Thí sinh đã sơ tuyển trường công an không được sơ tuyển trường quân đội
Cập nhật lúc: 21/02/2019, 07:01
Cập nhật lúc: 21/02/2019, 07:01
Mới đây, Bộ Quốc phòng đã đưa ra dự thảo thông tư tuyển sinh của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định chi tiết và hướng dẫn thực hiện công tác tuyển sinh vào các trường trong quân đội.
Theo dự thảo này, về phương thức tuyển sinh các trường quân đội cũng được thực hiện như các trường dân sự, gồm có thi tuyển, xét tuyển hoặc kết hợp giữa thi tuyển và xét tuyển. Tuy nhiên, với trường quân đội, Ban Tuyển sinh quân sự Bộ Quốc phòng sẽ có trách nhiệm hướng dẫn thực hiện khi phương thức tuyển sinh có thay đổi. Nếu trường nào có đề án tuyển sinh riêng, được cấp có thẩm quyền phê duyệt thì có thể tổ chức thi tuyển sinh theo đề án tuyển sinh riêng.
Đối tượng tuyển sinh vào trường quân đội được chia thành 3 diện: Hạ sĩ quan, binh sĩ đang phục vụ tại ngũ, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng phục vụ quân đội đủ 12 tháng trở lên; nam thanh niên ngoài quân đội; nữ thanh niên ngoài quân đội và nữ quân nhân.
Tuyển số lượng nữ ít
Với nữ thanh niên ngoài quân đội và nữ quân nhân, một số ngành/trường được tuyển với số lượng chỉ tiêu hạn chế (được tuyển ít nhất 2 thí sinh).
Các ngành Bác sĩ quân y tại Học viện Quân y và Quan hệ quốc tế về quốc phòng, Ngoại ngữ tại Học viện Khoa học Quân sự được tuyển 10% chỉ tiêu.
Các ngành Công nghệ thông tin, Điện tử viễn thông, Điện tử y sinh, Khí tài quang, Địa tin học tại Học viện Kỹ thuật Quân sự được tuyển không quá 6% chỉ tiêu.
Các ngành đào tạo tài chính tại Học viện Hậu cần được tuyển không quá 10% chỉ tiêu.
Đối với các trường đào tạo sĩ quan chỉ huy, chính trị, hậu cần, gồm các học viện: Hậu cần, Phòng không - Không quân, Hải quân, Biên phòng và các trường sĩ quan: Lục quân 1, Lục quân 2, Chính trị, Pháo binh, Công binh, Tăng - Thiết giáp, Thông tin, Đặc công, Phòng hóa tuyển thí sinh nam cao từ 1,65 m trở lên, cân nặng từ 50 kg trở lên; Không tuyển thí sinh mắc tật khúc xạ cận thị.
Đối với các trường đào tạo sĩ quan chuyên môn kỹ thuật, gồm các học viện: Kỹ thuật quân sự, Quân y, Khoa học quân sự; Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội; Hệ đào tạo kỹ sư hàng không thuộc Học viện Phòng không - Không quân; Trường Sĩ quan Kỹ thuật quân sự (Vin-Hem Pich) tuyển thí sinh nam cao từ 1,63 m trở lên, cân nặng từ 50 kg trở lên; thí sinh nữ cao từ 1,54 m trở lên, cân nặng từ 48 kg trở lên.
Các trường này tuyển thí sinh (cả nam và nữ) mắc tật khúc xạ cận thị không quá 3 đi-ốp và đạt các yêu cầu về thị lực theo quy định.
Đối tượng đào tạo sĩ quan của các quân, binh chủng nếu tuyển chọn sức khỏe theo các tiêu chuẩn riêng vẫn phải đảm bảo tiêu chuẩn chung.
Tuyển sinh phi công tại trường Sĩ quan Không quân (nếu có), chỉ tuyển chọn thí sinh đã được Quân chủng Phòng Không - Không quân tổ chức khám tuyển sức khỏe, kết luận đủ điều kiện xét tuyển vào đào tạo phi công quân sự.
Ảnh minh họa
Theo dự thảo thông tư, năm nay các trường quân đội vẫn sẽ sử dụng 7 tổ hợp truyền thống để xét tuyển, bao gồm: A00 (toán, lý, hóa); A01 (toán, lý, tiếng Anh); B00 (toán, hóa, sinh); C00 (văn, sử, địa); D01 (toán, văn, tiếng Anh); D02 (toán, văn, tiếng Nga); D03 (toán, văn, tiếng Pháp); D04 (toán, văn, tiếng Trung Quốc)
Cụ thể, về tổ hợp xét tuyển của các trường như sau:
Học viện Quân y: Tuyển sinh theo tổ hợp xét tuyển B00 và A00;
Học viện Biên phòng: Tuyển sinh theo tổ hợp xét tuyển C00 và A01;
Học viện Khoa học quân sự: Tuyển sinh theo tổ hợp xét tuyển D01, D02, D04 và A00, A01 (theo từng ngành tuyển sinh);
Trường Sĩ quan Chính trị: Tuyển sinh theo tổ hợp xét tuyển C00, A00 và D01;
Các học viện: Kỹ thuật quân sự, Hậu cần, Phòng không - Không quân, Hải quân và các trường sĩ quan: Lục quân 1, Lục quân 2, Thông tin, Công binh, Đặc công, Kỹ thuật quân sự (Vin - Hem Pich), Tăng - Thiết giáp, Không quân, Pháo binh, Phòng hóa: Tuyển sinh theo tổ hợp xét tuyển A00 và A01;
Các thí sinh đăng ký dự tuyển vào các trường trong quân đội phải tham gia sơ tuyển và đăng ký tham dự kỳ thi THPT quốc gia trong năm đăng ký dự tuyển. Thí sinh phải sử dụng hồ sơ đăng ký sơ tuyển đại học, cao đẳng do Ban Tuyển sinh quân sự Bộ Quốc phòng in, phát hành thống nhất trong toàn quốc.
Thí sinh chỉ được đăng ký một nguyện vọng 1 (nguyện vọng cao nhất) vào một trường trong quân đội ngay từ khi làm hồ sơ sơ tuyển (nếu trường có nhiều ngành đào tạo, thí sinh chỉ được đăng ký dự tuyển vào một ngành). Các nguyện vọng còn lại thí sinh đăng ký vào các trường ngoài quân đội hoặc hệ dân sự của các trường quân đội, việc đăng ký thực hiện theo quy định của Bộ GD&ĐT.
Các trường quân đội chỉ xét tuyển đối với thí sinh đăng ký nguyện vọng 1 (nguyện vọng cao nhất). Ban tuyển sinh quân sự cấp huyện có trách nhiệm thông báo rộng rãi, hướng dẫn thí sinh làm hồ sơ sơ tuyển, thí sinh đã tham gia sơ tuyển vào các trường thuộc Bộ Công an thì không tham gia sơ tuyển vào các trường thuộc Bộ Quốc phòng.
Việc xét tuyển nguyện vọng bổ sung vào đào tạo đại học quân sự, chỉ xét tuyển những thí sinh đã đăng ký dự tuyển vào đào tạo đại học hệ quân sự các trường trong Quân đội, không trúng tuyển nguyện vọng 1; tham dự Kỳ thi THPT quốc gia (trong năm đăng ký xét tuyển); đăng ký xét tuyển vào các trường đại học, cao đẳng quân sự có xét tuyển nguyện vọng bổ sung và phải có đủ điều kiện về sức khỏe, vùng tuyển, tổ hợp môn xét tuyển của trường đăng ký xét tuyển. Xét tuyển bổ sung có thể được thực hiện một lần hay nhiều lần.
Tổng điểm thi của thí sinh gồm tổng điểm các bài thi/môn thi theo thang điểm 10 cộng với điểm ưu tiên đối tượng, khu vực và được làm tròn đến hai chữ số thập phân. Các trường có quy định bài thi/môn thi chính, bài thi/môn thi chính nhân hệ số 2 và quy đổi theo quy định của Bộ GD&ĐT.
Các trường xét tuyển theo đúng ngành đăng ký của thí sinh; thực hiện xét tuyển từ thí sinh có tổng điểm thi cao nhất trở xuống đến đủ chỉ tiêu.
02:41, 21/02/2019
19:58, 20/02/2019
13:44, 20/02/2019
08:12, 20/02/2019