15/09/2024 | 09:50 GMT+7, Hà Nội

Thị trường tiền tệ sẽ chịu áp lực mới nếu FED tiếp tục tăng lãi suất

Cập nhật lúc: 04/03/2023, 07:11

Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) có thể thực hiện nhiều đợt tăng lãi suất hơn so với dự kiến trước đây, điều này nếu xảy ra sẽ là một trong những trở ngại lớn cho nỗ lực đưa lãi suất trong nước giảm thời gian tới.

Tín hiệu mới từ thị trường quốc tế

Thời gian gần đây, một số diễn biến kinh tế quốc tế cho thấy lạm phát tại Mỹ và nhiều nền kinh tế lớn trên thế giới vẫn chưa thực sự được kiểm soát. Điều này dẫn đến nhiều dự báo mới cho rằng, FED có thể sẽ phải tiếp tục các đợt tăng lãi suất kéo dài hơn so với các dự báo đã đưa ra hồi cuối năm 2022.

Cuối tháng 2 vừa qua, Bộ Thương mại Mỹ công bố giá cả của chi phí tiêu dùng cá nhân (PCE) trong tháng 1 (không bao gồm thực phẩm và năng lượng) đã tăng 0,6% so với tháng trước và tăng 4,7% so với một năm trước. Các con số này cao hơn chỉ số PCE tháng 12/2022, với mức tăng tương ứng chỉ 0,4% so với tháng trước và 4,6% so với cùng kỳ năm trước. Nếu tính cả năng lượng và thực phẩm, lạm phát toàn phần của Mỹ trong tháng 1 tăng lần lượt 0,6% so với tháng trước và 5,4% so với cùng kỳ năm trước, cũng đều tăng cao hơn mức tăng của tháng 12/2022 với lần lượt là 0,2% và 5,3%.

Tại châu Âu, tình hình lạm phát cũng trở nên tăng nhiệt trong thời gian gần đây. Giá lương thực cao hơn đã đẩy tỷ lệ lạm phát 12 tháng ở Pháp lên 7,2% trong tháng 2 từ mức 7% của tháng trước. Tại Tây Ban Nha, giá tiêu dùng tăng 6,1% so với cùng kỳ trong tháng 2, cao hơn mức tăng 5,9% trong 12 tháng tính đến tháng 1.

Khả năng lãi suất quay đầu tăng có thể là một kịch bản mới đối với thị trường khi Fed tăng lãi suất.
Khả năng lãi suất quay đầu tăng có thể là một kịch bản mới đối với thị trường khi Fed tăng lãi suất.

Với diễn biến này, một số dự báo mới xuất hiện gần đây cho rằng, khả năng FED và Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) có thể sẽ lại phải thực hiện chính sách tiền tệ chặt chẽ hơn, thay vì nới lỏng dần dần từ quý II/2023 như nhiều dự báo đã được đưa ra vào cuối năm 2022.

Cụ thể, các dự báo đưa ra hồi cuối năm 2022 cho thấy, sau đợt tăng 0,25 điểm phần trăm vào tháng 2/2023, có thể FED sẽ chỉ thực hiện thêm 2 đợt tăng 0,25 điểm phần trăm nữa vào tháng 3 và tháng 5. Tuy nhiên, tín hiệu mới trên nền kinh tế Mỹ và thế giới đã khiến cho thị trường tài chính đang bị đặt trong mối lo ngại về một đợt tăng lãi suất khác vào tháng 6.

Những áp lực mới với thị trường tiền tệ trong nước

Ở thị trường tiền tệ trong nước, thời gian gần đây một số tín hiệu giảm lãi suất tại một số ngân hàng đã xuất hiện. Nhưng những biến động mới xuất hiện trên thị trường thế giới có thể sẽ là trở ngại lớn trong nỗ lực đưa lãi suất tiếp tục giảm thời gian tới. Thậm chí, khả năng lãi suất quay đầu tăng trở lại cũng có thể là một kịch bản mới đối với thị trường.

Theo TS. Châu Đình Linh, Giảng viên Trường Đại học Ngân hàng TP. Hồ Chí Minh, nếu FED thực sự sẽ thực hiện lộ trình tăng lãi suất kéo dài hơn so với dự báo trước kia thì đó sẽ là yếu tố tác động rất lớn với thị trường tài chính và chính sách tiền tệ của Việt Nam trong thời gian tới.

Tăng trưởng kinh tế chậm lại sẽ tác động tới lãi suất toàn cầu

Ông Edward Lee, Chuyên gia kinh tế trưởng khu vực ASEAN và Nam Á, Ngân hàng Standard Chartered cho biết, nền kinh tế toàn cầu vẫn có khả năng tăng trưởng chậm lại trong năm 2023 và đối mặt với một số rủi ro. Nửa cuối năm, kinh tế thế giới dự báo sẽ chạm đáy và bắt đầu phục hồi, dự báo tăng trưởng toàn cầu năm 2023 đạt 2,5% (so với mức dự báo 3,4% năm 2022). Các nền kinh tế chủ chốt đều áp dụng chính sách thắt chặt định lượng với những đợt tăng lãi suất mạnh và việc các chính sách tài chính bị hạn chế sẽ tác động tới tăng trưởng toàn cầu. Hiện tại, khối lượng thương mại toàn cầu đã giảm vào cuối năm ngoái, cho thấy nhu cầu bên ngoài đang chậm lại.

Trước bối cảnh này, việc thực hiện mục tiêu tiếp tục hạ lãi suất trong nước khá khó khăn, nhất là trường hợp nếu FED tăng lãi suất gây tác động làm giá đồng USD tăng thì việc giữ tỷ giá ổn định sẽ lại là một thách thức mới. Bài học đã từng diễn ra trong năm 2022, khi Việt Nam đã giữ lãi suất cố định trong suốt hơn 9 tháng đầu năm, nhưng trước sức ép quá lớn lên tỷ giá, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã buộc phải tăng lãi suất điều hành 2 lần liên tiếp vào tháng 9 và tháng 10/2022.

Mặc dù vậy, một trong những yếu tố thuận lợi hiện tại là tỷ giá đã giữ được sự ổn định trong một thời gian dài và các yếu tố kinh tế vĩ mô cũng vẫn tiếp tục củng cố cho ổn định tỷ giá thời gian tới. Theo Tổng cục Thống kê, cán cân thương mại hàng hóa tháng 2/2023 xuất siêu 2,3 tỷ USD và tính chung hai tháng đầu năm 2023, cán cân thương mại hàng hóa xuất siêu 2,82 tỷ USD (cùng kỳ năm trước nhập siêu 0,3 tỷ USD).

Tuy nhiên, lạm phát sẽ là một trong những yếu tố rất đáng chú ý đối với nền kinh tế trong thời gian tới. Nếu lạm phát tăng trở lại thì NHNN sẽ phải đối mặt với việc phải cân nhắc siết chặt chính sách tiền tệ để kiểm soát lạm phát. Về tình hình thực tế, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 2/2023 tăng 0,45% so với tháng trước. So với tháng 12/2022, CPI tháng 2 tăng 0,97% và so với cùng kỳ năm trước tăng 4,31%. Tốc độ tăng theo năm theo đó cao hơn CPI bình quân cả năm 2022 (tăng 3,15% so với năm 2021).

Hiện tại, con số này cũng chưa cho thấy các yếu tố tăng giá ngoài tầm kiểm soát, nhưng những yếu tố gây lạm phát trong một vài tháng tới có thể vẫn còn, do nguyên vật liệu nhập khẩu thời kỳ tỷ giá cao giai đoạn quý III/2022 có thể tạo ra áp lực cho doanh nghiệp phải nâng giá bán sản phẩm đầu ra để cân đối chi phí./.

Nguồn: https://reatimes.vn/thi-truong-tien-te-se-chiu-ap-luc-moi-neu-fed-tang-lai-suat-20201224000017980.html