19/01/2025 | 02:21 GMT+7, Hà Nội

Người tiêu dùng cần làm gì khi quyền lợi bị xâm hại?

Cập nhật lúc: 21/03/2017, 01:02

Theo một kết quả khảo sát do Viện Nghiên cứu Kinh tế, xã hội và Môi trường thực hiện đầu năm 2016, trong số hơn 1.000 người dân được hỏi thì có tới 40% cho biết đã mua phải hàng hóa có nguồn gốc xuất xứ không rõ ràng.

Bên cạnh đó, có trên 30% người tiêu dùng mua phải hàng hết hạn, ôi thiu, 46% người tiêu dùng mua phải hàng kém chất lượng so với quảng cáo...

Những con số này đang dấy lên sự lo ngại về việc xâm phạm tới quyền lợi của người tiêu dùng và sự an toàn tính mạng, sức khỏe của chính các "thượng đế".

Nắm bắt được quyền lợi của mình nhưng đôi khi người tiêu dùng vẫn còn băn khoăn khi quyền lợi bị xâm hại bởi không nắm rõ quy trình khiếu nại, khởi kiện hay giải quyết các vụ tranh chấp ra sao.

Theo Điều 30, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, tranh chấp giữa người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ (tổ chức, cá nhân) được giải quyết thông qua các phương thức sau:

1. Thương lượng: là cách giải quyết tranh chấp phát sinh giữa người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân thông dụng nhất và đảm bảo lợi ích các bên.

2. Hòa giải: là việc giải quyết tranh chấp giữa người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân thông qua bên thứ ba.

3. Trọng tài: là phương thức được sử dụng khi điều khoản trọng tài được tổ chức, cá nhân thông báo trước khi ký kết hợp đồng giao dịch và được người tiêu dùng chấp thuận.

4. Tòa án: là phương thức khi người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân không thể giải quyết các tranh chấp phát sinh theo 1 trong 3 phương thức trên.

Không được thương lượng, hòa giải trong trường hợp tranh chấp gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, lợi ích củ nhiều người tiêu dùng, lợi ích công cộng.

Quy trình tiếp nhận và giải quyết khiếu nại tại Phòng bảo vệ người tiêu dùng

Người tiêu dùng gửi bộ hồ sơ khiếu nại lên tổ chức hòa giải, cán bộ tiếp nhận sẽ kiểm tra tính hợp lệ của bộ hồ sơ, nếu bộ hồ sơ hợp lệ tổ chức hòa giải sẽ tiến hành giải quyết trong thời hạn 15 ngày làm việc.

Trong trường hợp hồ sơ không hợp lệ cán bộ tiếp nhận gửi lại người tiêu dùng yêu cầu bổ sung hồ sơ, người tiêu dùng có nghĩa vụ hoàn thiện hồ sơ trong vòng 5 ngày làm việc kể từ khi nhận được thông báo của tổ chức hòa giải.

Khi người tiêu dùng phát hiện quyền lợi của mình bị vi phạm, người tiêu dùng có thể thực hiện một trong các phương thức sau để bảo vệ quyền lợi của mình:

1. Thương lượng
2. Hòa giải
3. Trọng tài
4. Tòa án

Người tiêu dùng có thể gửi khiếu nại bằng 3 phương thức sau:

Thứ nhất, gửi khiếu nại qua bưu điện. Đơn khiếu nại gửi tới địa chỉ:

Phòng Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng - Cục Quản lý cạnh tranh

Số 25 Ngô Quyền, Hoàn Kiếm, Hà Nội

Tel: 04 22205022 ; Fax: 04. 22205003

Thứ hai, gửi đơn thư khiếu nại qua email: [email protected] hoặc [email protected]

Thứ ba, gửi khiếu nại trực tuyến bằng cách điền đầy đủ các thông tin vào mẫu đơn: MauDonKhieuNai