19/01/2025 | 18:15 GMT+7, Hà Nội

Thúc đẩy đô thị hóa nhằm đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế

Cập nhật lúc: 16/12/2022, 09:57

Khu vực đô thị ở nước ta đã và đang là động lực tăng trưởng kinh tế của cả nước, các vùng kinh tế trọng điểm cũng là nơi tập trung nhiều đô thị lớn.

Tạo động lực phát triển Kinh tế Việt Nam trong năm 2023

Chia sẻ tại Hội thảo “Động lực Phát triển kinh tế Việt Nam 2023” sáng ngày 14/12, tại Hà Nội do Báo Xây dựng tổ chức, ông Trần Hoài Anh, Phó Cục trưởng Cục Hạ tầng kỹ thuật (Bộ Xây dựng) chia sẻ: Phát triển, hiện đại hóa kết cấu hạ tầng kỹ thuật đô thị để nâng cao chất lượng tăng trưởng đô thị và kết nối liên vùng.

Những thập niên vừa qua, nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam đã thúc đẩy đô thị hóa trong quá trình phát triển nhằm đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế và chuyển dịch cơ cấu nền kinh tế. Với chính sách đổi mới, hội nhập cùng sự tăng trưởng cao của nền kinh tế đất nước, hệ thống đô thị của Việt Nam đã phát triển nhanh chóng về số lượng và quy mô, chất lượng cuộc sống của người dân đô thị từng bước được cải thiện.

Phát triển, hiện đại hóa kết cấu hạ tầng kỹ thuật đô thị để nâng cao chất lượng tăng trưởng đô thị và kết nối liên vùng. (Ảnh minh họa)
Phát triển, hiện đại hóa kết cấu hạ tầng kỹ thuật đô thị để nâng cao chất lượng tăng trưởng đô thị và kết nối liên vùng. (Ảnh minh họa)

Khu vực đô thị đã và đang là động lực tăng trưởng kinh tế của cả nước, các vùng kinh tế trọng điểm cũng là nơi tập trung nhiều đô thị lớn; chỉ tính riêng Hà Nội và TP.HCM hàng năm đã đóng góp khoảng 50% tổng thu ngân sách cả nước. Tuy nhiên, đô thị hóa đôi khi không thực sự đồng nghĩa với tăng trưởng đô thị.

Ở các quốc gia phát triển như Nhật Bản, Hàn Quốc cho thấy, xây dựng và phát triển đồng bộ, hiện đại hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật đô thị trong bối cảnh đô thị hóa là yếu tố quan trọng thúc đẩy tăng trưởng đô thị cũng như tăng trưởng vùng, góp phần nâng cao hiệu quả các hoạt động kinh tế - xã hội và cải thiện chất lượng sống của người dân.

Ngành Xây dựng thời gian qua đã tập trung quan tâm đến công tác quản lý, phát triển hạ tầng kỹ thuật theo đúng quan điểm chỉ đạo, định hướng của Đảng, Nhà nước và Quốc hội.

Về mặt thể chế, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về quy hoạch, đầu tư xây dựng và khai thác quản lý vận hành hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị đã được chú ý, hoàn thiện phù hợp giai đoạn phát triển. Công tác quy hoạch kết cấu hạ tầng đô thị được quan tâm, thực hiện theo quy định của Luật Quy hoạch đô thị. Công tác đầu tư xây dựng phát triển hạ tầng kỹ thuật đã được các cấp từ Trung ương đến chính quyền đô thị quan tâm.

Về hạ tầng giao thông đô thị, mạng lưới đường cao tốc, quốc lộ, cầu, các cảng hàng không được đầu tư, nâng cấp, cải tạo. Về hạ tầng cấp nước, Chính phủ, chính quyền các địa phương rất quan tâm vấn đề này trong các giai đoạn phát triển. Về hạ tầng thoát nước và xử lý chất thải đô thị, với xu thế phát triển đô thị tăng trưởng xanh và mô hình nền kinh tế tuần hoàn, hệ thống hạ tầng thoát nước, xử lý nước thải, chất thải rắn được các địa phương, đặc biệt là các đô thị lớn như Hà Nội, TP.HCM quan tâm đầu tư cải tạo và xây dựng mới nhưng việc triển khai còn chậm.

Song song với những kết quả đạt được, công tác quản lý phát triển hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị vẫn còn những hạn chế. Về tổng thể, năng lực hệ thống hạ tầng chưa đáp ứng nhu cầu của người dân và các hoạt động kinh tế đô thị, đặc biệt đối với hạ tầng giao thông, thu gom và xử lý chất thải rắn, thoát nước và xử lý nước thải. Quy hoạch phát triển các lĩnh vực kết cấu hạ tầng đô thị chưa đáp ứng yêu cầu, còn thiếu tính đồng bộ…

Trước những yêu cầu từ thực tiễn quản lý phát triển đô thị nói chung và hạ tầng kỹ thuật đô thị nói riêng, tại Nghị quyết số 06-NQ/TW ngày 24/01/2022 về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị việt nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Bộ Chính trị đã nêu rõ quan điểm chỉ đạo phát triển kết cấu hạ tầng các đô thị phải đi trước một bước và tạo ra nguồn lực chủ yếu cho phát triển đô thị.

Nghiên cứu Luật điều chỉnh về quản lý không gian ngầm đô thị

Để triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 06 của Bộ Chính trị, thời gian tới Bộ Xây dựng đề xuất một số giải pháp để thúc đẩy phát triển hạ tầng kỹ thuật đô thị.

Về hoàn thiện chính sách, pháp luật, Bộ Xây dựng đang tiến hành nghiên cứu, xây dựng Luật điều chỉnh về cấp, thoát nước; Luật điều chỉnh về quản lý không gian ngầm đô thị. Thời gian tới cần rà soát các định hướng, chiến lược phát triển kết cấu hạ tầng, xác định các chỉ tiêu phù hợp với thực trạng và tiềm năng phát triển; hoàn thiện quy chuẩn, tiêu chuẩn, định mức, đơn giá xây dựng liên quan đến lĩnh vực hạ tầng kỹ thuật. Đồng thời xây dựng cơ chế, chính sách huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật đô thị…Về đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị, cần xây dựng, phát triển hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị có lộ trình phù hợp.

Tập trung ngân sách đầu tư kết cấu hạ tầng kỹ thuật đô thị. Cần có nguồn lực đầu tư xây dựng và đưa vào sử dụng, vận hành hiệu quả các công trình hạ tầng kỹ thuật trọng điểm, cấp bách. Ưu tiên đầu tư tăng cường năng lực của hệ thống hạ tầng, cấp nước, thoát nước và xử lý nước thải, chất thải rắn nhằm bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu. Đầu tư khép kín các đường vành đai, đường xuyên tâm, hệ thống giao thông công cộng đồng bộ có sức chở lớn, bến, bãi đỗ xe tại các đô thị. Tăng cường khai thác sử dụng hệ thống không gian ngầm, công trình ngầm đô thị, không gian đa chức năng của đô thị.

Nâng cao năng lực tiếp cận và khai thác thành quả cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Áp dụng công nghệ số và mô hình quản lý thông minh trong quản lý, vận hành, khai thác hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị. Tiếp tục đẩy mạnh hợp tác quốc tế với các tổ chức quốc tế, các tổ chức Chính phủ, phi Chính phủ nhằm tranh thủ sự hỗ trợ về tài chính và kỹ thuật.

Nguồn: https://kinhtemoitruong.vn/thuc-day-do-thi-hoa-nham-day-nhanh-toc-do-tang-truong-kinh-te-74387.html