25/11/2024 | 08:19 GMT+7, Hà Nội

Thị trường chứng khoán cuối năm 2018: Dự báo sẽ có “cú sốc” lớn

Cập nhật lúc: 24/10/2018, 15:00

Mặc dù thị trường vẫn có những phiên xen kẽ tăng điểm, nhưng không đủ bù cho những phiên giảm, nên chỉ số VN-Index vẫn lùi xa ngưỡng 1.000 điểm. Vậy, những tháng cuối năm 2018, thị trường chứng khoán được dự báo thế nào?

Như đã biết, Quyết định 986/QĐ-TTG của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chiến lược phát triển ngành ngân hàng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 có nhiều điểm nổi bật. Đến năm 2025, hoàn thành việc niêm yết các ngân hàng cổ phần, có từ 2-3 ngân hàng thương mại nằm trong top 100 ngân hàng lớn nhất về tài sản trong khu vực châu Á và 3-5 ngân hàng niêm yết cổ phiếu trên thị trường chứng khoán nước ngoài. Đồng thời, bố trí thêm vốn cho các ngân hàng quốc doanh, giảm tỷ lệ sở hữu Nhà nước xuống còn 51% trừ Agribank.

Mặc dù vậy, vẫn có những yếu tố tích cực tác động lên thị trường, các chỉ số vĩ mô của Việt Nam năm 2018 nhiều khả năng sẽ đạt được mục tiêu Chính phủ đặt ra. Bên cạnh đó, kết quả kinh doanh quý III của các doanh nghiệp niêm yết sẽ tiếp tục có cải thiện, đặc biệt ở các nhóm ngành Ngân hàng, Dầu khí, dệt may và thủy sản. “Cú sốc” lớn nhất trên sàn chứng khoán là phiên giao dịch ngày 11-10 vừa qua. Trước áp lực bán tháo ồ ạt của nhà đầu tư, thị trường chứng khoán đã có một phiên “chao đảo”, xóa hết thành quả của 2 tháng tăng điểm trước đó. Kết thúc phiên, VN-Index mất tới 48,07 điểm, tương đương 4,84%, lùi xuống 945,89 điểm. Trên sàn Hà Nội, HNX-Index và UPCOM-Index giảm lần lượt 5,79% và 3,31%. Theo tính toán, với mức giảm mạnh như vậy, hơn 150.000 tỷ đồng vốn hóa đã bị cuốn trôi khỏi sàn TP Hồ Chí Minh. Chỉ số VN-Index xuống mức thấp nhất kể từ cuối tháng 7.

thi truong chung khoan cuoi nam 2018 du bao se co cu soc lon
Dự báo thì trường chứng khoán cuối năm sẽ có nhiều biến động.

Khi chứng kiến những "cơn sốc" của thị trường thời gian qua, các nhà đầu tư tỏ ra khá thận trọng. Theo chị Nguyễn Anh Thư (phố Hoàn Kiếm, Hà Nội), các yếu tố bên ngoài khó dự đoán và phần lớn đi theo hướng tiêu cực, thị trường chứng khoán toàn cầu bắt đầu phản ứng nhiều hơn do ảnh hưởng của "cuộc chiến" thương mại, chính sách tiền tệ theo hướng thắt chặt của các ngân hàng trung ương... Mặc dù trong quý IV, kỳ vọng các yếu tố cơ bản của doanh nghiệp nhìn chung cải thiện, song thị trường chứng khoán Việt Nam có thể sẽ phải đối mặt với biến động lớn, khiến việc tìm cơ hội đầu tư khó khăn hơn giai đoạn trước.

Có cách nhìn lạc quan hơn, anh Đặng Vũ Tiến (Hoàng Mai, Hà Nội) lại cho rằng, nhà đầu tư vẫn có cơ hội từ thị trường chứng khoán. Chẳng hạn, cơ hội từ việc thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp đầu ngành. Thị trường chứng khoán phân hóa khiến mức giá thoái vốn của các công ty trở về mức hợp lý hơn. Bên cạnh đó, lĩnh vực ngân hàng sẽ tiếp tục có một năm tăng trưởng tốt về hoạt động kinh doanh...

Sự lao dốc của thị trường được các chuyên gia lý giải là do nhà đầu tư chịu ảnh hưởng tâm lý từ diễn biến trên thị trường thế giới. Các chỉ số chính của thị trường chứng khoán Mỹ giảm hơn 3% kéo theo làn sóng bán tháo trên thị trường châu Á đã khiến tâm lý nhà đầu tư trong nước hoảng loạn. Ngay sau phiên giao dịch “chao đảo” đó, thị trường tiếp nối có những phiên tăng - giảm, song mức tăng không lớn. Riêng phiên giao dịch ngày 17-10 đã khép lại với sắc xanh hiện diện trên cả 3 sàn giao dịch. Theo đó, VN-Index đóng cửa tăng 8,23 điểm (0,85%) lên 971,6 điểm, HNX-Index tăng 1,01 điểm (0,93%) lên 109,61 điểm và UPCOM-Index tăng 0,21 điểm (0,4%) lên 52,98 điểm.

Dự báo về thị trường chứng khoán từ nay đến cuối năm, theo Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC), thị trường sẽ diễn biến không tích cực như quý III, chỉ số VN-Index có thể đóng cửa ở mức điểm thấp hơn. Thị trường chứng khoán Việt Nam trong các tháng cuối năm sẽ đối diện nhiều yếu tố mang tính rủi ro như biến động của đồng USD, đồng nhân dân tệ (NDT), lạm phát khiến Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục duy trì chính sách tiền tệ thận trọng. Bên cạnh đó, việc Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất theo đúng lộ trình sẽ tiếp tục mang đến rủi ro cho đồng tiền các nước mới nổi, khiến ngân hàng trung ương nhiều nước phải nâng lãi suất. Một mặt bằng lãi suất cao hơn ở nhiều nước đang hình thành, đây cũng là một sức ép với mặt bằng lãi suất trong nước, và lãi suất tăng luôn là thông tin không vui với thị trường chứng khoán.

Theo bà Tạ Thanh Bình, Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, thời gian tới, thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ tiếp tục chịu ảnh hưởng trực tiếp từ các diễn biến thị trường tài chính thế giới, đặc biệt nhà đầu tư sẽ quan sát thị trường chứng khoán Mỹ. Tuy nhiên, vấn đề quan trọng là nội tại "sức khỏe" thị trường chứng khoán Việt Nam cũng như nền kinh tế trong nước. Thị trường tiền tệ, mặt bằng lãi suất, vấn đề tỷ giá về cơ bản được điều hành phù hợp. Từ đầu năm đến nay, tổng giá trị vốn ròng của nhà đầu tư nước ngoài đạt 2,73 tỷ USD và gần bằng tổng giá trị dòng vốn vào của nhà đầu tư nước ngoài năm 2017, cộng với những kết quả kinh doanh tích cực của các công ty niêm yết. Do đó, về trung và dài hạn, thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn có khả năng tăng trưởng tốt.

Cùng với việc cổ phiếu đang ở mức hợp lý, dòng vốn ngoại tiếp tục đổ vào thị trường. Ông Nguyễn Thanh Lâm, Trưởng phòng phân tích khách hàng cá nhân Công ty Chứng khoán Maybank KimEng cho biết, Việt Nam là quốc gia duy nhất trong khối ASEAN duy trì được giá trị mua ròng của nhà đầu tư nước ngoại từ đầu năm đến nay trị giá 1,388 tỷ USD.

Phương Anh