Thị trường smartphone Việt Nam: Cánh cửa nào cho thương hiệu Việt?
Cập nhật lúc: 02/12/2019, 15:23
Cập nhật lúc: 02/12/2019, 15:23
Các nhà bán lẻ cho rằng, từ 2018 trở về sau này, thị trường smartphone đang “đi ngang”. Nhận định này được hiểu là doanh số của tháng 10/2019 bằng với doanh số của tháng 1/2018!
Theo số liệu từ hãng nghiên cứu thị trường GfK, trong năm 2019, mỗi tháng thị trường Việt Nam tiêu thụ từ 1,2 - 1,4 triệu máy smartphone. Trong đó, các kênh bán lẻ lớn như Thế giới Di động, FPT Shop, Viettel Store, Viễn Thông A... chiếm chừng 80%. Phần còn lại thuộc về những cửa hàng nhỏ.
Nói vậy để thấy, dù không còn tăng trưởng mạnh như 5 năm trước nhưng thị trường smartphone tại Việt Nam vẫn còn hấp dẫn các thương hiệu đang “sống” và cả những tên tuổi mới dự báo sẽ vào trong nay mai.
Các “ông lớn” áp đảo
Kể từ khi Nokia về tay Microsoft, cũng là lúc thương hiệu này nhường ngôi đầu thị trường smartphone cho Samsung. Với năng lực sản xuất lớn (hai nhà máy tại Việt Nam), cách làm thị trường tốt, đặc biệt là chi mạnh tay cho hoạt động tiếp thị và truyền thông mà có thời điểm, Samsung đã chiếm 50,6% thị phần (tháng 3/2019). Samsung Vina không giấu tham vọng độc quyền thị trường smartphone Việt Nam. Về lý thuyết, không thể có được điều đó nhưng đây là mục tiêu của nhà sản xuất đến từ Hàn Quốc.
OPPO cũng là thương hiệu đáng gờm. Dù là thương hiệu Trung Quốc nhưng cách làm thị trường, tiếp thị, bán hàng, hậu mãi... của OPPO còn tốt hơn cả các thương hiệu châu Âu. Ngoài ra, dải sản phẩm tuy không nhiều như Samsung nhưng họ biết lựa chọn sản phẩm theo nhu cầu của khách hàng, phân khúc giá tầm trung và thấp (từ 3 - 8 triệu đồng), chính sách hậu mãi chu đáo... Có lúc, thương hiệu này chiếm 28,7% thị phần (tháng 9/2018). Thị phần trong năm 2019 của OPPO tuy đã giảm nhưng vẫn dao động từ 22 - 27%.
Trong những thương hiệu nước ngoài, chủ yếu đến từ Trung Quốc, còn có những tên tuổi khác đang “gầy số” như Xiaomi, Vivo, gần đây có thêm Realme... Riêng Huawei, từ tháng 6/2019 đã từ từ biến mất. Mới đây, nhiều nhà bán lẻ đã dẹp quầy trưng hàng Huawei vì hãng này không còn hàng quốc tế để bán.
Trong năm 2019, tổng thị phần của 4 hãng dẫn đầu chiếm đến 76%, phần còn lại thuộc về gần 20 nhãn hàng khác.
Từng một thời…
Không xa, hồi cuối 2017, một thương hiệu Việt có “số má” trong nhóm hàng smartphone là Mobiistar đã chiếm gần 6% thị phần về doanh số. Đó là nỗ lực lớn của một thương hiệu Việt. Nhưng vì tập trung vào phân khúc giá thấp nên lợi nhuận không đủ chi phí điều hành và kinh doanh, đại diện của Mobiistar đã từng xác nhận như vậy.
Khó khăn tại thị trường Việt Nam, những ông chủ Mobiistar tìm cách “chòi đạp” sang thị trường đông dân thứ hai thế giới là Ấn Độ hòng “gỡ gạc”. Mải mê với thị trường mới, vì phân tán nguồn vốn và nhân lực nên thị phần của Mobiistar tại thị trường Việt Nam ngày càng giảm dần. Từ 6% cuối năm 2017, đến cuối năm 2018, chỉ còn dưới 1%. Đến tháng 4/2019, Mobiistar chính thức bị xóa tên tại thị trường smartphone Việt Nam vì không còn hàng mới để bán, điểm bảo hành đóng cửa để trả mặt bằng, các siêu thị dẹp các bảng hiệu có tên nhà sản xuất này.
Một nhà sản xuất Việt Nam khác là Bkav cũng rất giàu lòng quyết tâm với những chiêu thức tiếp thị “gây sốc”. Nhưng chuyện làm và bán hàng đối với thương hiệu này dường như chỉ là cho vui, cho hệ sinh thái đẹp hơn. Có nguồn tin tiết lộ rằng, từ Bphone 1 đến Bphone 3, Bkav bán được chưa tới 100.000 máy. Như vậy, bình quân mỗi dòng, bán chừng 30.000 máy. Một chuyên gia nghiên cứu thị trường smartphone nhận xét: “Vậy là quá hào phóng với thương hiệu này, trên thực tế làm sao họ bán tới chừng đó! Rất nhiều cộng sự của tôi nghiên cứu hành vi của người tiêu dùng nhưng chẳng thấy mấy ai xài hàng của hãng này.”
Trông mong vào Vsmart!
Có thể nói, trong nhóm smartphone thương hiệu Việt, giờ chỉ còn vài ba cái tên. Trong đó, sáng giá nhất là Vsmart dù tên tuổi này mới xuất hiện trên thị trường vào tháng 12/2018. Hiện thị phần của Vsmart đã hiển thị bằng màu cam trên bảng thống kê, nghĩa là đã có “số”.
Theo thống kê của GfK Việt Nam, tháng 6 là thời điểm mà thị phần của Vsmart lên cao nhất (tính cho đến tháng 9/2019) là 2,9%, còn tháng 9, chừng 2,6%. Nghĩa là mỗi tháng, VinSmart bán ra thị trường từ 35.000 - 40.000 máy. Số chưa lớn nhưng đây là tín hiệu để khách hàng đặt niềm tin vào thương hiệu Việt còn non trẻ nhưng đủ “máu” để “một mình chống phần còn lại của thế giới” như nhận định của ông T.Đ, chủ chuỗi 12 cửa hàng tại TP.HCM.
Động thái mới nhất, VinSmart đã giảm 50% cho dòng Vsmart Live, từ 6,99 triệu đồng còn 3,49 triệu đồng với bản 4GB RAM. Chưa có số liệu từ VinSmart về số máy bán ra của chương trình giảm giá “khủng” này nhưng theo nhiều nhà bán lẻ thì họ đã “không đủ hàng để bán”.
Ông T.Đ chia sẻ: “Khi VinSmart quyết định giảm giá Vsmart Live, đó là tín hiệu mừng thật sự khi họ mạnh dạn đột phá giảm giá sản phẩm mạnh nhất để cạnh tranh trực diện với các thương hiệu khác”.
Cũng theo ông T.Đ, sau khi có thông tin giảm giá, lượng bán Vsmart Live tại chuỗi cửa hàng của ông ở TP.HCM trong mấy ngày tháng 11 đã tăng gấp 10 lần so với tháng 10/2019.
Một niềm tin khác mà khách hàng còn đặt vào VinSmart là nhà máy sản xuất của hãng này tại Khu Công nghệ cao Hòa Lạc (Hà Nội) có quy mô gấp 10 lần so với nhà máy hồi đóng tạm tại Hải Phòng. Với quy mô mới và đội ngũ hàng ngàn kỹ sư, nhiều khách hàng tin rằng, VinSmart đủ sức để “chiến” vì hãng có lực để tạo ra dải sản phẩm dài hơn, giá thành thấp hơn, bên cạnh kinh nghiệm tích lũy trong quá trình bán hàng gần 1 năm qua.
“Nếu VinSmart tiếp tục đi theo chiến lược này, hãng có thể phải tạm chấp nhận hi sinh quyền lợi kinh tế, nhưng tin rằng về lâu dài, thị trường smartphone Việt sẽ thực sự là của người Việt.”, ông T.Đ nói.
13:10, 02/12/2019
15:30, 23/11/2019
10:44, 20/11/2019