22/11/2024 | 02:08 GMT+7, Hà Nội

Thói quen người tiêu dùng Đông Nam Á đang thay đổi ra sao?

Cập nhật lúc: 08/08/2017, 11:12

Theo nhận định của Nielsen, các thị trường đang phát triển ở Đông Nam Á sẽ là ngôi nhà chung của 363 người tiêu dùng trẻ và năng động vào năm 2025.

Báo cáo mới đây của Nielsen cho hay, các quốc gia đang phát triển tại khu vực Đông Nam Á, bao gồm Philippines, Thái Lan, Myanmar và Việt Nam sẽ tiếp tục là điểm đến hàng đầu trong số các sự lựa chọn của các doanh nghiệp đa quốc gia.

Theo đó, các yếu tố dân số đông, trẻ và có mức độ lạc quan vào hàng cao nhất trên thế giới là các đặc điểm nổi bật khiến các quốc gia này liên tục thu hút được sự chú ý của các công ty đa quốc gia.

Bên cạnh đó, thu nhập của người tiêu dùng ở khu vực này ngày nay càng tăng lên, do đó, h sẵn lòng để chi tiêu nhiều hơn và chi trả cho những sản phẩm cao cấp hơn và có chất lượng tốt hơn.

Do vậy mà hành vi tiêu dùng của nhóm khách hàng này cũng có những thay đổi mạnh mẽ trong những năm gần đây.

Theo thống kê, các thị trường đang phát triển ở Đông Nam Á sẽ là ngôi nhà chung của 363 người tiêu dùng trẻ và năng động vào năm 2025.

Những lý do khiến thị trường này là điểm đến được ưu tiên của các doanh nghiệp đa quốc gia - đang muốn mở rộng và phát triển kinh doanh là bởi cứ 3 người tiêu dùng thì có 1 người thuộc thế hệ Millennials, bên cạnh đó, đây đều là những quốc gia có chỉ số niềm tin tiêu dùng cao, cụ thể: Philippines đứng thứ 2 về chỉ số lạc quan toàn cầu, Việt Nam đứng thứ 5 và Thái Lan đứng thứ 6.

Ngoài ra, người tiêu dùng tại các quốc gia này đều muốn cuộc sống tốt đẹp hơn, theo đó, 68% sử dụng tiền nhàn rỗi để tiết kiệm, chuẩn bị cho tương lai, nhưng họ cũng sẵn sàng chi tiêu nhiều hơn cho du lịch và sửa chữa nhà cửa.

Nghiên cứu cho thấy, họ quan tâm tới chất lượng, có tới 97% người tiêu dùng sẵn sàng trả nhiều hơn để có sản phẩm chất lượng cao.

Báo cáo cũng đã chỉ ra các yếu tố ảnh hưởng đến sản phẩm tiêu thụ:

  • Người Philippines muốn dùng các sản phẩm có nguồn gốc tự nhiên
  • Người Thái Lan quan tâm kỹ đến các loại thực phẩm họ sử dụng
  • Người Việt tránh sử dụng sản phẩm có chất bảo quản nhân tạo
  • Người Myanmar muốn mua các sản phẩm thân thiện với môi trường.

Sự tăng trưởng của NTD kết nối - những người có khả năng chi tiêu và internet là một trong những kênh kết nối chính của họ - đang ngày càng gia tăng.

Năm 2015 con số này là 69,7 triệu người, chi tiêu hàng năm là 142 tỷ USD. Đến năm 2025 con số này dự tính là gần 115 triệu người, chi tiêu hằng năm đạt 484 tỷ USD.

Dự kiến NTD kết nối tại khu vực này sẽ chi tiêu 3,5 ngàn tỷ USD trong suốt 1 thập kỷ tới.