23/11/2024 | 06:19 GMT+7, Hà Nội

Danh sách Top 10 Công ty dược Việt Nam uy tín năm 2017

Cập nhật lúc: 25/12/2017, 22:09

Mới đây, CTCP Báo cáo Đánh giá Việt Nam (Vietnam Report) đã chính thức công bố Top 10 Công ty dược Việt Nam uy tín năm 2017. Những cái tên có trong danh sách đều là những doanh nghiệp quen thuộc với thị trường và người tiêu dùng Việt như Traphaco, Dược Hậu Giang hay Dược phẩm OPC,...

Theo đánh giá, trong Top 10 Công ty sản xuất dược phẩm Việt Nam, Traphaco và Dược Hậu Giang đang là 2 doanh nghiệp có tiềm lực tài chính mạnh và đạt điểm số truyền thông cao nhất.

Các chuyên gia cũng nhận định đây là hai công ty đầu ngành, định vị được thương hiệu trên thị trường dược phẩm Việt Nam.

Danh sách Top 10 Công ty sản xuất dược phẩm Việt Nam uy tín năm 2017.

Danh sách Top 10 Công ty sản xuất dược phẩm Việt Nam uy tín 2017.

Trong khi đó, tại danh sách Top 10 công ty phân phối, kinh doanh dược phẩm; trang thiết bị, vật tư y tế 2017 thì Dược liệu TW 2 (Phytopharma) và Vimedimex là hai doanh nghiệp dẫn đầu về doanh thu.

Bên cạnh đó, theo phản hồi tổng hợp từ các đối tượng nghiên cứu: dược sỹ/hiệu thuốc và chuyên gia trong ngành, Phytopharma chiếm tỷ lệ cao nhất trong lựa chọn công ty phân phối, kinh doanh dược phẩm, trang thiết bị, vật tư y tế Việt Nam tiêu biểu.

Top 10 Công ty phân phối, kinh doanh dược phẩm; trang thiết bị, vật tư y tế Việt Nam uy tín 2017.

Top 10 Công ty phân phối, kinh doanh dược phẩm; trang thiết bị, vật tư y tế Việt Nam uy tín 2017.

Những năm gần đây, thị trường dược phẩm Việt Nam thể hiện những bước phát triển vượt bậc và thể hiện sự tăng trưởng lạc quan. Số liệu thống kê từ Business Monitor International - BMI cho hay, trong năm 2017, doanh thu của thị trường dược phẩm trong nước ước đạt 5,2 tỷ USD, tăng khoảng 10% so với năm trước và được dự đoán sẽ tiếp tục tăng trưởng hai con số trong vòng 5 năm tới.

Song song với sự gia tăng của dân số, thay đổi về thu nhập bình quân đầu người thì những nhu cầu thiết yếu trong đời sống như thực phẩm, thuốc chữa bệnh hay các nhu yếu phẩm khác cũng ngày càng đa dạng hơn. Bởi vậy mà chi tiêu bình quân đầu người dành cho thuốc tại Việt Nam đã tăng dần từ 9,85 USD trong năm 2005 lên đến 22,25 USD trong năm 2010 và con số này tăng gần gấp đôi vào năm 2015 (37,97 USD).

Thống kê cho thấy, mức tăng trưởng trung bình trong chi tiêu dành cho thuốc hàng năm đạt 14,6% trong giai đoạn 2010 - 2015 và duy trì ở mức tăng ít nhất 14%/năm cho tới năm 2025.

Chi tiêu dành cho thuốc theo đầu người tại Việt Nam được dự báo sẽ tăng gấp đôi lên 85 USD vào năm 2020 và 163 USD trong năm 2025.

Nhận định về tiềm năng tăng trưởng kinh doanh trong giai đoạn 2017 - 2018, có tới 75% doanh nghiệp được hỏi đều dự đoán tăng trưởng ngành trên 10%, số doanh nghiệp còn lại chọn tăng trưởng dưới 10% và không có doanh nghiệp nào chọn “không thay đổi” hay “xấu hơn năm 2016”.

Đây được coi là những dấu hiệu tốt không chỉ cho nền kinh tế nói chung, cho thị trường dược nói riêng mà còn là tin vui cho người tiêu dùng Việt khi những phát triển chung của thị trường sẽ nâng cao được chất lượng cũng như mang đến giá thành tốt hơn cho các loại dược phẩm.

Uy tín của các công ty dược được xây dựng dựa trên nghiên cứu về ảnh hưởng của các yếu tố tài chính, hình ảnh doanh nghiệp trên truyền thông và đánh giá của các chuyên gia trong ngành, bao gồm:

(1) Năng lực tài chính thể hiện trên báo cáo tài chính gần nhất (tổng tài sản, tổng doanh thu, lợi nhuận sau thuế, hiệu quả sử dụng vốn…);

(2) Uy tín truyền thông được đánh giá bằng phương pháp Media Coding - mã hóa các bài viết về công ty trên các kênh truyền thông có ảnh hưởng;

(3) Khảo sát chuyên gia trong ngành dược, Khảo sát dược sỹ/hiệu thuốc và Khảo sát doanh nghiệp được thực hiện trong tháng 12/2017 về quy mô vốn, thị trường, lao động, tốc độ tăng trưởng doanh thu, lợi nhuận, kế hoạch hoạt động trong năm 2017…