19/01/2025 | 05:56 GMT+7, Hà Nội

Thị trường Tết, muôn kiểu khuyến mại “hút” khách

Cập nhật lúc: 29/12/2018, 22:00

Còn hơn 1 tháng nữa mới đến Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019 nhưng thị trường hàng hoá phục vụ nhu cầu thiết yếu của người dân đã rất sôi động. Các nhãn hàng đã bắt đầu chạy đua các chương trình khuyến mại, giảm giá... phục vụ người tiêu dùng.

  Giỏ quà Tết bắt đầu “lên kệ”với hình thức bắt mắt, đa dạng từ sản phẩm đến giá thành. Ảnh: Bảo Loan

Giỏ quà Tết bắt đầu “lên kệ”với hình thức bắt mắt, đa dạng từ sản phẩm đến giá thành. Ảnh: Bảo Loan

Đua nhau tung “chiêu” khuyến mại “hút” khách

Ghi nhận của PV Báo Gia đình & Xã hội, thị trường hàng hoá tiêu dùng phục vụ nhu cầu thiết yếu của người dân trong dịp Tết, không có sự thay đổi so với những năm trước. Tuy nhiên, nhằm đáp ứng nhu cầu thị hiếu của khách hàng, không chỉ các nhãn hàng có chương trình khuyến mại, mà các cơ sở bán lẻ như siêu thị cũng “tung” ra các chính sách ưu đãi để làm hài lòng khách hàng.

Nhãn dầu gội Dove của Tập đoàn Unilever đi kèm với mỗi chai dầu gội, hoặc xả là bộ một bát tô và một đĩa lớn bằng sứ, có hoạ tiết hoa Đào màu đỏ rực. Nhãn dầu gội Clear cũng tặng kèm hai bát tô bằng sứ, với mỗi chai dầu gội có dung tích từ 650 gram trở lên. Nhãn nước xả vải Downy giảm giá trực tiếp trên mỗi sản phẩm có dung tích từ 1,5 lít, từ 89.100 đồng/túi xuống còn 77.800 đồng/túi.

Tại hệ thống siêu thị BigC, giỏ quà Tết rất đa dạng từ các sản phẩm đến mức giá, từ 99.000 đồng/giỏ đến hơn 2.000.000 đồng/giỏ. Chị Nguyễn Thị Quyên, một nhân viên quầy hàng Tết tiết lộ: “Chương trình khuyến mại của siêu thị mới “lên kệ” được 3 ngày. Mặc dù sản phẩm hàng hoá Tết đóng giỏ cho khách đa dạng từ nhãn đến giá cả, nhưng mỗi giỏ quà đều phải đáp ứng được đủ tiêu chí cơ bản, với phong tục thờ cúng của người Việt là có rượu, chè khô, bánh ngọt... Mức giá đưa ra với mỗi giỏ quà chủ yếu dựa vào giá thành của mỗi sản phẩm, cộng thêm công gói hàng và vật liệu để gói hàng như nơ, giỏ...”.

Một nữ nhân viên khác cũng cho hay, các siêu thị thường xuyên đưa ra các chương trình khuyến mại theo tuần, theo tháng và theo quý. Nhiều mặt hàng chưa hết thời hạn khuyến mại trong dịp lễ Noel, nhưng chính sách áp dụng với các mặt hàng cho dịp Tết sẽ không chênh lệch nhiều với dịp Giáng sinh. Người tiêu dùng luôn được ưu đãi những chính sách tốt nhất, phù hợp với túi tiền nhất. Đặc biệt, tại BigC, mỗi hoá đơn mua hàng có giá trị từ 349.000 đồng, từ 400.000 đồng trở lên sẽ được tặng một phiếu mua hàng được chiết khấu lên đến vài chục ngàn đồng khi mua sản phẩm kế tiếp. Đối với hoá đơn có giá trị từ 5.000.000 đồng, người tiêu dùng được chiết khấu từ 5% giá trị hoá đơn.

Tranh thủ mua hàng Tết vì sợ... đông

 Các nhãn hàng đua nhau “tung” các chính sách ưu đãi “hút” khách.

Các nhãn hàng đua nhau “tung” các chính sách ưu đãi “hút” khách.

Mặc dù các nhãn hàng và cơ sở bán lẻ mới đang “rục rịch” đưa ra các chính sách khuyến mại cho khách hàng. Tuy nhiên, nhiều người tiêu dùng đã “tranh thủ” sắm những hàng tiêu dùng thiết yếu cho gia đình, để sử dụng từ nay đến khi kết thúc kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019. Tại siêu thị BigC và một số cửa hàng bán lẻ như Vinmart, Fivimart... nhiều “bà mẹ nội trợ” đã bắt đầu mua sắm những mặt hàng thiết yếu có thời hạn sử dụng dài, cho gian bếp của gia đình.

Chia sẻ với PV, bà Nguyễn Thị Hiệu (52 tuổi, ở Mỹ Đình, Hà Nội) không ngần ngại tiết lộ, hàng năm, bà Hiệu đều cùng cháu gái đến siêu thị để thoải mái lựa chọn các sản phẩm hàng hoá có giá tốt, bởi dịp cận Tết, hàng hoá không những phong phú, đa dạng mà chính sách khuyến mại của các loại hàng hoá đó cũng nhiều. Tuy nhiên, thay vì đến siêu thị vào dịp Tết như nhiều năm trước, thì khoảng 2 năm trở lại đây, bà Hiệu lại lựa chọn thời điểm sắm Tết sớm hơn.

Bà Hiệu lý giải: “Càng gần Tết thì khách hàng đi sắm Tết càng đông, những năm trước, đến siêu thị cứ chen chúc nhau chọn hàng, rồi khi thanh toán cũng phải xếp hàng dài mới đến lượt. Đằng nào ưu đãi cũng vậy, tôi đi sớm cho đỡ đông. Tuy nhiên, đi “chợ” sớm như thế này tôi chủ yếu lựa chọn mặt hàng có thời hạn dùng lâu như đồ gia vị, dầu gội, đồ gia dụng... Còn bánh kẹo hay đồ bày biện bàn thờ thì cận ngày Tết gia đình tôi sắm, vì như vậy, tôi sẽ chọn được mặt hàng rượu, bánh, kẹo... có ngày sản xuất mới nhất”.

Bà Đặng Thị Hoa (45 tuổi, ở Hà Đông, Hà Nội) thì cho rằng: “Các mặt hàng khô như nấm hương, nem, đồ gia vị, đồ gia dụng hay dầu gội... thì thời hạn sử dụng khá dài, nên tôi sắm trước để không phải bon chen ngày Tết. Vì vậy, ngoài việc đến siêu thị chọn mua các sản phẩm cho bếp núc, để hưởng ưu đãi từ nhà sản xuất và siêu thị thì tôi cũng sớm ra chợ gần nhà chọn mua các sản phẩm đồ khô, như: Lạc, bánh đa nem, mộc nhĩ, nấm hương... để “ủ” cho ngày Tết”.

Để đảm bảo lượng cung và cầu hàng hoá cho người dân mua sắm vào dịp Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019, UBND TP Hà Nội đã có văn bản giao Sở Công thương tổ chức triển khai hiệu quả chương trình bình ổn thị trường các mặt hàng thiết yếu; Khuyến khích doanh nghiệp tổ chức bán hàng về nông thôn, khu công nghiệp để cung ứng sớm và đầy đủ hàng hóa cho nhân dân, không để xảy ra tình trạng mất cân đối cung - cầu, dẫn đến tăng giá đột biến. Đồng thời, giao Sở Công thương phối hợp với Cục Quản lý thị trường thành phố và lực lượng công an, các ngành liên quan thành lập đoàn kiểm tra chống các hành vi đầu cơ, găm hàng để tăng giá, đưa tin thất thiệt về cung cầu, giá cả hàng hóa nhằm thu lợi bất chính.

Theo Sở Công thương Hà Nội, ước tính tổng giá trị hàng hóa phục vụ tiêu dùng của người dân trong dịp Tết Nguyên đán 2019 khoảng 28,5 nghìn tỉ đồng, tăng khoảng 10% so với kế hoạch dự trữ hàng hóa Tết năm 2018. Dự kiến, số lượng một số mặt hàng chuẩn bị phục vụ nhu cầu tiêu dùng của nhân dân trong dịp này, bao gồm: Khoảng 190,600 tấn gạo; 44.000 tấn thịt lợn; 14.600 tấn thịt gà; hơn 12.300 tấn thịt bò, khoảng 256 triệu quả trứng gia cầm; hơn 254.000 tấn rau củ; 11.200 tấn thủy hải sản; khoảng 3.500 tấn nông lâm sản khô; 3.000 tấn bánh mứt kẹo, 200 triệu lít rượu, bia, nước giải khát, 200.000m3 xăng dầu và các mặt hàng về may mặc, điện máy...

 

Bảo Loan