26/04/2024 | 16:35 GMT+7, Hà Nội

Mở rộng thêm đối tượng thụ hưởng, đẩy nhanh tiến độ giải ngân

Cập nhật lúc: 09/04/2023, 09:17

Từ khi triền khai Nghị định số 31/2022/NĐ-CP của Chính phủ đến nay hơn nửa năm, gói hỗ trợ lãi suất 2% mới giải ngân được… 0,3%.

Đại diện NHNN khẳng định, việc gỡ vướng để giải ngân gói hỗ trợ lãi suất 2% là rất cần thiết.
Đại diện NHNN khẳng định, việc gỡ vướng để giải ngân gói hỗ trợ lãi suất 2% là rất cần thiết.

Gói hỗ trợ lãi suất “ế” 99,7%

Theo Nghị định số 31/2022/NĐ-CP của Chính phủ hỗ trợ lãi suất 2% từ ngân sách nhà nước với các khoản vay của DN, HTX, hộ kinh doanh (gói hỗ trợ lãi suất 2% với nguồn ngân sách 40.000 tỷ đồng). Theo báo cáo của NHNN, đến hết năm 2022, giải ngân chính sách hỗ trợ 2% lãi suất mới đạt hơn 134 tỷ đồng, tương đương 0,3% tổng nguồn lực.

Số liệu tập hợp từ các NHTM cho thấy, trong số khách hàng thuộc ngành, lĩnh vực được hỗ trợ lãi suất và đáp ứng điều kiện được hỗ trợ lãi suất, có khoảng 67% khách hàng phản hồi không có nhu cầu. Thậm chí, một số khách hàng đã nhận hỗ trợ lãi suất, song chủ động hoàn trả NHTM toàn bộ số tiền lãi được hỗ trợ.

Vốn có nhưng người cần khó đến được tay

Sau khi các văn bản quy phạm pháp luật và giải đáp về chính sách được ban hành, NHNN đã chỉ đạo các ngân hàng thương mại chủ động rà soát để nắm bắt nhu cầu, thông báo, hướng dẫn khách hàng về hồ sơ, thủ tục; tích cực truyền thông, thông tin về chính sách bằng nhiều hình thức; thành lập đường dây nóng để tiếp nhận phản ánh. Đến nay giải ngân gói hỗ trợ lãi suất 2% không đạt như kỳ vọng. Trong khi các DN “đói” vốn. Điều này cho thấy, thiết kế chính sách của gói hỗ trợ này chưa hợp lý, gây ra cảnh người cần không đến tay.

Lý giải về sự “ách tắc” vấn đề trên, nhiều chuyên gia cho rằng: Thứ nhất, trên thực tế nhiều khách hàng đủ điều kiện nhưng từ chối nhận hỗ trợ lãi suất do tâm lý e ngại. Bởi lẽ, nếu DN có tiền gửi tại ngân hàng thương mại nếu vay hỗ trợ lãi suất có thể sẽ bị đánh giá trục lợi chính sách trong quá trình thanh, kiểm tra, kiểm toán.

Ngoài ra, nhiều khách hàng không đáp ứng điều kiện hỗ trợ lãi suất vì không có đăng ký hộ kinh doanh, việc các ngân hàng đánh giá “có khả năng phục hồi” dẫn tới khách hàng khó tiếp cận chính sách, đã được hỗ trợ lãi suất khác nhưng đang quá hạn…

Ông Võ Anh Tài, Phó tổng GĐ Tổng Cty Du lịch Sài Gòn (Saigontourist Group) cho rằng: Sau đại dịch ngành du lịch và các DN du lịch đang nỗ lực phục hồi mạnh mẽ. Vừa qua, chúng ta mới tập trung phục hồi tăng trưởng tốt thị trường khách nội địa, nhưng thị trường khách quốc tế còn chậm. Mục tiêu đón khách quốc tế 5 triệu lượt năm 2022 chỉ đạt khoảng 3,5 triệu lượt. Và năm 2023, chúng ta đưa ra chỉ tiêu đón khoảng 8 triệu lượt khách. Do đó, kế hoạch phục hồi của toàn ngành du lịch phải tới năm 2025 mới về có thể phục hồi như giai đoạn năm 2019 trong điều kiện bình thường, còn nếu tiếp tục suy thoái thì sẽ khó khăn.

Vậy theo điều kiện được tiếp cận gói hỗ trợ minh chứng“có khả năng phục hồi” để tiếp cận chính sách hỗ trợ lãi suất 2%, thì Saigontourist Group phải đến 2025 thuận lợi làm ăn mới tiếp cận được . Vì hiện nay, các tiêu chí để đánh giá khả năng phục hồi thường là những kết quả định lượng như doanh thu, sản lượng, lợi nhuận kinh doanh phải tăng; hoặc các tiêu chí định tính như diễn biến, chiều hướng, triển vọng kinh doanh của khách hàng… đang làm khó DN.

TS Nguyễn Quốc Hùng - Chủ tịch Hiệp hội Ngân hàng, cho biết: “Một trong những nguyên tắc hỗ trợ lãi suất là không hạ chuẩn cho vay, DN khi vay phải đáp ứng đủ điều kiện theo quy định pháp luật, không thể nêu lý do hỗ trợ DN đang khó khăn. Ngân hàng phải thẩm định đánh giá hiệu quả dự án chặt chẽ theo đúng quy định pháp luật”.

Đại diện Bộ Tài chính, cơ quan tham gia trong quá trình cấp vốn hỗ trợ cũng cho rằng DN lo ngại nhận tiền của Nhà nước hỗ trợ, sau này quá trình thanh tra, kiểm toán phức tạp… là khó khăn vướng mắc lớn nhất khiến gói hỗ trợ gặp khó khăn khi triển khai. Thứ hai, các ngân hàng thương mại e ngại bởi khách hàng khó xác định, bóc tách dư nợ vay hỗ trợ lãi suất trong trường hợp khách hàng vay kinh doanh nhiều mục đích khác nhau.

Nhưng khó bóc tách mục đích của khoản vay được hỗ trợ lãi suất và không được hỗ trợ lãi suất. Ví dụ như vay thu mua nguyên vật liệu đầu vào để vừa chế biến (thuộc ngành công nghiệp chế biến) được hỗ trợ lãi suất, vừa kinh doanh thương mại (thuộc ngành bán buôn bán lẻ) không được hỗ trợ lãi suất. Vậy nên rất khó xác định khoản vay.

Việc bản thân khách hàng không muốn tham gia nhận khoản vay hỗ trợ lãi suất do sợ công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán; ngân hàng và khách hàng đều khó đánh giá, xác định “khả năng phục hồi”. Đó là những lý do dẫn đến chính sách không đi vào cuộc sống. Qua khảo sát vướng mắc lớn nhất khiến kết quả giải ngân gói hỗ trợ lãi suất thấp là các DN e ngại khi tham gia chương trình này phải tuân thủ các thủ tục liên quan đến hậu kiểm, thanh tra, kiểm toán về sau.

Về phía các ngân hàng, lợi ích của việc được hỗ trợ 2% so với chi phí bỏ ra khi phải theo dõi hồ sơ, sổ sách và các quy định liên quan để phục vụ cho công tác kiểm tra, hậu kiểm sau này cũng là vấn đề được đặt lên bàn cân. Trong trường hợp bị thu hồi khoản hỗ trợ, DN sẽ rất khó xử lý, bởi việc hạch toán và chia cổ tức một khi đã thực hiện thì sẽ khó thu lại.

Bên cạnh đó, theo quy định, để được hưởng hỗ trợ, các DN phải đáp ứng điều kiện có khả năng trả nợ và có khả năng phục hồi. Nếu tại thời điểm thanh kiểm toán, DN được đánh giá không có khả năng phục hồi thì có thể bị thu hồi lại phần tiền đã được hỗ trợ hoặc bị quy trục lợi chính sách.

Gỡ điểm nghẽn

Để tháo gỡ vướng mắc liên quan đến quy định đánh giá khách hàng “có khả năng phục hồi” nêu trên, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, NHNN đã dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 31 và xin ý kiến các Bộ, ngành, Kiểm toán Nhà nước, Ủy ban Tài chính – Ngân sách Quốc hội, Ủy ban Kinh tế Quốc hội. Trên cơ sở ý kiến các Bộ, ngành và ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp, ngày 10/2/2023, NHNN đã có Tờ trình Chính phủ, báo cáo Chính phủ về việc ban hành Nghị định sửa đổi.
Phó Thống đốc thường trực NHNN Đào Minh Tú cho rằng, việc gỡ vướng để giải ngân gói hỗ trợ lãi suất 2% là rất cần thiết, NHNN sẽ xem xét để mở rộng thêm những đối tượng thụ hưởng gói hỗ trợ, đẩy nhanh tiến độ giải ngân trong năm 2023. Việc mở rộng đối tượng, những lĩnh vực mà có thể hỗ trợ được cũng là điều cần thiết, và cũng là vấn đề mà qua khảo sát đánh giá, chúng tôi cũng sẽ phải báo cáo lên cấp có thẩm quyền để có thể xem xét thêm về việc mở rộng đối tượng này.

Hiện tại, NHNN đã rà soát, đề xuất nội dung sửa đổi Nghị định 31 và đang lấy ý kiến các bộ, ngành trước khi báo cáo Chính phủ xem xét, quyết định. Trong đó, NHNN đề xuất cần hướng dẫn quy định “có khả năng phục hồi” nghĩa là “đáp ứng điều kiện cho vay”, thay vì các tiêu chí cụ thể khác.

Như vậy, NHTM và khách hàng không cần xem xét các tiêu chí khác mà chỉ cần đáp ứng các quy định hiện hành về điều kiện cho vay của tổ chức tín dụng đối với khách hàng. Tăng cường công tác thông tin, truyền thông về chính sách hỗ trợ lãi suất (qua các kênh báo đài, chính quyền địa phương, hiệp hội ngành nghề...), giúp cho các DN, HTX, hộ kinh doanh hiểu rõ về cách thức để tiếp cận chính sách hỗ trợ lãi suất tại ngân hàng thương mại.

Bà Hà Thu Giang, Vụ trưởng phụ trách Vụ Tín dụng (NHNN) cho biết: Chưa có một chính sách nào mà ngành ngân hàng triển khai đồng bộ với tinh thần quyết liệt và khẩn trương như chính sách hỗ trợ lãi suất này. Nhưng có một thực tế qua tìm hiểu bản thân DN, họ cần vốn nên mong muốn những chính sách hỗ trợ trực tiếp như miễn giảm thuế, hơn là hỗ trợ lãi suất.

Nguồn: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/mo-rong-them-doi-tuong-thu-huong-day-nhanh-tien-do-giai-ngan-331164.html