28/01/2025 | 02:49 GMT+7, Hà Nội

Tiết lộ lý do hầu hết các cửa hàng đồng giá đều gắn mác Nhật, Hàn

Cập nhật lúc: 15/11/2018, 06:30

Khảo sát mới đây do Nhóm dịch vụ nghiên cứu thị trường Việt Nam Q&Me thực hiện đã kết luận rằng hầu hết các cửa hàng đồng giá đều gắn với hình ảnh Nhật Bản hay Hàn Quốc để tăng mức độ uy tín. Tuy nhiên, thực chất sản phẩm của họ phần lớn lại không đến từ những quốc gia này.

Trước sự phát triển ngày càng nhanh của chuỗi các cửa hàng đồng giá, nhóm nghiên cứu Q&Me đã có cuộc khảo sát trên hơn 600 người ở độ tuổi từ 20-39 tại Hà Nội và TP.HCM để có được cái nhìn tổng thể về những động lực khiến người tiêu dùng mua sắm ở các cửa hàng đồng giá cũng như sự hình dung về các thương hiệu, các sản phẩm phổ biến được bán tại đây.

Theo đó, phần lớn người được hỏi đều biết đến các cửa hàng đồng giá, vậy để thấy sự phổ biến của loại hình này trên thị trường hiện nay. Đáng chú ý, có đến 70% đáp viên biết đến thương hiệu Daiso và Miniso.

Số lượng cửa hàng lớn nhất hiện thuộc về Miniso với 41 cửa hàng tại Hà Nội và TP.HCM, kế đến là Ilahui với 34 cửa hàng, Mumuso 23 cửa hàng, Daiso với 15 cửa hàng; Moji và Yoyoso có số cửa hàng thấp hơn, lần lượt là 11 và 5.

Những nhận định mà người tiêu dùng đánh giá khi nói về cửa hàng đồng giá là: “Giá cả phải chăng”, “Đa dạng”, “Mới mẻ”, “Chất lượng tốt” và “Thiết kế đẹp”. 

Trong khi đó, “Các vật phẩm trong nhà”, “Mỹ phẩm”, “Đồ thời trang”, “Phụ kiện điện tử" và “Văn phòng phẩm" là những sản phẩm được bán nhiều và nhiều người chọn mua tại cửa hàng đồng giá.

Với sự phổ biến của mình, Daiso đang có lượt khách hàng mua sắm cao nhất (43%) và tỷ lệ "Không nhận ra" thương hiệu thấp nhất (28%). Mặc dù có số lượng cửa hàng lớn nhất trong nhóm cửa hàng đồng giá, Miniso lại chỉ có khoảng 37% lượt khách hàng mua sắm theo khảo sát, tỷ lệ "Không nhận ra" thương hiệu cũng cao hơn so với Daiso, chiếm 31%.

50% người được hỏi cho hay họ thường xuyên mua đơn hàng có trị giá từ 200.000 đồng trở xuống trong mỗi lần mua tại cửa hàng. Phần trăm khách hàng dành nhiều "ngân quỹ" cho các sản phẩm trong cửa hàng tiện lợi khá ít, có khoảng 13% đối với nhóm khách hàng chi từ 500.000 - 1.000.000 đồng, chỉ có 6% khách hàng chi trên 1.000.000 đồng cho việc mua sắm tại cửa hàng đồng giá.

Tuy nhiên, nhóm nghiên cứu đã chỉ ra 1 vấn đề rằng hầu hết các cửa hàng đồng giá đều gắn với hình ảnh Nhật Bản hay Hàn Quốc để tăng mức độ uy tín. Nhưng thực tế thì phần lớn sản phẩm của họ không đến từ những quốc gia này.

Đây là câu chuyện mà báo chí đã nhắc đến khá nhiều trong thời gian qua, hàng loạt cửa hàng đồng giá mọc lên với nhãn "Hàng Nhật giá rẻ", "Tất cả sản phẩm nhập khẩu từ Nhật Bản",... nhưng khi PV đi thực tế và những phản hồi từ người tiêu dùng đều toát lên sự mập mờ về nguồn gốc xuất xứ sản phẩm của các cửa hàng này.

Cụ thể như trường hợp của Daiso Japan, 2/3 sản phẩm có nguồn gốc xuất xứ từ Trung Quốc nhưng đơn vị bán hàng lại một mực quảng cáo sản phẩm nhập khẩu từ Nhật Bản, đi cùng với đó, tên thương hiệu lại gắn liền với "mác" hàng Nhật nên đã khiến không ít khách hàng lầm tưởng rằng mình đang được mua các sản phẩm hàng hóa Nhật Bản với giá... ưu đãi.

Tương tự như vậy, Miniso, Mumuso cũng gắn cho mình mác Nhật, nhận mình là đơn vị nhượng quyền thương hiệu của Hàn Quốc nhưng thực tế thì phần lớn sản phẩm tại Miniso là hàng được sản xuất tại Trung Quốc và Mumuso thì có trụ sở chính, công xưởng và toàn bộ hoạt động điều hành của công ty mẹ nằm ở Trung Quốc.

Sẽ không có gì để bàn nếu các cửa hàng đồng giá như Miniso, Daiso,... bán hàng Trung Quốc và công khai rằng đó là các sản phẩm xuất xứ từ Trung Quốc nhưng hành vi "treo đầu dê, bán thịt chó", kinh doanh hàng hóa của các quốc gia khác nhưng lại quảng cáo buôn đồ Nhật Bản, Hàn Quốc chất lượng cao thì đó là một "cú lừa" quá lớn đối với thị trường và người tiêu dùng.