22/11/2024 | 08:58 GMT+7, Hà Nội

Thí sinh xét tuyển vào ngành sư phạm phải cao từ 1,5 m trở lên

Cập nhật lúc: 14/02/2019, 01:01

Theo thông báo của Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, thí sinh xét tuyển các ngành đào tạo giáo viên phải cao từ 1,5 m trở lên.

 

Thí sinh xét tuyển vào ngành sư phạm phải cao từ 1,5 m trở lên - Ảnh 1
Thí sinh dự thi THPT quốc gia năm 2018. NGỌC DƯƠNG
 
Trường ĐH Sư phạm TP.HCM vừa công bố chỉ tiêu, tổ hợp xét tuyển dự kiến từng ngành trong năm nay.
Thạc sĩ Lê Phan Quốc, Phó trưởng phòng Đào tạo, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, cho biết trường quy định điều kiện xét tuyển tối thiểu về chiều cao với các ngành đào tạo giáo viên.
Cụ thể, nam phải cao từ 1,55 m trở lên và nữ cao từ 1,5 m trở lên.
Riêng ngành giáo dục thể chất, nam phải cao từ 1,65 m và nặng 50 kg trở lên, nữ phải đạt tối thiểu 1,55 m chiều cao và nặng 45 kg trở lên..

Tổng chỉ tiêu dự kiến của trường trong năm nay là trên 3.700 (trừ ngành giáo dục quốc phòng - an ninh sẽ thông báo khi Bộ GD-ĐT giao chỉ tiêu tuyển sinh cụ thể).

Trong đó, một số ngành tuyển số lượng lớn thí sinh như: giáo dục mầm non 200 chỉ tiêu, giáo dục tiểu học 230 chỉ tiêu, ngôn ngữ Anh 300, công nghệ thông tin 200, ngôn ngữ Trung Quốc 220…

Ngược lại, nhiều ngành tuyển chưa tới 50 chỉ tiêu như: quản lý giáo dục, sư phạm tiếng Pháp, sư phạm tiếng Trung Quốc, giáo dục đặc biệt…

Riêng ngành tiếng Việt và văn hóa Việt Nam dành cho thí sinh người nước ngoài đã tốt nghiệp phổ thông trở lên và tổ chức xét tuyển riêng.

Trường này cũng quy định điểm xét tuyển của các tổ hợp môn thuộc một ngành là như nhau.

Trước đó, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM công bố phương án xét tuyển dự kiến. Theo đó, trường sẽ sử dụng đồng thời các phương thức tuyển sinh gồm: xét tuyển và ưu tiên xét tuyển, xét tuyển, xét tuyển kết hợp thi tuyển.

Cụ thể là trường dành tối đa 10% chỉ tiêu cho phương thức tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển. Với phương thức xét tuyển, trường dành 80% chỉ tiêu từng ngành xét kết quả kỳ thi THPT quốc gia và tối đa 10% chỉ tiêu xét tuyển học bạ dựa vào kết quả học tập lớp 12 của 3 môn theo tổ hợp xét tuyển.

Với phương thức kết hợp xét tuyển và thi tuyển, trường cũng phân thành 2 loại: xét tuyển dựa vào kết quả kỳ thi THPT quốc gia năm 2019 kết hợp với thi tuyển môn năng khiếu áp dụng cho ngành giáo dục thể chất, giáo dục mầm non (chiếm tối thiểu 80% chỉ tiêu của từng ngành); Xét tuyển dựa vào kết quả học tập lớp 12 THPT kết hợp với thi tuyển môn năng khiếu áp dụng cho các ngành giáo dục thể chất, giáo dục mầm non (tối đa 10% chỉ tiêu của từng ngành).

Môn thi năng khiếu của ngành giáo dục thể chất gồm: Chạy cự ly ngắn, lực kế bóp tay, bật xa tại chỗ. Môn thi năng khiếu của ngành giáo dục mầm non gồm: Đọc - kể diễn cảm, hát.

Theo HÀ ÁNH/Thanh niên