19/01/2025 | 09:18 GMT+7, Hà Nội

Thị trường nội thất thông minh vẫn “nguội” mặc dù khách hàng đã “nóng”

Cập nhật lúc: 18/12/2018, 22:51

Theo ông Vũ Hoàng Giang, CEO Công ty TNHH Nội thất Zip, thị trường nội thất thông minh vẫn chưa được các nhà thiết kế, sản xuất quan tâm nên vẫn còn “nguội” mặc dù khách hàng đã “nóng”.

Ông Vũ Hoàng Giang, CEO Công ty TNHH Nội thất Zip

Ông Vũ Hoàng Giang, CEO Công ty TNHH Nội thất Zip

PV: Ông đánh giá như thế nào về thị trường nội thất 2018?

Ông Vũ Hoàng Giang: Năm 2018 chứng kiến con số xuất khẩu liên tục tăng trưởng, ngành công nghiệp chế biến và xuất khẩu lâm sản của Việt Nam đặt mục tiêu sẽ đạt kim ngạch xuất khẩu 9 tỷ USD. Đây cũng là nămchứng kiến sự phát triển của thị trường bất động sản với nhiều dự án căn hộ đủ loại phân khúc được tung ra thị trường, kèm theo đó là nhu cầu nội thất tăng mạnh.

Đặc biệt, nhu cầu về nội thất thông minh, đa năng liên tục tăng cao. Trong những năm gần đây, khi các căn hộ chung cư bàn giao được thiết kế với diện tích vừa phải, từ 60 – 70m2, các chủ nhà thường muốn sử dụng nội thất thông minh để biến đổi không gian nhỏ của căn hộ thành đa năng, phục vụ tối đa nhu cầu sinh hoạt.

PV: Như ông vừa nói ở trên, nội thất thông minh đang dần nóng lên bởi nhu cầu ngày càng cao của thị trường. Vậy theo ông, các đơn vị thiết kế, thi công nội thất ở Việt Nam đã đáp ứng được những nhu cầu đó của khách hàng?

Ông Vũ Hoàng Giang: Nhu cầu về nội thất thông minh của khách hàng ngày càng cao nhưng các đơn vị thiết kế, thi công nội thất hay thậm chí các nhà sản xuất nội thất lại quên đi phân khúc nội thất này.

Điểm danh trên thị trường rất khó gặp các đơn vị sản xuất nội thất thông minh đủ lớn để phân phối toàn thị trường nội địa. Nội thất Zip với 14 năm trực tiếp nghiên cứu thiết kế, sản xuất sản phẩm nội thất thông minh cũng chỉ mới đáp ứng được nhu cầu của khách hàng tại 16 tỉnh thành.

Song song với các nhà sản xuất thì các đơn vị thiết kế về mặt nào đó vẫn thiếu nhiều dữ kiện để đưa các sản phẩm nội thất thông minh vào trong thiết kế.

Việc liên kết với đơn vị sản xuất nội thất thông minh vẫn còn hạn chế. Mối quan hệ tương hỗ chưa được hình thành đủ chiều sâu dẫn tới các đơn vị thiết kế vẫn loay hoay với việc định hình nội thất thông minh trong bản thiết kế của mình.

Nhiều công trình khi các chủ đầu tư tìm đến để được tư vấn giải quyết bài toán đẩy hàng tồn bằng giải pháp căn hộ thông minh thì lúc đó phát sinh nhiều chi phí hơn. Điều đó để thấy rằng mối liên kết giữa chủ đầu tư, đơn vị tư vấn thiết kế, đơn vị sản xuất sẽ tạo nên một công trình hoàn hảo.

Mặt khác, các doanh nghiệp Việt đang bỏ ngỏ thị trường nội thất nội địa. Sự đầu tư thương hiệu chưa mạnh, sản phẩm mẫu mã chưa đa dạng dẫn tới các phân khúc khách hàng nội địa đều được chia cho các ông lớn nước ngoài đến từ Đức, Pháp, Ý (phân khúc cao cấp), Nhật Bản, Trung Quốc, Malaysia, Thái Lan (phân khúc còn lại).

Thậm chí mới đây, Ikea đang có kế hoạch mở trung tâm nội thất tại Việt Nam. Thời gian tới, các doanh nghiệp Việt muốn tham gia “sân chơi” nội địa sẽ gặp nhiều khó khăn.

Những điều đó cho thấy, thị trường nội thất thông minh chưa được các nhà thiết kế, sản xuất quan tâm nên vẫn còn “nguội” mặc dù khách hàng đã “nóng”.

Các sản phẩm nội thất thông minh phải có khả năng biến đổi linh hoạt không gian, có nhiều chức năng để phục vụ hơn một nhu cầu trong sinh hoạt.

Các sản phẩm nội thất thông minh phải có khả năng biến đổi linh hoạt không gian, có nhiều chức năng để phục vụ hơn một nhu cầu trong sinh hoạt.

PV: Phải chăng thị trường nội thất thông minh đang khó tiếp cận được rộng rãi khách hàng vì đơn giá cao trong khi chủ sở hữu những ngôi nhà với diện tích nhỏ, cần trang bị nội thất thông minh lại chủ yếu là đối tượng thu nhập trung bình?

Ông Vũ Hoàng Giang: Tôi cho rằng nhận định này chỉ đúng một phần. Đúng ở chỗ sản phẩm nội thất thông minh đang tiếp cận được ít khách hàng bởi vì kênh phân phối phân khúc này chưa đủ rộng để phủ khắp thị trường. Điều đó dẫn tới khái niệm nội thất thông minh của khách hàng vẫn chưa đủ sâu nên khó khăn trong việc tìm kiếm đơn vị phân phối.

Nhưng trong năm 2018, các dự án VinCity ở Hà Nội, Sài Gòn; dự án Anpha king – Sài Gòn,... đã được các chủ đầu tư chủ động đưa sản phẩm thông minh vào từ khâu thiết kế nên chắc chắn những năm tiếp theo, sản phẩm nội thất thông minh sẽ được “tiếp thị” tới khách hàng một cách sâu rộng hơn.

Tuy nhiên, ý kiến này chưa đúng ở chỗ sản phẩm nội thất thông minh giá thành không cao hơn, thậm chí, còn thấp hơn so với sản phẩm nội thất truyền thống.

Đơn cử, nội thất truyền thống đáp ứng đúng nhu cầu như cái giường chỉ để ngủ. Nhưng với nội thất thông minh, cái giường có thể giải quyết được bài toán vừa là không gian phòng khách, không gian phòng làm việc và không gian phòng ngủ.

Tất cả các chức năng này chỉ trên một sản phẩm giường ngủ. Giá trị thực tế của sản phẩm này đem lại cho khách hàng là gấp ba chứ so với một sản phẩm giường truyền thống.

Hay như một cái bàn thông minh có thể giải quyết hai chức năng vừa là bàn làm việc, vừa là bàn trà. Vậy rõ ràng, giá thành của nội thất thông minh không hề đắt hơn nội thất truyền thống bởi giá trị nó mang lại.

PV: Có ý kiến cho rằng, thị trường nội thất thông minh Việt đang tập trung chủ yếu ở dòng sản phẩm dành cho trẻ em. Là chuyên gia về nội thất thông minh, ông nhìn nhận vấn đề này như thế nào?

Ông Vũ Hoàng Giang: Tôi nghĩ ý kiến này chưa bám sát thị trường. Theo số liệu của Zip những năm gần đây, sản phẩm dành cho trẻ em chỉ chiếm 33% nhu cầu khách hàng muốn sử dụng nội thất thông minh. Và khi khách hàng mua sản phẩm cho trẻ em thường sẽ mua luôn sản phẩm cho cả gia đình.

Sản phẩm nội thất thông minh được khách hàng lựa chọn nhiều nhất chính là giường kết hợp sofa, bàn làm việc. Theo thị hiếu, không gian khách hàng muốn sử dụng sản phẩm nội thất thông minh nhiều nhất chính là không gian phòng ngủ. Sản phẩm này được 75% khách hàng lựa chọn với mục đích có thể kết hợp vừa là không gian ngủ, vừa là không gian tiếp khách và vừa là không gian làm việc.

PV: Vậy theo ông, đâu sẽ là xu hướng phát triển của thị trường nội thất thông minh năm 2019 tới đây?

Ông Vũ Hoàng Giang: Năm 2019 sẽ tiếp tục là năm thị trường bất động sản phát triển mạnh với phân khúc căn hộ diện tích trung bình nhỏ. Các căn hộ được thiết kế 1 - 2 phòng ngủ chiếm đa số.

Thậm chí, có những dự án thiết kế dạng studio không phân chia không gian phòng ngủ, dạng khách sạn lưu trú ngắn ngày. Loại hình, diện tích căn hộ và vậy nhưng với nhu cầu thực tế trong sinh hoạt của khách hàng luôn cần không gian lớn hơn.

Vì vậy, sản phẩm nội thất thông minh sẽ phải tập trung giải quyết các vấn đề riêng – chung, không gian nghỉ ngơi cho mỗi người, mỗi thế hệ trong căn nhà.

Các sản phẩm nội thất thông minh phải có khả năng biến đổi linh hoạt không gian, có nhiều chức năng để phục vụ hơn một nhu cầu trong sinh hoạt.

Do vậy, sản phẩm nội thất thông minh lấy chức năng ngủ làm trọng tâm nhưng vẫn đáp ứng được các chức năng khác như: Tiếp khách, làm việc, ăn, vui chơi.

Các sản phẩm nội thất thông minh ở phân khúc trung cấp và cao cấp sẽ tiếp tục thống lĩnh thị trường.

Xin trân trọng cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này!