22/11/2024 | 09:57 GMT+7, Hà Nội

Thời tiết thất thường, cha mẹ cẩn trọng với viêm tiểu phế quản ở trẻ

Cập nhật lúc: 01/08/2018, 09:01

Thời tiết mưa nắng thất thường là nhân tố thuận lợi làm gia tăng các bệnh nhiễm khuẩn hô hấp cấp ở trẻ em, trong đó có bệnh viêm tiểu phế quản. Trẻ bị bệnh này nếu không được phát hiện và điều trị sớm sẽ gây suy hô hấp nặng, có thể nguy hiểm đến tính mạng.

Theo số liệu ghi nhận của Khoa Nhi – Bệnh viện đa khoa Đức Giang, trong thời điểm giao mùa, mưa nắng thất thường gần đây, trung bình mỗi ngày khoa tiếp nhận khoảng 15-20 ca bệnh nhi (chủ yếu là các bé dưới 2 tuổi) phải nhập viện điều trị do Viêm tiểu phế quản.

Giao mùa, nhiều trẻ dễ mắc bệnh đường hô hấp, nhất là viêm tiểu phế quản

Giao mùa, nhiều trẻ dễ mắc bệnh đường hô hấp, nhất là viêm tiểu phế quản 

Nguyên nhân gây bệnh Viêm tiểu phế quản:

Viêm tiểu phế quản là bệnh viêm nhiễm cấp tính do virus hô hấp gây ra, đứng hàng đầu là virus hợp bào hô hấp (virus Respiratoire Syncytial), chiếm 30 - 50% các trường hợp mắc bệnh. Virus này có khả năng lây lan rất mạnh

Ở người lớn, trẻ lớn cũng có thể bị nhiễm virus này nhưng biểu hiện thường nhẹ, chỉ như cảm ho thông thường. Nhưng nếu trẻ dưới 2 tuổi, đặc biệt là trẻ dưới 6 tháng tuổi, bị lây nhiễm có thể biểu hiện dưới dạng nặng là viêm tiểu phế quản.

Triệu chứng của bệnh viêm tiểu phế quản là gì?

Những triệu chứng ban đầu thường giống như cảm lạnh: sổ mũi, ho nhẹ và sốt nhẹ trong 1 đến 2 ngày. Sau đó, các triệu chứng này sẽ phố biến và tăng lên như:

- Trẻ ho, thở nhanh và thở khò khè,

- Cổ và ngực của trẻ có thể thấy rõ co kéo theo mỗi nhịp thở,

- Trẻ có thể bị sốt từ 4 đến 5 ngày,

- Trẻ bị khó thở sẽ rất mệt hoặc bị thiếu nước,

- Trẻ nôn mửa kèm với ho hay tiêu chảy (phân lỏng, đi cầu nhiều hơn bình thường). 

Các dấu hiệu nặng cần nhanh chóng đưa trẻ đi bệnh viện:

- Trẻ sốt cao, dùng thuốc giảm sốt cũng không hạ

- Bỏ bú, nôn trớ

- Thở nhanh, khó thở, rút lõm lồng ngực, cánh mũi phập phồng 

- Da tím tái

Biến chứng khó lường

Biến chứng thường gặp của bệnh là suy hô hấp, viêm phổi (do dễ bị bội nhiễm), xẹp phổi, viêm tai giữa.

Bệnh có thể sẽ tiến triển nặng với nhiều biến chứng và có thể dẫn tới tử vong trong các trường hợp: trẻ dưới 3 tháng tuổi, trẻ sinh non - nhẹ cân, trẻ suy dinh dưỡng nặng, trẻ có sẵn bệnh tim, phổi, suy giảm miễn dịch.

Bệnh viêm tiểu phế quản có lây nhiễm không?

Bệnh viêm tiểu phế quản là bệnh lây nhiễm, bệnh có thể lây lan qua hắt hơi và ho. Bệnh cũng có thể lây khi tay chạm vào miệng hay mũi sau khi tiếp xúc với virus gây bệnh. 

 Cách phòng tránh viêm tiểu phế quản cho trẻ

Các mẹ cần chú ý ngay từ trong thời gian mang thai: Khám thai định kỳ, có chế độ dinh dưỡng đầy đủ, lao động hợp lý để đảm bảo trẻ sinh ra đủ tháng, đủ cân nặng.

- Cho trẻ bú mẹ từ lúc mới sinh cho đến 2 tuổi, trẻ sẽ có nhiều kháng thể chống lại bệnh.

- Cho trẻ tiêm phòng đầy đủ theo chương trình tiêm chủng mở rộng.

- Chú ý dinh dưỡng cho trẻ, nên ăn dặm đúng cách.

- Chú ý mặc quần áo thích hợp cho trẻ, khi thời tiết giao mùa chuyển nóng hoặc lạnh đột ngột cần thường xuyên thay quần áo phù hợp

- Giữ cho môi trường trẻ ở được trong lành, tránh tiếp xúc với khói bụi, khói thuốc lá. Bố mẹ và người chăm sóc trẻ cần rửa tay thường xuyên khi chăm sóc trẻ.

- Tránh để trẻ tiếp xúc gần gũi với trẻ bị bệnh và người lớn đang bị viêm đường hô hấp

- Thường xuyên sát khuẩn mũi, họng cho trẻ bằng dung dịch nước muối 0,9%