19/01/2025 | 06:08 GMT+7, Hà Nội

Thị trường trái phiếu xanh Việt Nam lớn thứ hai trong khu vực ASEAN

Cập nhật lúc: 23/06/2022, 06:15

Báo cáo mới nhất của HSBC cho biết, Việt Nam là thị trường phát hành nợ xanh lớn thứ hai trong ASEAN, đạt 1 tỷ USD, chỉ sau Singapore.

Theo đó, lượng phát hành ở mảng nợ xanh, xã hội và bền vững (GSS) của Việt Nam đạt 1,5 tỷ USD trong năm 2021, gần gấp 5 lần mức 0,3 tỷ USD trong năm 2020 và duy trì tăng trưởng ổn định xuyên suốt ba năm liền. Trong đó phần lớn trái phiếu và khoản vay xanh trong năm 2021 đến từ ngành vận tải và năng lượng. 

Đáng chú ý, cùng với một số nước trong khu vực, thị trường vốn nợ bền vững của Việt Nam có mức tăng trưởng mạnh mẽ trong năm qua. Hai giao dịch lớn nhất chiếm phần lớn tổng giá trị GSS của Việt Nam là 425 triệu USD trái phiếu bền vững có quyền chọn nhận cổ phiếu của Tập đoàn Vingroup (Vinpearl) và khoản vay xanh 400 triệu USD của VinFast (giá trị tại thời điểm công bố giao dịch tháng 12 năm 2021.

Cũng theo đánh giá của HSBC, thị trường trái phiếu của Việt Nam đã tăng trưởng lên trên 70 tỷ USD trong năm 2021. Hơn 80% lượng phát hành là trái phiếu chính phủ, còn các ngân hàng phát triển là nhóm phát hành lớn thứ hai.

Dữ liệu báo cáo cho thấy, thị trường vốn nợ bền vững tại 6 nền kinh tế lớn nhất khối ASEAN bao gồm Singapore, Thái Lan, Indonesia, Malaysia, Philippines và Việt Nam tiếp tục tăng trưởng nhanh chóng trong năm 2021.

Lượng phát hành cao kỷ lục ở mảng nợ xanh, xã hội và bền vững (GSS) đạt 24 tỷ USD, tăng 76,5% so với mức 13,6 tỷ USD của năm 2020; và nợ liên kết bền vững đạt 27,5 tỷ USD, tăng 220% so với mức 8,6 tỷ USD của năm 2020.

Tốc độ tăng trưởng này được cho là đã phản ánh tinh thần tích cực của khu vực ASEAN trong việc phân bổ nguồn vốn cho mục đích ứng phó với đại dịch Covid-19, bên cạnh hỗ trợ tăng trưởng kinh tế bền vững với biến đổi khí hậu và phát thải carbon thấp trong dài hạn.

Việt Nam là thị trường phát hành nợ xanh lớn thứ hai trong ASEAN, đạt 1 tỷ USD, chỉ sau Singapore. (Ảnh minh họa)
Việt Nam là thị trường phát hành nợ xanh lớn thứ hai trong ASEAN, đạt 1 tỷ USD, chỉ sau Singapore. (Ảnh minh họa)

Cuối năm 2020, Quốc hội đã thông qua Luật Bảo vệ môi trường 2020 với một số sửa đổi quan trọng; trong đó có bổ sung định nghĩa, yêu cầu chung đối với trái phiếu xanh và những ưu đãi được hưởng áp dụng với chủ thể phát hành. Việt Nam đang phát triển hệ thống phân loại được ban hành cùng với bộ luật, dự kiến được ban hành vào năm nay.
Bên cạnh đó, tại hội nghị COP26, Việt Nam công bố cam kết đạt mục tiêu cân bằng phát thải vào năm 2050. Những điều này sẽ góp phần thúc đẩy mạnh mẽ hơn huy động vốn qua thị trường tài chính bền vững nhằm tăng tốc quá trình giảm phát thải carbon
Theo ông Tim Evans, Tổng Giám đốc của HSBC Việt Nam, tất cả các loại hình tài chính bền vững đều hướng tới đích đến chung là giúp Việt Nam hiện thực hóa mục tiêu đạt cân bằng phát thải carbon vào năm 2050, theo cam kết Việt Nam công bố tại COP26.
Đại diện HSBC Việt Nam cho rằng, mặc dù thị trường tài chính bền vững đang tăng trưởng tại Việt Nam và ASEAN, song nhu cầu triển khai vốn tài trợ nhằm giảm thiểu và giúp các nước thích nghi với biến đổi khí hậu vẫn còn rất cao. Việc huy động tài chính sẽ hỗ trợ quá trình chuyển dịch sang nền kinh tế phát thải carbon thấp vốn rất cần thiết để đạt được các mục tiêu theo Hiệp định Paris cũng như giảm thiểu những tác động nặng nề do biến đổi khí hậu gây ra cho khu vực ASEAN và trên toàn thế giới.
Trước đó, theo Tổ chức năng lượng quốc tế (IEA), để giảm một nửa lượng khí thải toàn cầu vào năm 2050, thế giới sẽ cần đến 46 nghìn tỷ USD, tương đương với 1 nghìn tỷ USD/năm. Trong bối cảnh đó, trái phiếu xanh được xem như một kênh thu hút vốn mới và là giải pháp hiệu quả, có thể giúp huy động hàng trăm tỷ USD/năm cho phát triển một nền kinh tế xanh và bền vững.
Bên cạnh đó, nghiên cứu của các tổ chức quốc tế và các cơ quan chức năng của Việt Nam cũng cho biết, Việt Nam là quốc gia có thể chịu tổn thất khoảng 15 tỷ USD/năm do biến đổi khí hậu, tương đương khoảng 5% GDP và 20% dân số chịu tác động bởi sự gia tăng của mực nước biến, diện tích canh tác bị thu hẹp do ngập lụt và xâm ngập mặn. Theo ước tính của Tổ chức Hợp tác quốc tế Đức (GIZ), Việt Nam cần khoảng 30,7 tỷ USD cho đến năm 2020 và cần khoảng 21,2 tỷ USD cho 10 năm tiếp theo để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế theo hướng bền vững.
Có thể thấy nhu cầu vốn cho tăng trưởng xanh là rất lớn, trong khi theo dự tính chỉ có khoảng 30% vốn đến từ ngân sách Nhà nước (bao gồm ngân sách trung ương, ngân sách tỉnh và viện trợ phát triển không chính thức), còn lại 70% sẽ đến từ khu vực tư nhân. Vì vậy, thị trường vốn, đặc biệt thị trường trái phiếu với điểm nhấn trái phiếu xanh đang được xem là một kênh thu hút vốn mới và hiệu quả nhằm thực hiện các mục tiêu tăng trưởng xanh và phát triển bền vững.

Theo chuyên gia, trái phiếu xanh liên quan đến lĩnh vực đầu tư sạch bao gồm: môi trường, xã hội, quản trị doanh nghiệp… Mảng đầu tư này sẽ trực tiếp tác động đến mảng năng lượng sạch cũng là lĩnh vực Việt Nam đang đẩy mạnh.
Ngày 4/12/2018, Chính phủ đã ban hành Nghị định 163/2018/NĐ-CP về phát hành trái phiếu doanh nghiệp, có hiệu lực từ ngày 01/02/2019 (gọi tắt là Nghị định 163). Các quy định về trái phiếu doanh nghiệp xanh theo Nghị định 163 dự kiến đã tạo ra một kênh tiềm năng để huy động vốn cho các dự án xanh trong khu vực tư nhân, tạo nền tảng cho giao dịch sản phẩm phái sinh xanh tại Việt Nam; tạo khung pháp lý để thu hút thêm đầu tư từ các nhà đầu tư trong và ngoài nước quan tâm đến các dự án liên quan đến môi trường tại Việt Nam.

Nguồn: https://kinhtemoitruong.vn/thi-truong-trai-phieu-xanh-viet-nam-lon-thu-hai-trong-khu-vuc-asean-68402.html