22/11/2024 | 06:57 GMT+7, Hà Nội

Tiến trình đi đến thành phố thông minh của các đô thị trên thế giới

Cập nhật lúc: 09/05/2019, 06:00

Để tiến đến mô hình thành phố thông minh, các khu đô thị trên toàn cầu đã phải cải thiện rất nhiều, từ cơ sở hạ tầng cho đến công nghệ bảo vệ môi trường.

Định nghĩa một thành phố thông minh vẫn chưa được xác định rõ ràng, nhưng về cơ bản đó là mô hình thành phố ứng dụng công nghệ thông tin, trí tuệ AI vào đời sống để quản lý và cải thiện chất lượng cuộc sống cho người dân, sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên. Nhiều bằng chứng cho rằng, thành phố thông minh thúc đẩy những lĩnh vực cộng đồng như giáo dục, chăm sóc sức khỏe, an ninh và nhất là cải thiện cuộc sống của cư dân. Chính vì lẽ đó, hiện nay rất nhiều đô thị trên thế giới đang nhắm vào mô hình này.

Một báo cáo của Viện toàn cầu McKinsey cho rằng, ngành công nghiệp thành phố thông minh sẽ tăng vọt lên 400 tỷ USD vào năm 2020. Còn theo báo cáo của công ty công nghệ thông tin IDC, ngân sách các nước châu Á - Thái Bình Dương (trừ Nhật Bản) đầu tư cho phát triển đô thị thông minh sẽ tăng lên trong các năm tới và đạt ngưỡng 54,4 tỷ USD vào năm 2022. Singapore, Dubai, Tokyo và New York, Songdo là một trong những nơi chi tiêu hàng đầu cho công nghệ thành phố thông minh.

Songdo – Thành phố thông minh từ thị trấn hoang

Để biến một thị trấn hoang trở thành khu đô thị thông minh đáng sống, Hàn Quốc đã đổ vào Songdo 40 tỷ USD với hàng trăm tòa nhà chọc trời được chứng nhận LEED (Leadership in Energy & Environmental Design - Giấy chứng nhận cho các công trình xây dựng xanh được cấp bởi Hội đồng Xây dựng Xanh Mỹ) với mục đích đổi thay hình ảnh đô thị.

Đồng thời, Songdo cũng phát triển những công nghệ hiện đại vô cùng hoàn hảo. Hệ thống camera phủ dày các ngóc ngách sẽ thu thập dữ liệu và phân tích để đưa ra những quyết định có lợi nhất cho dân chúng; kiểm soát giao thông công cộng; theo dõi tội phạm và thậm chí cả theo dõi sát sao công dân nào chậm nộp thuế.

Songdo – Thành phố thông minh từ thị trấn hoang

Songdo – Thành phố thông minh từ thị trấn hoang

Thành phố này nói không với xe chở rác và thay vào đó là công nghệ vận chuyển rác dưới lòng đất. Rác trực tiếp được hút từ thùng rác trong các căn hộ xuống hệ thống ống ngầm, đảm bảo không gian đô thị trên mặt đất luôn xanh sạch đẹp. Rác cũng được tái chế để tạo ra điện năng phục vụ đời sống.

Cư dân tại đây được sử dụng vô số những tính năng thông minh và an toàn như: mở cửa bằng điều khiển từ xa; nhận thông báo đang lãng phí điện năng để có thể tắt nước, tắt đèn trên điện thoại dù không có mặt ở nhà. Đối với các thủ tục hành chính công, người dân hoàn toàn có thể thực hiện trực tuyến ở bất cứ đâu.

Thành phố mở Bristol

Thành phố mở Bristol

Thành phố mở Bristol

Thành phố phía Tây nước Anh là một trong những ví dụ rõ ràng nhất về tiến trình trở thành một thành phố thông minh từ một khu đô thị nhỏ.

Không đủ khả năng tập trung phát triển công nghệ, yêu cầu đặt ra để tiến tới đô thị thông minh là phải tạo một cuộc sống khác biệt nhưng thật thoải mái cho mọi công dân và Bristol đã làm được điều đó.

Tại đây, biển chỉ đường, bảng thông tin, bản đồ từng khu vực được đồng bộ toàn thành phố để hiệu quả nhất với du khách và người dân. Do đó khách thập phương dù đến đây lần đầu cũng có thể tìm địa điểm một cách nhanh chóng và dễ dàng.

Về vấn đề thân thiện môi trường, thành phố này cũng hoàn thành vai trò một cách xuất sắc trong việc tái chế, tái sử dụng nguồn nước, thu gom rác thải vô cùng hợp lý để tạo cho mình những khoảng không gian xanh rộng lớn trong thành phố.

Thành phố công nghệ hàng đầu New York

Thành phố công nghệ hàng đầu New York

Thành phố công nghệ hàng đầu New York

Theo kết quả nghiên cứu toàn cầu Savills, New York đứng đầu thế giới về danh hiệu thành phố công nghệ hàng đầu thế giới, xứng với danh hiệu thành phố thông minh.

New York được xây dựng thành “smart city” thông qua công nghệ hiện đại. Tại đây, hàng trăm bộ cảm biến, hàng chục máy quay và đo tốc độ dọc theo những nút giao thông để cải thiện thời gian lưu thông cho người dân. Đối mặt với vấn nạn tội phạm làm đau đầu những đô thị phát triển thì ở đây lại có hẳn một hệ thống theo dõi âm thanh từ súng đạn để xác định chính xác vị trí của bất kỳ tiếng súng nào chỉ trong vài giây. Kể từ khi có hệ thống này, sự an toàn cho các công dân của thành phố càng tăng lên.

Chính quyền thành phố cũng sử dụng dữ liệu bất động sản để phát hiện và cảnh báo trước những ngôi nhà dễ bị hỏa hoạn. Cảm biến AI được ứng dụng mọi thứ như xe tự lái, đèn đường thông minh, cảm biến âm thanh, chuyển động để xác định sự cố có thể xảy ra.

Thành phố xanh Singapore

Thành phố xanh Singapore

Thành phố xanh Singapore

Thành phố xanh nhất thế giới Singapore bắt đầu đề án “smart city” từ năm 2014 và dường như thành phố này đang tiến gần đến sự hoàn hảo khi ứng dụng công nghệ bất cứ ngóc ngách nào. Đó là mạng lưới camera khổng lồ và nhiều loại cảm biến khác nhau để các nhà điều hành không chỉ phân tích được an ninh trật tự, mật độ đám đông, chất lượng không khí mà còn những hoạt động nhỏ của dân chúng như hút thuốc trong vùng cấm, xả rác bừa bãi hay điều chỉnh giao thông,…

Người dân chính là đối tượng được hưởng lợi nhiều nhất từ mô hình thành phố thông minh. Dự kiến tương lai rất gần, mọi ngôi nhà ở Singapore sẽ có cảm biến giám sát mọi hoạt động sử dụng điện năng để nhắc nhở người dân tiết kiệm hơn.

Mộc Trà (Nguồn: GCN)