22/11/2024 | 02:18 GMT+7, Hà Nội

Thị trường căn hộ dịch vụ tăng trưởng trở lại sau dịch

Cập nhật lúc: 17/05/2020, 10:00

Mặc dù chịu ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, nhưng công suất lấp đầy phân khúc căn hộ dịch vụ tại Hà Nội vẫn ở mức tương đối cao, cùng với những điều kiện thuận lợi hứa hẹn sẽ hút khách sau khi hết dịch.

Trái ngược với những diễn biến có chiều hướng xấu của hầu hết các sản phẩm bất động sản, phân khúc căn hộ cho thuê vẫn có nhiều tín hiệu tích cực. Thống kê từ một số đơn vị nghiên cứu cho thấy, trong quý I/2020, số lượng sản phẩm căn hộ dịch vụ mới được đưa ra thị trường trên địa bàn Hà Nội vẫn tăng thêm khoảng 2%, giá thuê tăng 6% so với cùng kỳ năm 2019.

Giá cho thuê trung bình của loại hình bất động sản này đạt 25 - 26 USD/m2/tháng, trong đó phân khúc căn hộ dịch vụ hạng A đang ở mức khoảng 35 USD/m2/tháng và giá cho thuê của căn hộ dịch vụ hạng B và C lần lượt là khoảng 19 USD và 13 USD.

Ông Phạm Thanh Hưng, Phó Chủ tịch HĐQT CenGroup chia sẻ mô hình căn hộ dịch vụ hiện nay trên thế giới đang phát triển mạnh mẽ và trên toàn cầu đang có hàng triệu căn hộ dịch vụ được tung ra thị trường, đó chỉ là tính sản phẩm 3 sao trở lên. Trong đó tại Mỹ, mô hình này chiếm 61% còn ở châu Âu chiếm hơn 20% trong khi ở châu Á chỉ chiếm chưa tới 10% căn hộ dịch vụ trên toàn cầu. 

Hiện nay, Việt Nam căn hộ dịch vụ có sao chiếm khoảng hơn 2.000 căn hộ trên toàn quốc và nguồn cung dự kiến trong vòng 2 - 3 năm tới ước tính khoảng 4.000 căn. Những đơn vị quản lý căn hộ dịch vụ tại Việt Nam cũng chủ yếu là các đơn vị quản lý nước ngoài. Vì vậy, phí đang rất cao, ít nhất gấp 2 - 2,5 lần so với thuê khách sạn.

Mặc dù chịu ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 nhưng công suất lấp đầy phân khúc căn hộ dịch vụ tại Hà Nội vẫn ở mức tương đối cao.

Về nhu cầu thị trường, căn hộ dịch vụ thường phục vụ cho đối tượng khách hàng là các doanh nghiệp, tập đoàn đa quốc gia, họ thường thuê cho các lãnh đạo doanh nghiệp, tập đoàn qua Việt Nam công tác trong vòng 2 - 3 tháng đến 1 năm. Số lượng khách hàng này thường chiếm 80% trong tổng lượng khách thuê. Tỷ lệ lấp đầy căn hộ dịch vụ tại Việt Nam cũng khá cao, lên tới 90 - 95%, vượt trội so với tỷ lệ lấp đầy của khách sạn (70%). Hơn nữa, căn hộ dịch vụ ổn định khách thuê hơn bởi thời gian thuê thường kéo dài.

Xét về góc độ thị trường còn cho thấy, sự dịch chuyển của chuỗi cung ứng toàn cầu đang tạo ra cơ hội rất lớn cho thị trường Việt Nam. Riêng trong quý I/2020, lượng M&A trong lĩnh vực mua bán lại khu công nghiệp cũng như các doanh nghiệp sản xuất tại Việt Nam đã tăng vọt. Thậm chí, ngay cả Nhật Bản cũng khuyến khích doanh nghiệp dịch chuyển nhà máy từ Trung Quốc sang Việt Nam. 

Đó là những yếu tố rất thuận lợi để doanh nghiệp Việt Nam xây dựng các chuỗi logistic, trong đó có nhà ở cho các chuyên gia, cán bộ đi công tác. Một thống kê cũng cho thấy hiện nay số lượng người nước ngoài hàng năm vào Việt Nam tăng trưởng trung bình từ 8 - 10% để tìm hiểu thị trường, công tác tại Việt Nam.

Ông Hưng nhấn mạnh: “Căn hộ dịch vụ cho thuê là một thị trường rất mới mẻ, trong tương lai, đây cũng sẽ là thị trường cực kỳ hút khách”.

Cùng quan điểm, ông Troy Griffiths, Phó Tổng Giám đốc Savills Việt Nam nhận định: “Chuyên gia, kỹ sư làm việc tại các khu công nghiệp là nguồn cầu dài hạn chủ yếu của mảng căn hộ dịch vụ. Với quy mô đông nhân công và chia sẻ nhiều không gian chung, các DN trong khu công nghiệp tại Hà Nội và các tỉnh lân cận, như: Bắc Ninh, Bắc Giang, Hưng Yên... là rất lớn. Thị trường dự kiến sẽ mau chóng phục hồi ngay khi biên giới được mở cửa trở lại”.

Dự báo về triển vọng tương lai, ông Troy Griffiths cho hay, ở Hà Nội có 6 dự án với xấp xỉ 700 căn đang trong giai đoạn hoàn thiện, dự kiến sẽ đi vào hoạt động trong năm 2020. Từ năm 2022 trở đi, bốn dự án lớn sẽ cung cấp hơn 200 căn/dự án, phần lớn tập trung tại quận Tây Hồ. Trong những dự án không có thương hiệu quản lý, xu hướng phát triển hỗn hợp nhiều công năng sẽ phổ biến hơn dự án chỉ có hạng mục căn hộ dịch vụ.