22/11/2024 | 19:21 GMT+7, Hà Nội

Sách giáo khoa dùng một lần rồi thôi: Liệu có uổng phí?

Cập nhật lúc: 31/08/2018, 07:21

Việc thiếu sách giáo khoa đầu năm học 2018-2019 lại dấy lên tranh cãi sách dùng một lần xem như bỏ đi dẫn đến sự uổng phí. Hàng năm có hàng trăm triệu bản SGK với tổng giá cả ngàn tỷ đồng nhưng ít được tái sử dụng, "tay trao tay" như thế hệ trước.

Đầu năm học này, tình hình thiếu sách giáo khoa (SGK) tại TPHCM và nhiều tỉnh thành, nhiều người dân quay cuồng, lùng sục tìm mua SGK cho con. Đến nay, đã vào chương trình chính thức nhưng vẫn còn tình trạng học sinh (HS) phải "học chay" vì chưa đủ sách. 

Theo lý giải của đại diện Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam (NXB GDVN) tại TPHCM, việc thiếu SGK đầu cấp ở một số nơi do năm nay số lượng HS đầu cấp tăng mạnh, hơn nữa, trước thông tin sẽ thay SGK lớp 1 vào năm học tới nên các công ty, cửa hàng, đại lý dè dặt trong việc đặt hàng SGK lớp 1, sợ tồn kho năm sau không sử dụng được.

Phụ huynh tại TPHCM tìm mua sách giáo khoa đầu cấp cho con

Phụ huynh tại TPHCM tìm mua sách giáo khoa đầu cấp cho con

Trước tình trạng này, việc sử dụng SGK cũ được nhiều người đặt ra. Trên thực tế nhiều năm gần đây, HS sử dụng SGK rồi bỏ đi, bán đồng nát, được tái sử dụng không nhiều. Trước đây, nhiều cửa hàng SGK cũ còn hoạt động nhộn nhịp, còn nhiều năm nay đã gần như xóa sổ, chuyển sang bán sách truyện cũ.

Chị Phan Thùy Giang ở Gò Vấp, TPHCM cho biết, mỗi năm chị chi khá nhiều tiền để mua sách vở cho 3 đứa con. Nhưng sách con học xong một năm rồi thôi, chị có hỏi để đem cho một số người nhưng không ai lấy nên cuối năm bán cho đồng nát để dọn nhà. Theo chị, hầu hết khi học, các em viết ở trong sách nên rất khó sử dụng lại, tính ra mỗi năm bỏ đi không biết bao nhiêu là sách giáo khoa, quá lãng phí.

Theo báo cáo năm 2017 của NXB GDVN gửi Bộ GD-ĐT, sản lượng sản xuất SGK năm 2018 dự kiến là 104 triệu bản; năm 2017 là 107,8 triệu bản; năm 2016 là 108,8 triệu bản và năm 2015 là 101 triệu bản. 

Cùng với đó, tổng doanh thu năm 2018 của NXB GDVN dự kiến là 1.173 tỷ đồng, năm 2017 là 1.203 tỷ đồng, năm 2016 là 1.147 tỷ đồng và năm 2015 là 1.041 tỷ đồng. Như vậy, mỗi năm người dân bỏ cả ngàn tỷ đồng chi cho việc mua SGK mà phần lớn dùng một lần rồi thôi.

Có thể sử dụng SGK cũ

Trước vấn đề thiếu SGK diễn ta tại TPHCM, mới đây ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó GĐ Sở GD-ĐT TPHCM cho hay, một trong những giải pháp ngành đưa ra là vận động người dân sử dụng sách cũ, HS có thể tặng lại sách cũ cho nhà trường để nhà trường để tặng lại cho HS còn thiếu SGK.

Bà Phạm Thúy Hà, Hiệu trưởng Trường tiểu học Nguyễn Văn Trỗi, Q.4, TPHCM cho hay SGK vẫn có thể sử dụng lại được. Nhiều trường vẫn tổ chức thu gom, xin sách cũ về cho HS khó khăn sử dụng.

Ngay sau khi tổng kết năm học, trường tổ chức thu gom sách cũ để tặng HS vùng sâu vùng xa, HS khó khăn và một số để lại cho HS của trường. Chỉ có điều, với một số cuốn dạng bài tập, nếu các em viết bút chì ở trong có thể xóa đi để dùng, còn bút mực thì khó để dùng lại.

Nói SGK chỉ dùng được một lần rồi bỏ là không chính xác. Thực tế, vào đầu năm học, nhiều tổ chức hoạt động từ thiện vẫn xin, thu gom sách cũ để chuyển đến các vùng khó khăn, trao cho HS nghèo.

Một số học sinh vẫn sử dụng lại SGK cũ ở một số đầu sách (ảnh minh họa)

Một số học sinh vẫn sử dụng lại SGK cũ ở một số đầu sách (ảnh minh họa)

Hàng năm đều gửi về quê SKG cũ của con cho con cháu ở quê, anh Nguyễn Thành Long, phụ huynh Trường tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm, Q.1, TPHCM cho rằng, nhiều đầu SGK có thể sử dụng lại được như Toán, Tiếng Việt. Với những cuốn như Tự nhiên, Thực hành xã hội thì cũng tùy vào cách sử dụng của HS.

Nhiều giáo viên khuyến khích HS khi học ghi nhớ luôn vào sách thì các con ghi chép ở trong nhiều, nhưng cũng có nhiều giáo viên hướng dẫn các con ghi chép riêng, không ghi trong sách.

Theo anh Long, nói SGK dùng một lần rồi bỏ là không đúng, chỉ trừ vở bài tập, sách vẫn có thể tái sử dụng nhưng quan trọng là phụ huynh có muốn cho con sử dụng sách cũ hay không.

Ít người muốn con dùng sách cũ vì đời sống phát triển, phụ huynh sắm sửa sách mới để con thấy hào hứng, vui vẻ chuẩn bị cho một năm học mới. Chưa kể, ở rất nhiều trường, kể cả mầm non khi hết lớp Lá, quà tặng cuối năm cho HS là SGK. Phần thưởng này do phụ huynh đóng góp nên họ chọn mua những thứ thiết thực, theo nhu cầu.

"Vấn đề sách cũ khó sử dụng theo tôi là chất lượng sách khá tệ, giấy rất mỏng. Dùng một năm là sách rách te tua nên đa phần người ta không ưng dùng sách cũ, nhất là khi giá sách không cao", anh Long nói.

Theo bảng giá niêm yết SGK năm học 2018-2019, mỗi lớp ở cấp tiểu học đều có 6 cuốn SGK, giá dao động 45.300 đồng đến 78.300 đồng/bộ. Bộ SGK ở cấp THCS 12 - 13 cuốn tùy khối lớp có giá 97.700-144.500 đồng. Bộ SGK ở cấp THPT theo chương trình chuẩn và môn tiếng Anh có giá từ 141.400 đồng đến 153.500 đồng với 14 cuốn.

Dùng một lần cũng không phí?

Chị Nguyễn Thanh Trang (ở Thủ Đức, TPHCM) cho biết, hai con chị dùng chung 1 bộ sách. Giờ đi học, các cháu thường bỏ sách vở lại lớp để khỏi mang đi mang lại nên nhiều gia đình sắm cho con hai bộ SGK, một ở nhà, một ở lớp. Với sách dùng ở nhà, cháu bé nhà chị dùng lại sách cũ của cháu lớn.

Hầu hết SGK hiện nay được học sinh sử dụng một lần rồi thôi

Hầu hết SGK hiện nay được học sinh sử dụng một lần rồi thôi

Chị Trang nêu ý kiến: "Tôi tập cho con thói quen khi học, ghi chú ngay phần học trong sách để kịp lưu lại những nội dung, phát hiện hay liên quan đến bài học, nhiều giáo viên cũng khuyến khích HS như vậy. SGK rẻ, các cháu học trong sách mà phải ghi thêm vào cuốn vở, sổ khác thì càng thêm chi phí mà hiệu quả học sẽ không cao bằng".

Một giáo viên ở TPHCM nêu quan điểm, chưa hẳn sách sử dụng một lần rồi thôi đã là uổng phí. Việc SGK có tái sử dụng được hay không không phải nằm ở bản thân cuốn sách mà ở cách phụ huynh có muốn dùng hay không. SGK là loại sách rẻ nhất, rất rẻ so với tất cả các loại sách bán ngoài thị trường xét cùng số trang, kích thước... Do đó, phụ huynh người ta ưu tiên mua sách mới cho con học thay vì cân nhắc, suy nghĩ việc có nên dùng sách cũ hay không. 

Cô lấy ví dụ, cô tìm mua cuốn Vở bài tập Toán cho con thì giá cuốn vở dùng một lần này là 7.800 đồng. Chi phí này tính ra là tổng cho tính năng vừa là phần ra bài tập cho HS và vừa là một quyển vở để HS làm bài ở trong.

Tính ra, giá cũng chỉ tương đương một quyển vở trắng. Như vậy, nếu chỉ in phần bài tập cho HS riêng (để có thể dùng nhiều lần) thì HS cũng sẽ phải mua thêm một cuốn vở.

Ngoài ra, theo giáo viên này, đối với những cuốn sách nào mà tập trung đọc, nghiên cứu kỹ thì cô đều ghi chú chi chít trong sách hoặc bôi màu những phần cần ghi nhớ. Còn sách mà cô để trắng trơn ở trong thì có thể nói là không học được gì mấy từ sách.

Việc ghi hoặc không ghi vào sách khi học có thể là cách thức học tập, nghiên cứu của giáo viên hoặc người học. Ghi chú trong sách là một cách học hay, không thể nói là lãng phí và sách đã ghi chú thì không thể dùng nhiều lần để chuyển cho người khác.