20/01/2025 | 12:33 GMT+7, Hà Nội

Thị trường nhiều biến động, doanh nghiệp bất động sản rẽ ngang sang nông nghiệp

Cập nhật lúc: 24/12/2019, 09:32

Hiện tại, nhiều doanh nghiệp bất động sản đã rẽ ngang chuyển hướng đầu tư vào nông nghiệp. Mặc dù vậy, các chuyên gia cho rằng đây là ngành có chu kì đầu tư dài và nhiều vấn đề liên quan đến pháp lý cần phải tháo gỡ.

Thị trường bất động sản năm 2019 được giới chuyên gia, doanh doanh nghiệp nhận định là khó khăn hơn các năm trước cả về nguồn cung lẫn nguồn cầu. Trong bối cảnh đó, nhiều doanh nghiệp đã chuyển mình, tìm những hướng đi mới trong hoạt động kinh doanh nhằm gia tăng giao dịch, đa dạng hóa nguồn thu và phát triển trong tương lai... Một trong những ngã rẽ đó là bất động sản nông nghiệp.

Xu hướng lấn sân vào bất động sản nông nghiệp đang ngày càng mở rộng và phát triển nhanh chóng. Không ít những tập đoàn, doanh nghiệp lớn với tiềm lực tài chính và chiến lược phát triển dài hạn đã ghi dấu đầu tư trong lĩnh vực này như: VinEco, Tập đoàn TH, Vinamilk, FLC…

Ngoài ra, thị trường cũng ghi nhận đây là một kênh đầu tư mới bởi đất ngoại ô hoặc các tỉnh thành lân cận để làm nông nghiệp đang được nhiều người lựa chọn. Các nhà đầu tư nhỏ thoặc trung lưu đã mạnh dạn bỏ tiền đầu tư các nhà vườn 1.000 - 10.000m2 ở ngoại ô thành phố hoặc trang trại vài hecta cho đến vài chục hecta. 

 Tập đoàn FLC đầu tư Dự án nông nghiệp công nghệ cao tại Hà Tĩnh với quy mô 210,3ha.

Theo nhiều chuyên gia, đầu tư vào nông nghiệp không chỉ là xu thế mà hiện tại các cơ chế chính sách cũng đang mở cửa cho lĩnh vực này, nhất là trong bối cảnh đô thị hóa đang diễn ra rộng khắp tại các đô thị ở Việt Nam, vấn đề dịch chuyển nguồn lao động nông thôn, người nông dân chán ruộng đã và đang để lại khoảng trống đất nông nghiệp, lãng phí nguồn lực đất đai vô cùng lớn.

Tuy nhiên điều khúc mắc nhất trong việc đầu tư vào bất động sản nông nghiệp là các chính sách hỗ trợ cho việc tích tụ ruộng đất. Đối với doanh nghiệp, việc tạo quỹ đất cho cả dự án cần khoản tài chính không nhỏ. Ngoài ra, doanh nghiệp cũng còn tâm lý sợ phát sinh các vụ kiện cáo, tranh chấp dân sự trong việc thương lượng về thuê đất với nông dân, trong khi giải pháp nông dân góp vốn bằng đất đai, lao động chưa thực sự hấp dẫn đối với họ.

Theo các chuyên gia, để giải quyết bài toán đầu tư vào bất động sản nông nghiệp, cần phải có sự can thiệp từ nhiều phía. Trong đó, doanh nghiệp cần được cung cấp đất sạch, tạo thuận lợi tối đa cho hoạt động cho thuê, giao đất, góp đất, kể cả đất của dân, của nông lâm trường trước đây, đất do địa phương quản lý... Đồng thời, giảm và miễn tối đa các phí, thuế có liên quan cho doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, khấu trừ thuế VAT cho nguyên liệu vật tư thiết yếu cho sản xuất nông nghiệp. Đặc biệt, cần có sự hỗ trợ của Nhà nước trong việc đưa công nghệ cao vào nông nghiệp.

Bà Bùi Huyền Trang, Giám đốc thị trường Việt Nam JLL nhận định: “Bất động sản nông nghiệp Việt Nam có tiềm năng rất lớn bởi kinh tế chủ lực của chúng ta bắt đầu tư nông nghiệp, do đó tiềm năng này đã có từ lâu. Vào năm 2015, nhiều nhà đầu tư trong nước có nhiều lợi thế tiếp cận quỹ đất lớn của bất động sản nông nghiệp, họ bắt đầu để ý sâu hơn và đầu tư vào lĩnh vực này. Tiềm năng lớn nhưng hiện nay phát triển hết tiềm năng này thì vẫn chưa, sự phát triển mới chỉ ở giai đoạn đầu”.

Nhận định xu hướng rót vốn vào lĩnh vực nông nghiệp theo mô hình chuyên nghiệp hóa của các doanh nghiệp mà điển hình là những ông lớn bất động sản, ông Nguyễn Thế Điệp, Chủ tịch HĐQT CTCP Reenco Sông Hồng cho rằng, đây là một xu thế chung của nhiều nước trên thế giới đã áp dụng. Đơn giản vì thực phẩm sạch là vấn đề cần quyết tâm thực hiện tại mỗi quốc gia mà Việt Nam không nằm ngoài đó.

Nhiều doanh nghiệp lớn hiện nay đã nhắm vào thị trường nông nghiệp. Từ năm 2017 - 2019, không ít các doanh nghiệp lớn đầu tư vào lĩnh vực này. Đặc biệt, trong năm 2018, rất nhiều doanh nghiệp lớn của Việt Nam, từ doanh nghiệp bất động sản nội đến doanh nghiệp ngoại đều nhắm tới đầu tư vào trang trại, xây dựng các chuỗi giá trị trong nông nghiệp. Hiệu quả sử dụng đất ngày càng được nâng cao khi chúng ta đưa công nghệ vào, tạo ra năng suất vượt trội, tạo ra khoảng cách xa với lao động thuần.

Ông Điệp nhận định: “Đầu tư vào nông nghiệp không chỉ là xu thế mà hiện tại các cơ chế chính sách cũng đang mở cửa cho lĩnh vực này. Tôi cho rằng, đây là một cơ hội với thị trường còn đang bỏ ngỏ, không những đối với doanh nghiệp trong nước mà đối với cả doanh nghiệp nước ngoài. Bất động sản nông nghiệp là lĩnh vực mới nhưng lại rất tiềm năng. 

Tôi cho rằng thị trường này đặc biệt sẽ phát triển mạnh. Hiện tại chỉ có các tập đoàn lớn, họ có đủ điều kiện để phát triển lĩnh vực này. Với tiềm lực tài chính tốt, doanh nghiệp tiến hành rót vốn, đầu tư công nghệ cao, tạo ra chuỗi giá trị liên kết. Khi những doanh nghiệp lớn thành công, họ sẽ tạo ra một nền tảng tốt cho thị trường bất động sản nông nghiệp. Tôi đánh giá đây là một lĩnh vực đầy tiền năng không chỉ cho những doanh nghiệp trong nước thậm chí cho cả doanh nghiệp nước ngoài mà họ đang nhắm đến”.