22/11/2024 | 06:30 GMT+7, Hà Nội

“Siết” trái phiếu doanh nghiệp nhưng tránh ảnh hưởng tiêu cực lớn tới thị trường

Cập nhật lúc: 30/04/2022, 06:15

Nếu vì một vài vụ việc mà quá siết chặt thị trường trái phiếu DN (TPDN) bằng các biện pháp hành chính sẽ làm méo mó sự phát triển của thị trường, khiến kênh huy vốn rất tốt cho doanh nghiệp này lại bị bỏ hoang.

Chặn không đúng, doanh nghiệp sẽ hướng đến thị trường chợ đen

Theo một số chuyên gia kinh tế, trong 5 năm trở lại đây, thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) đã có sự tăng trưởng ấn tượng tạo một kênh huy động vốn cho doanh nghiệp, và cũng là một kênh đầu tư mà nhiều nhà đầu tư cá nhân tìm tới vì lãi suất hấp dẫn.

Nếu siết trái phiếu doanh nghiệp quá chặt, nhiều doanh nghiệp có thể hướng tới thị trường chợ đen. Ảnh minh họa
Nếu siết trái phiếu doanh nghiệp quá chặt, nhiều doanh nghiệp có thể hướng tới thị trường chợ đen. Ảnh minh họa

Nhưng bên cạnh những trái phiếu tốt, phát hành công khai đúng quy định, cũng có những trái phiếu được phát hành bằng nhiều con đường khác nhau với thông tin mù mờ từ những doanh nghiệp có chất lượng tài chính yếu kém.

Đây là hiện tượng “vàng thau lẫn lộn”, như chia sẻ của các chuyên gia tham dự toạ đàm “Chấn chỉnh thị trường TPDN - Gạn đục khơi trong” (do Tạp chí Kinh tế Việt Nam/VnEconomy tổ chức ngày 29/4/2022).

Cần phải thanh lọc, chấn chỉnh lại thị trường, sai phạm phải xử lý nghiêm nhưng không phải vì vài trường hợp sai phạm mà chuyển sang khoá chặt thị trường lại. Không nên có tư duy như thế khi xây dựng pháp luật, chính sách.

Đó là quan điểm mà ông Khổng Phan Đức- Chủ tịch HĐTV VietinBank Capital , Luật sư Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch Công ty Luật SBLAW và ông Nguyễn Tùng Anh, Trưởng nhóm nghiên cứu rủi ro tín dụng FiinRatings, FiinGroup nêu lên tại tọa đàm này.

Các vị này cũng cho rằng phải theo quy luật thị trường, tránh sự thay đổi đột ngột và đảo chiều về chính sách để tránh tiêu cực lớn hơn với thị trường đồng thời bày tỏ sự băn khoăn về dự thảo sửa đổi quy định về phát hành TPDN riêng lẻ tại Nghị định số 153/2020/NĐCP theo hướng siết chặt.

Câu chuyện hủy bỏ 9 lô phát hành trái phiếu là một cú "thoáng giật mình" cực kì cần thiết đối với tất cả các bên. Nhà đầu tư có lẽ thấm thía hơn cả việc trót đặt lòng tin vào trong những trái phiếu bản thân không hiểu rõ.

Các đơn vị trung gian như công ty chứng khoán làm tư vấn phát hành, các đơn vị quản lý về tài sản đảm bảo, đại lý thanh toán, đại lý quản lý lưu kí và đại diện trái chủ đều phải nhìn lại quá trình cung cấp dịch vụ và trái phiếu mình đầu tư đối với nhà đầu tư đã thực sự sáng suốt trong quá trình đưa ra quyết định hay chưa?

Nhưng không phải mọi trái phiếu phát hành riêng lẻ đều không tốt... Không phải chỉ doanh nghiệp yếu kém mới “lách” không phát hành trái phiếu ra công chúng để chuyển sang kênh phát hành trái phiếu riêng lẻ và công bố thông tin mập mờ.

“Nếu chặn nốt kênh trái phiếu phát hành riêng lẻ, buộc doanh nghiệp sẽ phải nghĩ đến một kênh vốn đầu tư mạo hiểm hoặc buộc lại phải quay lại thị trường chợ đen”, ông Tùng Anh nói.

Doanh nghiệp dù yếu kém, có lỗ, thậm chí đứng trước khả năng phá sản vẫn cần được tiếp vốn. Và TPDN phát hành riêng lẻ một kênh cực kỳ quan trọng đối với họ.

“Làm luật có theo cách nào đi nữa cũng không nên và không thể hạn chế cơ hội tiếp cận vốn của các doanh nghiệp. Thị trường trái phiếu riêng lẻ cần được hoạt động theo nguyên tắc thị trường”, ông Khổng Phan Đức nói.

Thị trường sẽ "toát mồ hôi"?

Luật sư Nguyễn Thanh Hà tỏ ý e ngại với nội dung sửa đổi Nghị định 153 mà Bộ Tài chính trình Chính phủ ở lần thứ 5 này, thì có thể ảnh hưởng rất lớn tới việc huy động vốn từ phát hành TPDN vì đưa ra nhiều hạn chế. Hạn chế từ điều kiện chủ thể phát hành cho đến mục đích phát hành.

Ông Đức cho biết ông khá ngạc nhiên với ý kiến sửa nghị định này theo hướng là giám sát sản phẩm vốn có đặc trưng rủi ro cao là sản phẩm trái phiếu phát hành riêng lẻ, giống hệt với sản phẩm tín dụng ngân hàng.

Và như dự thảo sửa đổi này, sẽ không còn cơ hội cho doanh nghiệp khởi nghiệp, không có cơ hội cho Startup và thắt nghẹn những dự án, những doanh nghiệp tuy lỗ trước mắt nhưng có tiềm năng.

Đó là quy định gần giống việc phát hành chứng khoán ra công chúng: doanh nghiệp muốn phát hành riêng lẻ phải đáp ứng 3 yêu cầu: có (i) mục đích sử dụng vốn, (ii) không được lỗ, (iii) phải có tài sản bảo đảm.

“Điều kiện quay ngoắt 180 độ như thế thì khó khăn cho các doanh nghiệp, đặc biệt một số doanh nghiệp khởi nghiệp, làm sao họ có cái lãi được ngay, và nhiều doanh nghiệp lỗ 5-10 năm và lỗ theo lộ trình. Quy định này sẽ loại đi rất nhiều doanh nghiệp startup hay dự án tốt. Tôi mong muốn Chính phủ và Bộ Tài chính lắng nghe hơn về điểm này”, ông Hà nói.

Cách kiểm soát trong bản dự thảo lần thứ 5 của Nghị định 153 không chỉ chặn ở phía tổ chức phát hành, mà còn chặn ở quy định liên quan đến thế nào gọi nhà đầu tư chuyên nghiệp.

Ông Khổng Phan Đức ví nhà đầu tư cổ phiếu trái phiếu riêng lẻ ví như người đi xe máy trên đường giao thông. Trong giao thông không thể được hoàn toàn không có cai tạn. Có tai nạn không có nghĩa là cấm hẳn loại phương tiện đó hay ngăn chặn con đường đó. Khi chưa có đủ phương tiện công cộng đáp ứng nhu cầu thì phải chấp nhận xe máy. Không thể ngay lập tức cấp xe máy lưu thông trên đường. Với thị trường TPDN với nhà đầu tư cá nhân cũng vậy.

Dĩ nhiên cũng phải sớm phát triển phương tiện công cộng, như thúc đẩy hình thành các định chế đầu tư chuyên nghiệp, nhà đầu tư chuyên nghiệp, nhà đầu tư dài hạn như các quỹ đầu tư, các quỹ hưu trí tự nguyện, doanh nghiệp bảo hiểm... và đào tạo nhà đầu tư cá nhân để họ có đầy đủ kiến thức khi tham gia thị trường...

Bên cạnh đó là thúc đẩy việc hình thành và phát triển các đơn vị xếp hạng tín nhiệm.

“Theo dự thảo thứ 5 có một điểm rất mới, tôi đọc cũng toát mồ hôi, cũng rất lo. Đấy là nhà đầu tư chuyên nghiệp phải đáp ứng được việc đầu tư và nắm giữ, duy trì khoản đầu tư trong vòng 2 năm liên tục 2 tỷ”, ông Đức nói.

Đây là nội dung cao hơn cả luật mà Bộ Tài chính đưa ra để loại bỏ bớt những nhà đầu tư thực sự không hiểu về trái phiếu.

“Nhưng điều kiện này sẽ khiến thị trường toát mồ hôi. Tôi cứ hồ đồ nói rằng với 1.000 doanh nghiệp trên sàn, khoảng 10 nhà đầu tư trung thành như thế đâu đó cũng chỉ khoảng cỡ chừng 10.000 nhà đầu tư trên số 1,5 triệu. Trong số đó bao nhiêu người tham gia vào thị trường TPDN riêng lẻ, sẽ đoán được. Như thế sẽ khơi thông được bao nhiêu nguồn lực xã hội đi vào đến doanh nghiệp, nhằm phát triển kinh tế xã hội’, ông Đức nói.

Vì này cũng bày tỏ: “Tại Hội nghị về thị trường vốn do Chính phủ tổ chức ngày 22/4, đã nói đến việc cần phải đa dạng các chủ thể tham gia thị trường TPDN như là các loại hình quỹ. Tôi rất vui, rất hạnh phúc và khi các lãnh đạo cấp cao nhà nước nhìn thấy vai trò của công ty quản lý quỹ đối với thị trường tài chính và cũng rất mong quy định cho ngành quỹ cũng sẽ được cởi mở hơn”.

Nguồn: https://congluan.vn/siet-trai-phieu-doanh-nghiep-nhung-tranh-anh-huong-tieu-cuc-lon-toi-thi-truong-post192218.html