19/01/2025 | 09:25 GMT+7, Hà Nội

Bộ trưởng Tài chính: Rủi ro trái phiếu doanh nghiệp đã nhiều lần được cảnh báo

Cập nhật lúc: 26/04/2022, 06:15

"Khi tôi về làm Bộ trưởng Bộ Tài chính, tôi quan sát thấy vấn đề này có lỗ hổng. Tôi yêu cầu cảnh báo trên phương tiện thông tin đại chúng, đã ra 5 thông cáo báo chí và đã có 4 cuộc trao đổi trên VTV"

Giải trình làm rõ một số vấn đề đại biểu nêu tại phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 25/4, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, liên quan đến thể chế, Chính phủ thực hiện 3 khâu đột phá. Bộ Tài chính năm 2021 tham mưu cho Chính phủ ban hành 43 nghị định và 126 thông tư.

“Hôm nay chúng ta ban hành nghị định này thì mấy năm sau lại bất cập với thực tiễn, lại phải sửa. Hiện nay chúng tôi đang sửa Nghị định về vấn đề phát hành trái phiếu riêng lẻ. Chúng ta có Luật Chứng khoán và Nghị định 153, ban hành đã tiếp cận với điều kiện phát hành và mọi điều kiện của thế giới.

Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc.
Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc.

Tuy nhiên, sau khi ban hành lại thể hiện lỗ hổng, đã có những vi phạm trong thực tiễn nên cần phải siết lại. Chúng tôi đã nhận ra sự sơ hở này. Khi tôi về làm Bộ trưởng Bộ Tài chính, tôi quan sát thấy vấn đề này có lỗ hổng. Tôi yêu cầu cảnh báo trên phương tiện thông tin đại chúng, đã ra 5 thông cáo báo chí và đã có 4 cuộc trao đổi trên VTV, đồng thời có các diễn đàn báo chí, các báo chí đăng tin về những rủi ro đối với phát hành thị trường trái phiếu riêng lẻ của doanh nghiệp”, Bộ trưởng Tài chính cho biết.

Cũng theo ông Phớc, Bộ Tài chính đã có 3 văn bản chấn chỉnh và yêu cầu thanh tra. “Vừa rồi chúng ta có động thái xử lý nghiêm. Chúng tôi thấy đây là một vấn đề cần phải xử lý để làm trong sạch thị trường và đi vào nề nếp nhưng đồng thời cũng phải sửa các quy định của pháp luật", ông Phớc nói.

Theo báo cáo của Ủy ban Kinh tế, khối lượng phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ 6 tháng đầu năm 2021 là 176.828 tỷ đồng, tăng hơn 8% so với cùng kỳ 2020. Khối lượng phát hành trái phiếu doanh nghiệp ra công chúng là 15.375 tỷ đồng, tăng 53% so với cùng kỳ.

Còn theo số liệu của Bộ Tài chính, tổng khối lượng phát hành riêng lẻ năm 2021 là 605.000 tỷ đồng, tăng gần 39% so với năm 2020. Khối lượng trái phiếu phát hành ra công chúng là 31.000 tỷ đồng.

Nhận xét về thị trường trái phiếu doanh nghiệp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho hay, khoảng 40% trái phiếu phát hành năm ngoái liên quan tới lĩnh vực bất động sản. Hiện số dư nợ đến hạn phải trả khá lớn.

Theo Chủ tịch Quốc hội, trước đây khi đến hạn, doanh nghiệp có dòng tiền thì lấy ra trả hoặc tính toán đi vay để trả. Giờ do tác động của Covid-19, nhiều doanh nghiệp khó khăn dòng tiền, vay đảo nợ cũng bị siết... nên không có tiền để trả.

"Một số doanh nghiệp rao bán dự án để trả nợ, nhưng dự án chưa có đầy đủ cơ sở pháp lý nên khó bán. Hoặc trường hợp dự án có đầy đủ pháp lý thì đang vướng vào các sai phạm nên cũng không có ai mua. Không trả được thì nguy cơ vỡ nợ", Chủ tịch Quốc hội lo ngại.

Ông cho rằng, đây là điểm rất khác so với các năm trước nên Chính phủ cần nêu cụ thể chi tiết và đưa thành mục riêng trong báo cáo chung về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

Vẫn còn nhiều kẽ hở

Theo PGS.TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, cho rằng đã đến lúc cơ quan quản lý không nên coi thị trường chứng khoán và cả trái phiếu doanh nghiệp là những thứ quá "mới mẻ" đối với Việt Nam. Thay vào đó, cần nỗ lực minh bạch hóa môi trường kinh doanh, đơn giản hóa nhưng cũng nghiêm minh hóa hành lang pháp lý để bảo vệ các nhà đầu tư, coi họ là nguồn lực quốc gia. Phải coi trái phiếu doanh nghiệp là công cụ huy động vốn hữu hiệu để phát triển kinh tế.

"Chúng ta vẫn đang trong giai đoạn mà hành lang pháp lý cho các thị trường quan trọng này chưa đầy đủ. Đã có những "trục trặc hệ thống" chứ không đơn thuần chỉ là sai phạm của một số doanh nhân "lách luật". Khi quy định pháp luật sơ hở, sẽ có người lợi dụng để lách. Chính phủ cần nghiên cứu, phát hiện "kẽ hở luật" để siết lại, đồng bộ hóa thay vì chỉ tìm và trừng phạt những người lách luật" - PGS.TS Trần Đình Thiên nói.

Theo PGS.TS Trần Đình Thiên, Chính phủ đang đặt mục tiêu không chỉ phục hồi mà còn phải phát triển kinh tế sau đại dịch. Nếu thị trường trái phiếu không được bảo vệ, không được tiếp tục phát huy, doanh nghiệp sẽ cảm thấy có một kênh tiếp cận vốn vừa mở ra lại sắp bị đóng lại, mất một kênh huy động vốn lớn sẽ là thiệt hại cho nền kinh tế.

Chuyên gia kinh tế, TS Đinh Thế Hiển cho rằng, để thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát triển lành mạnh và bền vững trong dài hạn, cần phải có sàn giao dịch trái phiếu doanh nghiệp; khi đó, trái phiếu cũng được xếp hạng và lên sàn theo tiêu chuẩn cụ thể như cổ phiếu trên sàn HNX, HSX hay UpCoM… Còn hiện nay, thị trường này mới chỉ dừng lại ở việc doanh nghiệp phát hành trái phiếu để huy động vốn rồi hoàn trả gốc và lãi cho nhà đầu tư - như một công cụ vay nợ, chứ không phải thị trường trái phiếu doanh nghiệp giao dịch với thanh khoản tốt.

"Nếu phát triển đúng nghĩa, cần xây dựng trái phiếu doanh nghiệp là sản phẩm của thị trường vốn dù đặc thù có tính trung dài hạn. Như thị trường New York (Mỹ), lượng trái phiếu lưu hành gấp nhiều lần cổ phiếu và hằng ngày vẫn có tính thanh khoản rất cao khi được mua bán, giao dịch, thay vì phần lớn chỉ phát hành một lần từ doanh nghiệp tới nhà đầu tư như hiện nay là rất rủi ro" - TS Đinh Thế Hiển nói.

Nguồn: https://kinhtemoitruong.vn/bo-truong-tai-chinh-rui-ro-trai-phieu-doanh-nghiep-da-nhieu-lan-duoc-canh-bao-66428.html