22/11/2024 | 05:21 GMT+7, Hà Nội

Thầy giáo Êđê sáng đi dạy, chiều vận động học sinh đến trường

Cập nhật lúc: 20/11/2019, 06:40

“Ngày 20/11, ở nơi buôn làng nghèo người Êđê chúng tôi, giáo viên chỉ nhận được những bông hoa nhựa do học sinh tặng cũng là hạnh phúc lắm rồi...".

“Ngày 20/11, ở nơi buôn làng nghèo người Êđê chúng tôi, giáo viên chỉ nhận được những bông hoa nhựa do học sinh tặng cũng là hạnh phúc lắm rồi. Chúng tôi chỉ ước mong các em không bỏ học, hàng ngày đến trường như các bạn cùng trang lứa”, Thầy Ksor Y Giêng, người dân tộc Êđê, giáo viên Trường Tiểu học và THCS EaLâm (xã EaLâm, huyện Sông Hinh, tỉnh Phú Yên) chia sẻ.

Thầy Ksor Y Giêng – Trường Tiểu học và THCS EaLâm (Sông Hinh, Phú Yên) luôn hết lòng vì học sinh nghèo Êđê.

Ước mơ làm thầy giáo của cậu bé Êđê

Sinh ra và lớn lên tại buôn Krông, một buôn làng nghèo của người Êđê thuộc xã EaBia, huyện Sông Hinh, tỉnh Phú Yên. Từ thuở bé, cậu học trò nghèo Y Giêng đã khát khao được đến trường, được học con chữ để đọc sách báo, tìm hiểu những điều mới mẻ trong vô vàn cuốn sách. Ước mơ cháy bỏng của cậu học trò nghèo đó là được trở thành thầy giáo, mang những kiến thức đã được học để dạy các em học sinh biết chữ, thoát nghèo.

Đã 10 năm qua đứng trên bục giảng, mỗi lúc nhắc lại ước mơ của mình, thầy Y Giêng không khỏi xúc động bởi đã phải vượt qua cuộc hành trình đầy gian nan để mang cái chữ đến với học sinh nghèo ở các buôn làng. "Hồi đi học, mình không học giỏi đâu, nhưng muốn làm thầy giáo lắm. Năm 2009, sau khi học xong Khoa Giáo dục tiểu học, Trường ĐH Sư phạm Quy Nhơn, tôi thật hạnh phúc khi được trở về dạy học tại chính mảnh đất quê nhà. Mặc dù hàng ngày phải vượt hàng chục cây số, nhưng thấy các em học sinh đến lớp, chăm chú học tập là mọi vất vả ấy như tan vào dòng nước suối, hòa vào giữa rừng đại ngàn", thầy Y Giêng tâm sự.

Theo thầy Y Giêng, Trường Tiểu học và THCS EaLâm bây giờ đã khang trang hơn trước, các lớp đều có phòng học riêng. Vì có thêm phòng học nên các thầy cô kèm cặp cho học sinh được nhiều hơn, các em được đến trường nhiều hơn. Suốt chặng đường 10 năm dạy học, thầy Y Giêng cũng không còn nhớ nổi bao nhiêu lần vận động học sinh đi học. Bởi với nhiều em nhà nghèo, bố mẹ chủ yếu đi làm công nhân xa, nên nhận thức về quyền đi học của con em là chưa đầy đủ, hơn nữa các em ở nhà với ông bà, nên nếu đi học ông bà sẽ không có người giúp đỡ việc nhà…

Thậm chí, thầy Y Giêng phải đến nhà để vận động học sinh đi học trở lại vì các em "giận dỗi" bạn trên lớp. Đặc biệt, vào những vụ mùa học sinh nghỉ học, bỏ học rất nhiều, thầy cô phải chờ đến xong buổi làm nương rẫy mới đến tận nhà để vận động học sinh đến trường. Những dịp đó, giáo viên ngoài dạy học trên lớp, chủ yếu là các buổi chiều tối lại tỏa đi các ngả để đến từng nhà các em để vận động, "nịnh" các em đến trường. Bởi nếu không bằng tình thương, lòng kiên trì, nhiều em sẽ bỏ học để làm nương rẫy giúp gia đình.

Luôn hết lòng vì học sinh

Thầy Ksor Y Giêng đến từng nhà để vận động các gia đình cho con đến trường, không bỏ học. Ảnh nhân vật cung cấp

Cũng từng là cậu bé Êđê gặp khó khăn với môn Tiếng Việt, có nhiều lần cô dạy mà học sinh không hiểu… nhất là về chính tả. Từ đó, thầy Y Giêng trăn trở, làm sao để học sinh học tốt môn Tiếng Việt, đặc biệt là khắc phục lỗi chính tả. Điều này thôi thúc Y Giêng có những ý tưởng, biện pháp để giúp học sinh không còn sợ môn Tiếng Việt. Chỗ nào hay nhầm lẫn phải giải thích kỹ, lấy từ đó để hướng dẫn thêm, các em ghi thêm vào vở tự học, mỗi ngày có thêm các từ mới. Nhiều chữ học sinh phân biệt chữ R, chữ Y, dấu hỏi, dấu ngã khó khăn thì phải sửa từng tí một cho học sinh.

Khác với học sinh người Kinh, đa số các em ở đây sử dụng tiếng Việt chưa thành thạo bởi tiếng Việt là ngôn ngữ thứ hai của các em. Vì vậy việc giao tiếp bằng tiếng Việt của các em gặp rất nhiều khó khăn. Thầy Y Giêng cho biết: "Lớp học có vài học sinh người Kinh, nhưng sau 3 năm học lại nói tiếng Êđê rất nhanh, nhưng các bạn người Êđê vẫn còn nói khó khăn trong môn Tiếng Việt. Vốn từ khó khăn, nếu lên cấp 2 thì sẽ rất khó khăn không theo kịp chương trình, bởi vậy giáo viên phải luôn nỗ lực để giúp học sinh vượt qua "nỗi sợ" môn học khó này".

Tự làm góc học tập, có nhiều sách, vở để học sinh đọc, tham khảo thêm. Mỗi tuần tự nguyện dạy thêm kèm cặp các em. Dù nhà ở xa, nhưng hàng ngày thầy Y Giêng vẫn ở lại để cùng học sinh đọc sách, truyện nâng cao khả năng. Thầy Y Giêng đã yêu thương và dốc lòng dạy dỗ, trao truyền cho học sinh về kiến thức, về nghị lực, lòng kiên trì vượt khó. Đặc biệt là thầy có phương pháp dạy học giúp học sinh yếu tiến bộ hơn, vận động thuyết phục học sinh bỏ học quay trở lại trường bằng sự chia sẻ, cảm hóa bằng tình thương. Nhờ vậy, tỉ lệ học sinh bỏ học của trường, của lớp do thầy chủ nhiệm giảm dần, chất lượng học sinh ngày càng nâng lên.

Tâm sự về cuộc sống của mình, thầy Y Giêng cho biết, trong suốt gần 10 năm dạy học, ngoài chăm lo hết mình vì công việc thì họ còn nỗi lo về cuộc sống hàng ngày. Như cách đây hai năm, khi vợ chưa sinh con thứ hai thì vẫn phụ giúp bằng việc trồng mì. Nhưng hai năm nay thì vì chăm con nhỏ nên đời sống gia đình cũng thêm vất vả, vợ không xin được việc nên chỉ ở nhà chăm con. Ngoài việc dạy phải tranh thủ làm rẫy, làm nương trồng cây mì để mong có thu nhập thêm. Nhưng năm nay cuộc sống lại thêm vất vả bởi mì mất mùa và mất giá, gia đình trông chờ vào đồng lương giáo viên. "Hàng ngày đi dạy ở xa, tối về muộn lại phải soạn giáo án… Tôi có mong muốn được chuyển về dạy học ở gần nhà để có thêm thời gian hơn cho gia đình. Nhưng dù ở lại, hay chuyển đi tôi vẫn luôn hết mình với công việc, bởi nghề giáo là niềm vinh dự và tự hào của tôi", thầy Y Giêng tâm sự.

Nói về dịp Kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 năm nay, thầy Y Giêng chia sẻ: "Hàng năm, vào dịp này tôi đều nhận những bông hoa nhựa, mỗi em một bông, vui lắm, bó lại từng bó, dùng để trang trí trong lớp học. Lúc đầu, cũng thấy cũng tủi so với các đồng nghiệp nơi khác, nhưng lại thấy mừng lắm bởi các em còn biết đến ngày tri ân, nói lời cảm ơn đến thầy cô. Vào dịp này, một số học sinh cũ cũng gọi điện, nhắn tin qua điện thoại, Facebook cá nhân để gửi lời chúc mừng ngày 20/11. Với tôi và các đồng nghiệp, được thấy học sinh đến trường, yêu mến thầy cô, bạn bè và thích học tập đó là niềm hạnh phúc lớn nhất".

Lãnh đạo Trường Tiểu học và THCS EaLâm cho biết, nhiều năm học liền, thầy Y Giêng tham gia và đạt danh hiệu Giáo viên dạy giỏi cấp huyện và cấp tỉnh. Năm học 2016 - 2017, thầy Y Giêng dự thi Giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh và đạt 2 giải Nhất. Tháng 11/2017, thầy vinh dự được Bộ trưởng Bộ GD&ĐT tặng Bằng khen về thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua "Đổi mới, sáng tạo trong dạy và học". Trong mắt đồng nghiệp, thầy Y Giêng là người thầy rất hòa đồng, trách nhiệm với công việc, luôn quan tâm, giúp đỡ đồng nghiệp.

Ngày 16/11 vừa qua tại Hà Nội, thầy Y Giêng - giáo viên Trường Tiểu học và THCS EaLâm (huyện Sông Hinh, tỉnh Phú Yên) trở thành một trong 63 thầy cô được vinh danh tại Chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” và vinh dự nhận Bằng khen của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT về những đóng góp trong năm học vừa qua. Đây là những thầy giáo, cô giáo đang trực tiếp giảng dạy tại các trường mầm non, tiểu học và trung học cơ sở ở vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn; các lớp học có trên 50% học sinh là người dân tộc thiểu số đang theo học.