19/01/2025 | 06:19 GMT+7, Hà Nội

Thu hồi 300 dự án, nợ xấu bất động sản sẽ tăng lên hàng chục lần?

Cập nhật lúc: 10/01/2019, 20:01

Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu, việc thu hồi 300 dự án sẽ khiến nợ xấu bất động sản tăng lên hàng chục lần, bởi nợ bất động sản tại ngân hàng thực tế phải trên 70% và đây sẽ là đòn gián tiếp vào thị trường tài chính, chứng khoán.

fhg

Thu hồi hàng loạt dự án bất động sản, ngành tài chính có dính “tai bay vạ gió”?!

Một năm “chạy đua” rao bất động sản nợ xấu "bất thành"

Nghị quyết 42 được Quốc hội thông qua vào cuối tháng 8/2017, nhằm tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn pháp lý hiện hành liên quan đến xử lý nợ xấu và tài sản bảo đảm các khoản nợ của tổ chức tín dụng; tạo cơ chế xử lý đồng bộ, thúc đẩy xử lý nhanh, dứt điểm nợ xấu cho các tổ chức tín dụng.

Ngay sau khi Nghị quyết 42 được thông qua, nhiều khoản nợ xấu đã được ngân hàng, VAMC mua lại từ các ngân hàng đã được công bố sẽ công khai bán đấu giá. Các chuyên gia được hỏi đều đồng tình rằng đây là tín hiệu tốt cho thấy thị trường dần minh bạch, nợ xấu ngân hàng sẽ nhanh chóng được giải quyết một cách quyết liệt hơn.

Đến nay sau hơn một năm, khi những khoản nợ xấu khủng liên quan đến bất động sản dần được "đưa ra ánh sáng", dư luận không khỏi đặt nghi vấn về những khoảng tối chưa được tiết lộ. Nhất là sau khi một số ngân hàng công bố bán công khai nợ xấu bất động sản, dù đại hạ giá hàng trăm tỷ đồng cũng chẳng có “ma” nào thèm ngó.

Chẳng hạn, Công ty cổ phần bán đấu giá Lam Sơn vừa công bố hạ giá lần thứ 7 khoản nợ xấu của Thuận Thảo Nam Sài Gòn và nhóm 95 khách hàng xuống mức 761,45 tỷ đồng. So với mức giá hồi tháng 11, giá khởi điểm khoản nợ này giảm gần 10%, tương ứng 82,3 tỷ đồng. Còn nếu so với mức giá khởi điểm trong đợt đấu giá đầu tiên, khoản nợ này đã giảm hơn 36%, từ mức 1.200 tỷ đồng xuống 761,4 tỷ đồng.

Khoản nợ hiện là tài sản thuộc sở hữu của Công ty Quản lý tài sản các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) và Ngân hàng Đầu tư và phát triển Việt Nam (BIDV). Tổng dư nợ tại thời điểm ngày 30/6/2018 là 2.378 tỷ đồng, được đảm bảo bằng trụ sở của Công ty Thuận Thảo Nam Sài Gòn là khu đất có diện tích 275m2 nằm trên đường Bùi Thị Xuân (quận 1, TP.HCM). Ngoài ra, còn 2 khu đất tại huyện Bình Chánh (TP.HCM) và 5,2 triệu cổ phiếu GTT của Công ty CP Thuận Thảo thuộc sở hữu của bà Võ Thị Thanh - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thuận Thảo (Phú Yên).

Nhiều ngân hàng khác cũng liên tục thông báo thanh lý hàng loạt tài sản khủng. Sacombank đang rao bán bất động sản tại số 61 và 63A Nam Kỳ Khởi Nghĩa, quận 1 với tổng diện tích lên đến 817m2, giá khởi điểm là 689,35 tỷ đồng. Nơi này cũng đang rao bán bất động sản rộng 6.382m2 tại quận Bình Thạnh với giá 447,45 tỷ đồng.

Agribank cũng tìm "kế" đấu giá toàn bộ khoản nợ có bảo đảm bằng tài sản của doanh nghiệp tư nhân Thanh Tùng tại Agribank chi nhánh Bình Tân. Trong đó, dư nợ gốc là hơn 352 tỷ đồng và nợ lãi là hơn 356 tỷ đồng. Tài sản thế chấp là quyền sử dụng đất sản xuất kinh doanh có diện tích 6952,2m2 tại xã Tân Kiên, huyện Bình Chánh và là toàn bộ giá trị xây dựng của công trình cao ốc căn hộ Hạnh Phúc được xây dựng cũng tại xã Tân Kiên…

Như vậy, cả năm qua các ngân hàng đã gồng mình chạy đua rao bán bất động sản thế chấp để xử lý nợ xấu nhưng xem chừng khối nợ vẫn gần “nguyên”.

Theo thống kê, tổng nợ xấu nội bảng của 17 ngân hàng niêm yết đến cuối tháng 9 là hơn 77.000 tỷ đồng trong khi con số đầu năm là gần 65.000 tỷ đồng. Mức tăng số dư nợ xấu cao nhất tại một ngân hàng trong 9 tháng đầu năm dao động trên dưới 3.000 tỷ đồng, thuộc về nhóm các ngân hàng cỡ lớn như BIDV, Vietinbank, VPBank. 5 ngân hàng dẫn đầu về số nợ xấu tuyệt đối là BIDV, Vietinbank, VPBank, Sacombank, Vietcombank.

Về tốc độ tăng nợ xấu, 9 tháng đầu năm 2018, trong khi mức chung của hệ thống là khoảng 19% so với đầu năm thì một số ngân hàng có nợ xấu tăng tới 40% - 50% như VPBank (tăng 51,7%), MBBank (45%)...

Qua những con số trên mới thấy, ngân hàng cũng như VAMC dường như đang "vần nhau" hơn một năm trời nhưng cái tên nợ xấu bất động sản vẫn không hề nhúc nhích.

Mới đây, ngày 4/1/2019, tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội TP.HCM năm 2019, bà Phan Thị Thắng, Giám đốc Sở Tài chính TP.HCM có nêu đề nghị của Sở này: "Sẽ huỷ 300 quyết định, công văn bán chỉ định đất công". Theo bà Thắng, trong thời gian qua với vai trò là thường trực của Ban chỉ đạo 167, Sở Tài chính đã rà soát việc sử dụng nhiều mặt bằng nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước theo quy định tại Nghị định 167/2017 về sắp xếp nhà đất công trên địa bàn TP. Theo đó, Sở Tài chính đề nghị hủy bỏ 300 quyết định, công văn chỉ định bán các mặt bằng và địa chỉ nhà đất công cho các tổ chức, cá nhân và đưa vào bán đấu giá theo quy định.

Giám đốc Sở Tài chính cũng cho hay Sở này đang tập trung đôn đốc, đẩy mạnh khai thác nguồn thu từ chuyển quyền sử dụng đất, chuyển nhượng nhà đất thuộc sở hữu nhà nước qua xử lý, sắp xếp theo Nghị định 167. “Sở sẽ tiếp tục rà soát danh mục các mặt bằng và địa chỉ nhà đất không sử dụng hoặc sử dụng lãng phí, mặt bằng đã có chủ trương cho chuyển mục đích sử dụng đất nhưng chủ đầu tư chưa triển khai để thu hồi, tổ chức bán đấu giá”, bà Thắng phát biểu. Bà Thắng cho biết Sở Tài chính sẽ tham mưu UBND TP kiến nghị Chính phủ ban hành quyết định quy định cơ chế phối hợp giữa TP.HCM với các bộ ngành trong việc rà soát, sắp xếp lại và xử lý các nhà, đất công do các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc trung ương quản lý trên địa bàn TP.

Việc thu hồi tài sản, các dự án sai phạm của Nhà nước là một chủ trương đúng đắn nhưng những tác động của nó không chỉ ảnh hưởng đến doanh nghiệp bất động sản mà còn lan sang cả cả ngân hàng cũng như VAMC.

"Đòn gián tiếp" đến thị trường tài chính, chứng khoán

fgd

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu.

Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu: Việc thu hồi dự án trước hết tác động trực tiếp đến các doanh nghiệp bất động sản. Nhưng cũng đang từng bước “giáng đòn” gián tiếp một cách mạnh mẽ đến thị trường tài chính, chứng khoán. Nên hiệu ứng domino và lo ngại về cuộc khủng hoảng là có thể xảy ra nếu như cơ quan đứng ra thu hồi và ngân hàng không có phương án cụ thể.

"Nói riêng về nợ xấu, việc thu hồi 300 dự án nếu như lấy lại giấy phép của dự án thì nợ xấu bất động sản khó có con số chính xác nhưng khả năng sẽ tăng hàng chục lần. Bởi hiện nợ bất động sản tại ngân hàng thực tế phải trên 70% thông qua các hình thức ẩn khác nhau", ông Hiếu nhận định.

Giả sử, việc thu hồi 300 dự án là trước mắt, chưa kể hàng nghìn dự án rồi đây sẽ được TP.HCM “bới lông tìm vết”. Lúc đó doanh nghiệp bất động sản sẽ "chết" trên mọi phương diện, nhưng kéo theo đó ngân hàng làm sao khó tránh khỏi "băng hà" khi vốn của doanh nghiệp 70% là vay của ngân hàng? Chưa kể, số tiền mà người dân “chạy vạy” để mua nhà phần lớn cũng nhờ ngân hàng mà có!

Theo công bố mới đây, hiện nợ xấu của hệ thống ngân hàng 2018 là 2,18%, tuy nhiên, nếu tính cả VAMC là 5 - 6%. Nhưng nếu thu hồi dự án bất động sản ở mức lấy giấy phép thì nợ xấu 2019 như thế nào? Những con số này hoàn toàn phụ thuộc vào ứng xử của TP.HCM không chỉ riêng với 300 dự án đã được công bố mà còn hàng nghìn dự án bất động sản nếu "bới lông" chắc chắn sẽ "tìm thấy vết" trong những ngày sắp tới. Lúc đó, các tổ chức tín dụng và ngân hàng sẽ thế nào, hay "trạng chết, chúa cũng băng hà"?

Nguyễn Linh - Huyền Thương