19/01/2025 | 15:28 GMT+7, Hà Nội

Thị trường bất động sản kỳ vọng được khơi thông ách tắc

Cập nhật lúc: 24/11/2022, 13:24

Tổ công tác tháo gỡ khó khăn cho các dự án bất động sản được thành lập nhưng các vấn đề bất động sản vẫn cần thời gian để giải quyết. Để tồn tại, các doanh nghiệp bất động sản cần tái cấu trúc...

Thành lập tổ công tác đặc biệt gỡ khó khăn cho bất động sản

Bất động sản vẫn đang bị “thổi giá” quá cao so với thu nhập của người dân, dẫn tới, người có nhu cầu ở thực thì không với tới, còn giới đầu cơ thì đông nghìn nghịt, vì lợi nhuận “lướt sóng” cao gấp nhiều lần lãi vay. Bởi vậy, khi siết room tín dụng, lãi suất tăng cao, các cấp trung gian “vỡ trận” theo hiệu ứng Domino là hiển nhiên. Nhưng đây mới chỉ là một trong những khâu quan trọng để “dọn dẹp” thị trường, đưa bất động sản trở về giá trị thực phù hợp với nhu cầu của người dân.

Với quyền hạn rất lớn được trao, các chuyên gia cho rằng, việc thành lập Tổ công tác hỗ trợ tháo gỡ vướng mắc cho các dự án bất động sản (BĐS) sẽ giúp thị trường bớt khó khăn, vực dậy các doanh nghiệp BĐS.

Các doanh nghiệp bất động sản cần tái cấu trúc và tập trung nguồn lực vào những dự án trọng điểm. (Ảnh minh họa)
Các doanh nghiệp bất động sản cần tái cấu trúc và tập trung nguồn lực vào những dự án trọng điểm. (Ảnh minh họa)

Mới đây, Thủ tướng Chính phủ vừa có quyết định thành lập Tổ công tác về rà soát, đôn đốc, hướng dẫn tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong việc triển khai thực hiện dự án BĐS cho các địa phương và doanh nghiệp.

Có thể thấy, đây là quyết định kịp thời nhằm tháo gỡ nhiều khó khăn đang bủa vây xung quanh doanh nghiệp và thị trường BĐS, trong đó, việc khơi thông những ách tắc trong triển khai các dự án BĐS được kỳ vọng sẽ là động lực thúc đẩy thị trường hồi phục.

Theo TS. Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam chia sẻ, đây là quyết định có ý nghĩa rất lớn đối với thị trường BĐS tại thời điểm khó khăn hiện nay. Thị trường BĐS hiện đang đối mặt với nhiều khó khăn khi dòng tiền yếu, thanh khoản giảm, nguồn cung nhà ở vừa túi tiền hạn chế, nhiều dự án “trùm mền” đã lâu. Nếu để thị trường tiếp tục chờ đợi sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy.

Qua nhiều giai đoạn khủng hoảng thị trường BĐS như những năm 2008, 2013, Chính phủ cũng đã có những chính sách can thiệp linh hoạt để kích hoạt lại thị trường. Gần đây, gói hỗ trợ kích cầu sau đại dịch với 350.000 tỷ đồng đã tạo ra nhiều hiệu quả trong việc xử lý khủng hoảng. Do vậy, việc quyết định thành lập Tổ công tác hỗ trợ thị trường thời điểm hiện tại sẽ có thể mang lại những kết quả tích cực, ông Đính dẫn chứng.

Đáng chú ý, Tổ công tác bao gồm thành viên các Bộ, ban ngành có vai trò cốt cán đối với thị trường BĐS được giao nhiệm vụ cụ thể là rà soát, đôn đốc, hướng dẫn tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện dự án BĐS. Đồng thời tham mưu, kiến nghị các cấp sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách pháp luật liên quan.

Còn chuyên gia BĐS Nguyễn Thế Điệp cho rằng, vai trò của Tổ công tác là rất lớn, bởi được yêu cầu các bộ ngành, địa phương, các doanh nghiệp liên quan báo cáo, cung cấp thông tin, hồ sơ, tài liệu về các dự án BĐS đang triển khai nhưng có khó khăn, vướng mắc về thủ tục pháp lý, kiến nghị giải pháp giải quyết.

Cùng với đó, được mời lãnh đạo các cơ quan Trung ương, địa phương có liên quan hoặc các tổ chức, chuyên gia phối hợp, tham vấn trong quá trình thực hiện nhiệm vụ.

Mặt khác, Thủ tướng cũng yêu cầu Tổ công tác chịu trách nhiệm trong thực hiện các nhiệm vụ, làm việc theo chế độ tập thể, đề cao trách nhiệm của cá nhân người đứng đầu.

Ông Nguyễn Văn Đính nhấn mạnh thêm: “Như vậy là Tổ công tác được trao quyền hạn rất lớn và chủ động, tôi cho rằng sẽ có những tồn đọng được linh hoạt giải quyết ngay mà không cần chờ thông qua Luật Đất đai hay các luật liên quan, thậm chí là Nghị định hướng dẫn”.

Quyết được những khó khăn cần phải có nguồn vốn

Ông Nguyễn Hữu Đường, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Hòa Bình trang đổi với bái chí cho biết, hiện nay thị trường BĐS đang gặp nhiều khó khăn, để giải quyết được những khó khăn này cần phải có nguồn vốn. Ông Đường nói rằng, thị trường cũng đang rất cần các biện pháp cụ thể.

Ông Đường đề xuất với các dự án chưng cư thương mại hiện đang gặp vướng mắc về đầu tư, giao dịch, có thể xem xét chuyển đổi sang phương thức nhà ở xã hội.

 “Nhà nước có thể trả lại tiền sử dụng đất, trả lại tiền làm hạ tầng, tiền đền bù đất cho doanh nghiệp và doanh nghiệp phải chuyển đổi các chung cư thương mại sang nhà ở xã hội. Lúc này giá nhà sẽ giảm xuống và người dân mới có cơ hội để mua nhà…”, ông Đường nói và nhấn mạnh rằng, việc này sẽ kích cầu thị trường, tạo ra nguồn tiền cho doanh nghiệp. Nếu không có biện pháp cụ thể e rằng BĐS sẽ đóng băng.

Liên quan đến nguồn vốn, đại diện Tập đoàn Novaland cũng mong muốn Ngân hàng Nhà nước sớm có những chỉ đạo cụ thể để khách hàng, nhà đầu tư, nhà phát triển BĐS cũng như những nhà đầu tư thứ cấp tiếp cận, sử dụng được nguồn vốn tín dụng.

Vị này cho biết: “Một trong những giải pháp hiện nay là tạo điều kiện cho những chủ đầu tư lớn, những dự án đã được thẩm định, được duyệt thì cần có sự cởi mở hơn trong việc tiếp cận tín dụng, giúp cho thị trường BĐS phục hồi”.

Cùng với đó, ngoài nguồn vốn thì vấn đề pháp lý cũng được nhiều doanh nghiệp BĐS quan tâm. Điển hình, ông Lê Hữu Nghĩa, Tổng giám đốc Công ty TNHH xây dựng - thương mại Lê Thành cho biết, khi làm dự án nhà ở xã hội, điều doanh nghiệp quan tâm đầu tiên là vấn đề cơ chế, pháp lý. Bên cạnh đó là những ưu đãi của nhà nước để giảm giá thành và thủ tục mua nhà của người dân.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) cho biết, để tháo gỡ những khó khăn cho thị trường BĐS, đã có công văn gửi Thủ tướng Chính phủ kiến nghị Chính phủ 10 giải pháp liên quan đến việc xây dựng pháp luật, hoàn thiện các cơ chế, chính sách, nới tín dụng, tháo gỡ cho thị trường trái phiếu, tăng nguồn cung nhà ở xã hội.

Theo GS.TSKH. Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và môi trường thì những vướng mắc của thị trường bất động sản hiện nay thì không thể giải quyết ngay: “Việc thành lập tổ công tác của Thủ tướng để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong việc triển khai thực hiện dự án bất động sản bước đầu mới chỉ giúp khôi phục, tái tạo lại niềm tin chứ còn cách để tháo gỡ thực sự được những khó khăn, vướng mắc thì chưa có”.

Vấn đề nguồn cung trên thị trường bất động sản hiện nay đang gặp bế tắc. Mà để tháo gỡ thì phải bắt đầu từ hệ thống pháp luật. và việc thành lập tổ công tác ở thời điểm hiện tại cũng khó để tháo gỡ về mặt pháp luật.

Theo GS.TSKH. Đặng Hùng Võ, để tháo gỡ khó khăn thì việc tất yếu là sửa đổi Luật Đất đai, và phải sửa cho đúng. Việc sửa sai chỉ khiến thị trường bất động sản rơi vào khó khăn và gặp nhiều bất cập hơn nữa.

Nguồn: https://kinhtemoitruong.vn/thi-truong-bat-dong-san-ky-vong-duoc-khoi-thong-ach-tac-73698.html