và ngoài nước.

Đặc biệt, Bộ Công Thương đang xây dựng và sẽ trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án Chương trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam trong giai đoạn mới và dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế quản lý và thực hiện Chương trình Thương hiệu quốc gia.

Ông Hoàng Minh Chiến - Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) - cho biết: Nội dung của Chương trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam trong giai đoạn mới sẽ có sự gắn kết thương hiệu sản phẩm của doanh nghiệp với các hoạt động thu hút đầu tư, quảng bá văn hóa, du lịch. Từ đó, xây dựng thương hiệu quốc gia Việt Nam trở thành hình ảnh tích cực, hấp dẫn và thu hút nhà nhập khẩu, du khách, nhà đầu tư, người lao động và người tiêu dùng. Thương hiệu hàng hóa nói chung và thương hiệu nông sản của Việt Nam từ đó sẽ có uy tín và hấp dẫn hơn.

Với kinh nghiệm nhiều năm hỗ trợ doanh nghiệp XK nông sản, thực phẩm sang thị trường khối Liên minh châu Âu, ông Reindert Dekker - chuyên gia tư vấn cao cấp của Cơ quan Hỗ trợ nhập khẩu từ các nước đang phát triển của Hà Lan - cho rằng, nông sản, thực phẩm không còn là sản phẩm thô mà cần có tính văn hóa, cảm xúc, hình ảnh. Do vậy, điều đầu tiên DN cần phải tự hào và tự tin về sản phẩm, những câu chuyện đằng sau thương hiệu để tạo sự khác biệt, thu hút người tiêu dùng.

Nguồn: https://congluan.vn/tim-cach-han-che-nong-san-viet-xuat-khau-qua-thuong-hieu-nuoc-ngoai-post64044.html