29/03/2024 | 05:08 GMT+7, Hà Nội

Thị trường dược phẩm 2018: Ưu tiên nghiên cứu sản phẩm mới!

Cập nhật lúc: 25/12/2017, 22:59

Trong năm 2018, 83% số doanh nghiệp tham gia khảo sát nhận định: Nghiên cứu các sản phẩm thuốc mới sẽ là chiến lược ưu tiên đầu tiên. Vậy để thấy, khi thị trường dược phẩm ngày càng có sự phân hóa sâu sắc thì việc đẩy mạnh nghiên cứu, cho ra đời những loại thuốc có chất lượng, giá thành cạnh tranh với thuốc ngoại đang được các công ty dược lưu tâm hàng đầu.

Vài năm trở lại đây, thị trường dược phẩm được đánh giá là một “mảnh đất trù phú” thu hút nhiều nhà đầu tư ngoại, các tập đoàn quốc gia trên thế giới, thậm chí cả những nhà đầu tư trong nước hoạt động ngoài ngành.

Đáng chú ý khi có nhiều “ông lớn” bất ngờ bẻ lái, đầu tư sang lĩnh vực này như Thế giới Di động, FPT Retail, Digiworld hay Nguyễn Kim. Đặc biệt, sự gia nhập ồ ạt của các tập đoàn dược phẩm nước ngoài vào khâu sản xuất tại Việt Nam như Sanofi, Taisho, Abbott… cũng đang tạo ra áp lực khá lớn với các doanh nghiệp dược trong nước.

Do vậy mà bối cảnh ngành dược năm 2018 được dự đoán sẽ có ít nhiều thay đổi khi mà thị phần đang ngày một chia nhỏ và cuộc cạnh tranh ngày một khốc liệt ở ở hầu hết các phân khúc thị trường.

Ảnh minh họa. (Nguồn: Internet)

Ảnh minh họa. (Nguồn: Internet)

Đánh giá về những khó khăn và thách thức trong ngành dược hiện nay, hơn 90% doanh nghiệp tham gia khảo sát của Vietnam Report nhận định “Quy trình đấu thầu thuốc bệnh viện – kênh ETC” và vấn đề “Phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu chủ yếu nhập khẩu từ nước ngoài” đang là những rào cản lớn nhất.

Một trong những nguyên nhân được kể đến là: Thứ nhất, do chính sách và thang điểm đấu thầu thuốc hiện nay vẫn bị nhiều doanh nghiệp đánh giá chưa phù hợp.

Theo đó, việc các công ty đạt thang điểm từ 70-100 điểm đều nằm trong diện được chấm thầu như nhau khiến các công ty dược có đầu tư công nghệ, kỹ thuật cao phải chịu thua thiệt khi giá thuốc đấu thầu cao hơn những công ty có kỹ thuật sản xuất đơn giản, dẫn đến việc các loại thuốc có chất lượng khó trúng thầu vào bệnh viện.

Thứ hai, do thị trường dược Việt Nam vẫn còn bị đánh giá chưa ổn định bởi nguyên dược liệu sản xuất phụ thuộc quá lớn vào nguồn nhập khẩu từ nước ngoài. Hiện nay, nguồn nguyên liệu của thị trường dược Việt Nam hiện đang chủ yếu nhập từ Trung Quốc và Ấn Độ.

Và việc phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu như vậy khiến ngành dược dễ chịu ảnh hưởng từ các yếu tố bên ngoài như biến động tỷ giá hay những cú sốc về nguồn hàng cung cấp, cộng thêm chi phí nhập khẩu khiến giá thành xuất khẩu thuốc của Việt Nam cao hơn khoảng 20-25% so với Trung Quốc, Ấn Độ.

Thứ ba, thiếu khả năng nghiên cứu do thiếu hụt nguồn lực tài chính và nhân lực chất lượng cao cũng là một rào cản lớn trong việc phát triển.

Hiện các công ty dược trong nước mới chỉ tập trung sản xuất các loại thuốc gốc (generic) có giá trị thấp, khả năng cạnh tranh kém dẫn đến tình trạng vừa cạnh tranh nội bộ ngành, vừa phải cạnh tranh với các thuốc generic nhập khẩu từ nhiều quốc gia trên thế giới.

Khảo sát của Vietnam Report cho thấy khách hàng vẫn ưa chuộng các loại thuốc ngoại nhập hơn so với các dòng thuốc nội có dược chất tương đương.

Theo kết quả khảo sát chính các doanh nghiệp trong ngành, 100% doanh nghiệp phản hồi đánh giá chất lượng thuốc, dụng cụ y tế, dịch vụ phân phối là yếu tố quyết định uy tín của một công ty hoạt động trong ngành dược.

Bên cạnh đó, việc công ty tập trung vào mảng nghiên cứu cho ra đời sản phẩm thuốc, dược phẩm mới hoặc nâng cấp chất lượng dịch vụ và có môi trường làm việc chuyên nghiệp, chế độ đãi ngộ tốt, nhân lực có chuyên môn cao sẽ là các yếu tố có ảnh hưởng lớn khi đánh giá các doanh nghiệp trong ngành.

Do vậy, việc hợp tác với các doanh nghiệp ngoại được kỳ vọng sẽ giúp doanh nghiệp nội cải thiện chất lượng và sản phẩm, từ đó nâng cao uy tín và khả năng cạnh tranh.

Trong năm 2018, 83% số doanh nghiệp tham gia khảo sát nhận định, nghiên cứu các sản phẩm thuốc mới sẽ là chiến lược ưu tiên đầu tiên. Có 67% doanh nghiệp phản hồi sẽ phát triển, mở rộng kênh OTC trong năm tới, củng cố sức mạnh thông qua hệ thống phân phối bán lẻ.

Đứng từ góc độ doanh nghiệp trong ngành dược, hơn một nửa số doanh nghiệp được hỏi cho rằng các quy trình đấu thầu, hệ thống hành lang pháp lý được hoàn thiện và minh bạch hóa, hay một nền kinh tế vĩ mô phát triển ổn định là những mục tiêu cấp thiết nhất hiện nay.

Ngoài ra, việc tuyên truyền hiệu quả về vấn đề sử dụng thuốc, về hoạt động đầu tư và xây dựng môi trường cạnh tranh lành mạnh cũng là những chính sách cần được ưu tiên.

Đặc biệt, theo chuyên gia trong ngành, trong bối cảnh xu hướng công nghệ đang lan tỏa mạnh mẽ thì có được những chính sách khuyến khích doanh nghiệp mạnh dạn áp dụng công nghệ, nâng cao năng suất lao động và hiệu quả đầu ra sẽ là “đòn bẩy” để nâng tầm ngành dược quốc gia trong tương lai.