19/01/2025 | 02:14 GMT+7, Hà Nội

Nghỉ học thứ Bảy có thực sự giảm tải cho học sinh?

Cập nhật lúc: 23/08/2018, 00:01

Mới đây Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội đã đề xuất không tổ chức dạy và học vào thứ Bảy ở các cơ sở giáo dục phổ thông.

Nhiều người nghi ngờ, việc học sinh được nghỉ học vào thứ Bảy có đúng nghĩa giúp học sinh “giảm tải” hay chỉ theo kiểu hình thức, bắt học sinh học dồn các ngày từ thứ Hai đến thứ Sáu để nghỉ thứ Bảy.

Cha mẹ bối rối

Theo lý giải từ Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quộc hội, ông Phan Thanh Bình, Chủ nhiệm Ủy ban cho biết, hiện nay, đại bộ phận người lao động nghỉ làm việc vào thứ Bảy và Chủ nhật.

Việc sắp xếp lịch học của học sinh vào thứ Bảy gây ảnh hưởng tới thời gian chung của các gia đình. Do đó, Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội đề xuất với Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về việc không tổ chức dạy học vào thứ Bảy ở các cơ sở giáo dục phổ thông.

Thực tế, phần lớn các trường công lập cấp học mầm non, tiểu học đã thực hiện nghỉ thứ Bảy và Chủ nhật, trừ một số trường do cơ sở vật chất thiếu thốn nên học sinh phải luân phiên học vào thứ Bảy, Chủ nhật. Còn lại, đa số trường THCS, THPT đều đi học thứ Bảy, chưa kể Chủ nhật học thêm đủ các môn. Tuy nhiên, nhiều phụ huynh lại tỏ ra e ngại, lo lắng khi con mình được… giảm tải.

Anh Nguyễn Hưng (quận Ba Đình) cho biết: “Cả hai vợ chồng tôi đều làm tư nhân, ông bà lại ở xa, việc đưa đón con đi học đều do cả hai quán xuyến. Giờ con trai mà được nghỉ thứ Bảy thì không có cách nào khác tôi phải đưa con đến… công ty vì vợ chồng tôi không cho cháu đi học thêm nhiều”.

Chị Huỳnh Thương (quận Cầu Giấy) dè dặt ủng hộ đề xuất này: “Thực tế, gia đình tôi cả hai vợ chồng đều làm cán bộ nhà nước, rất muốn con được nghỉ ngơi.

Đề xuất hay nhưng tôi sợ các cháu học sinh sẽ bị rơi vào tình trạng “no dồn đói góp”, gồng mình học hết từ thứ Hai đến thứ Sáu rồi nghỉ thứ Bảy, như thế con sẽ rất mệt mỏi và tội nghiệp, vì chương trình học ngày càng nặng. Việc cắt một ngày học liệu có đúng nghĩa là giảm tải cho học sinh?”.

Ngành giáo dục thận trọng xem xét

Lãnh đạo một số trường THCS, THPT tại Hà Nội cho biết, đề xuất này khó thành hiện thực. PGS.TS Trần Xuân Nhĩ - Nguyên Thứ trưởng Bộ GD-ĐT cho rằng, việc quyết định nghỉ học thứ Bảy hay không phụ thuộc vào điều kiện cơ sở vật chất của từng trường, có trường học sinh được học 2 buổi/ngày, nhưng nhiều trường lại chỉ học 1 buổi trên ngày.

Theo ông Phạm Trung Dũng, Hiệu trưởng trường THPT Lương Thế Vinh, đề xuất không tổ chức dạy học vào ngày thứ Bảy còn phụ thuộc vào chương trình học của Bộ GD-ĐT.
Hiện học sinh thường học 5 tiết/ buổi, nếu nghỉ thứ Bảy thì các trường sẽ phải dồn chương trình vào dạy trong các ngày còn lại, học sinh phải học 6 tiết/buổi. Các em học tới hơn 12 giờ trưa mới tan học sáng, hoặc tới 7 giờ tối mới tan học chiều. Như vậy là quá sức và không phù hợp với nhịp sinh học của học sinh.
Cũng theo ông Dũng, việc nghỉ dạy và học vào thứ Bảy chỉ phù hợp với những trường có điều kiện dạy học 2 buổi/ngày, chưa phù hợp với trường học 1 buổi/ngày. “Muốn giảm tải thực sự thì phải giảm nội dung chương trình học. Theo tôi, khi chúng ta áp dụng chương trình học mới thì việc không tổ chức dạy học vào thứ Bảy mới phù hợp”.

Một Hiệu trưởng khác cũng cho rằng, có rất nhiều nội dung giáo dục cần truyền tải tới học sinh trong nhà trường.

Ngoài kiến thức văn hóa, các em còn cần phải học kỹ năng sống, các chương trình ngoại khóa như an toàn giao thông, giáo dục nếp sống văn minh thanh lịch… chưa kể còn cần thời gian dự trữ trong trường hợp xảy ra bão lũ, thiên tai… trường phải nghỉ hoạt động mà vẫn không làm ảnh hưởng tới thời lượng học của học sinh.

Vì thế, Bộ GD-ĐT cần nghiên cứu kỹ về việc nghỉ thứ Bảy sao cho không ảnh hưởng tới hoạt động giáo dục của các nhà trường.

Trước đề xuất học sinh được nghỉ ngày thứ Bảy, nhiều giáo viên ủng hộ và cho rằng sẽ giảm bớt áp lực, giúp học sinh có thêm thời gian để nghỉ ngơi bên gia đình.