18/01/2025 | 19:20 GMT+7, Hà Nội

Thiếu 76.000 giáo viên cho năm học mới: Vì đâu nên nỗi?

Cập nhật lúc: 04/09/2018, 07:20

Các trường học ở 43 tỉnh/thành hiện nay đang thiếu gần 76.000 giáo viên, đặc biệt khối mầm non thiếu đến hơn 40.000 người.

Theo thống kê của Bộ GD&ĐT, tính đến thời điểm tháng 8/2018, so với định mức giáo viên/lớp quy định, cả nước thiếu gần 76.000 giáo viên; trong đó có: 43.732 giáo viên mầm non, 18.953 giáo viên tiểu học, 10.142 giáo viên THCS và thiếu 3.161 giáo viên THPT.

 

Bộ GD&ĐT nhận định đội ngũ giáo viên đang thừa nơi này nhưng lại thiếu nơi khác, thừa môn này nhưng lại thiếu môn khác. Tình trạng thừa thiếu cục bộ xảy ra ngay trong quy mô nhà trường, trong một huyện và giữa các huyện trong một tỉnh.

Thiếu 76.000 giáo viên cho năm học mới: Vì đâu nên nỗi?Ngành Giáo dục đang rơi vào tình trạng thừa thiếu giáo viên cục bộ. Ảnh minh hoạ

Theo Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ, nguyên nhân xảy ra thừa thiếu giáo viên cục bộ ở một số địa phương là do cơ quan chuyên môn là Sở Giáo dục, Phòng Giáo dục không phải đơn vị chủ trì, đầu mối về tuyển dụng, không thể chủ động điều tiết số lượng, cơ cấu đội ngũ theo môn học, cấp học.

Thẩm quyền giao biên chế, tuyển dụng, quản lý viên chức ngành giáo dục (giáo viên, nhân viên trong và ngoài biên chế) hiện nay thuộc UBND các cấp và ngành Nội vụ. Tuy nhiên, những đơn vị này chưa giám sát thường xuyên công tác tuyển dụng, sử dụng đội ngũ giáo viên.

 

Đặc biệt là một số nơi đã vi phạm nghiêm trọng quy định của pháp luật về tuyển dụng, bố trí, phân công giáo viên, gây nhiều bức xúc trong đội ngũ giáo viên và xã hội, điển hình như vụ việc hợp đồng lao động đối với giáo viên ở huyện Krông Pắk, Đắk Lắk và một số địa phương khác mà báo chí đã nêu.

Một lý do khác của việc thừa/thiếu giáo viên mầm non, phổ thông hiện nay là biến động về quy mô trường/lớp do dồn dịch, cơ cấu lại các trường hoặc do tăng dân số cơ học tại các khu vực trung tâm, thành phố lớn, khu công nghiệp.

Bên cạnh đó là tổng biên chế của các tỉnh có xu hướng giảm do thực hiện tinh giản biên chế, trong khi đó số lượng giáo viên tuyển ở các cấp trên, đặc biệt là THCS và THPT có xu hướng thừa so với nhu cầu, do đó không còn biên chế cho cấp học mầm non.

“Trước vấn đề thừa/thiếu cục bộ giáo viên, đặc biệt là vấn đềthiếu giáo viêndo tăng trưởng “nóng” về quy mô học sinh đang xảy ra ở một số địa phương, Bộ GD&ĐT đã chỉ đạo tiếp tục rà soát, quy hoạch mạng lưới trường/lớp, không để những trường quy mô nhỏ, những lớp có số lượng học sinh không đủ theo định mức để thực hiện điều tiết giáo viên từ những trường thừa sang những trường/lớp thiếu giáo viên; ưu tiên bố trí biên chế của các địa phương để tuyển dụng giáo viên, không xảy ra tình trạng có học sinh mà không có giáo viên dạy học”, Thứ trưởng Độ nhấn mạnh.

Cũng theo Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ, từ năm học 2018 - 2019, Bộ đã điều chỉnh chỉ tiêu tuyển sinh sư phạm sát với nhu cầu sử dụng. Đồng thời chỉ đạo các địa phương đánh giá cán bộ quản lý, giáo viên theo các chuẩn/tiêu chuẩn mới được ban hành đểcó được bức tranh tổng thể về chất lượng đội ngũ. Đây sẽ là căn cứ thực tiễn để Bộ đưa ra những chỉ đạo và kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng nhân sự ngành.