19/01/2025 | 10:38 GMT+7, Hà Nội

Phương pháp giáo dục trẻ từ 4 đến 6 tháng tuổi

Cập nhật lúc: 09/11/2019, 15:00

Dưới đây là những phương pháp giáo dục trẻ từ 4 đến 6 tháng tuổi mà cha mẹ nên chú ý.

Giai đoạn này, trẻ có thể nhìn xa khoảng ba mét. Tay có thể cầm nắm đồ vật một cách có ý thức. Ở độ tuổi này, thay vì để mặc trẻ một mình nằm nhìn đồ chơi xanh đỏ, hãy luôn để trẻ ở gần mẹ hoặc bố của chúng. Có thể cho trẻ ngồi ở cái ghế dành riêng cho trẻ. Với những trẻ mà từ khi còn trong bụng mẹ đã được nghe nhiều câu chuyện của mẹ hoặc bố kể, sau khi sinh khoảng ba tháng là có thể phát tiếng ô, a, ba ba… khoảng một tuổi sẽ bộc lộ là đứa trẻ thông minh lanh lợi hơn hẳn những trẻ cùng tuổi mà lúc trong bụng mẹ không được nghe kể chuyện.

Xúc giác

Hãy kích hoạt khả năng tóm, nắm của bàn tay trẻ. Hãy cho trẻ cầm nắm nhiều đồ vật khác nhau như len, bông, gỗ, vải sa tanh, miếng mút, giấy tissue… chẳng hạn.

Hãy để đồ chơi ở trong tầm với, tóm lấy của trẻ.

Bình thường khi trẻ được 5, 6 tháng thì biết đưa tay ra với đồ vật. Song nếu luyện tập cho trẻ tập cầm, nắm, với từ sớm, đến khoảng 3 tháng tuổi là trẻ đã sử dụng tay rất tốt để làm từng thao tác cầm, nắm, với thành thạo.

Cho trẻ sờ tay vào chậu nước ấm ấm, lại sờ vào chậu nước lạnh, luân phiên nhau. Cũng dạy trẻ xòe bàn tay, nắm bàn tay ở trong nước xem sao.

Ảnh minh họa

Thính giác

Cho trẻ ra công viên, cho trẻ nghe những tiếng động khẽ khàng của thiên nhiên. Nhớ phải nói nhiều về các từ ngữ chỉ đồ vật, hiện tượng, thiên nhiên cho trẻ.

Có hai điểm cần lưu ý khi nói chuyện với trẻ:

- Phải dùng giọng nói từ tốn, diễn cảm, vui vẻ. Cái giọng trầm trầm thấp thấp là không được.

- Dùng cả điệu bộ chân tay để hỏi trẻ, như "Con đói bụng chưa?", "Con muốn đi tè à?", "Con tè dầm ra bỉm rồi à?"… Khi hỏi, với giọng nói diễn cảm, tự nhiên, đó sẽ là giọng nói lôi cuốn trẻ. Trẻ sẽ nhớ một điều, là hỏi thì phải trả lời. Những câu trả lời đầu tiên của trẻ, đó chính là những âm tiếng trẻ phát ra từ cổ họng, nghe như "gừ, gừ" "chà, chà"…

Gọi, nói chuyện vào tai phải của trẻ. Trẻ sơ sinh đến ba tháng tuổi có tai phải nhạy cảm hơn. Vì vậy khoảng bốn tháng tuổi vẫn có thể gọi trẻ từ bên tai phải cũng được.

Khi nói chuyện với trẻ, phải nhìn chăm chú vào mắt trẻ để kí ức của trẻ phát triển dần lên giúp ngôn ngữ và trí nhớ phát triển.

Khi nghe trẻ nói, phải luôn nhìn vào mắt trẻ, chờ đợi câu trả lời của trẻ. Trẻ nói gì liền bắt chước trẻ ngay. Nếu trẻ không thích, cũng không nên bỏ dở. Quan trọng là phải lặp đi lặp lại nhiều lần.

Thị giác

Nên dẫn trẻ tới gần bức tranh, nói chuyện cho trẻ nghe về bức tranh đó. Khi dẫn trẻ đi dạo chơi, nhất thiết phải bằng mọi cách để cho trẻ ghi nhớ càng nhiều ấn tượng về thế giới bên ngoài càng nhiều càng tốt. Vừa hướng con nhìn vào cảnh sắc xung quanh, ta phải vừa nói bằng lời những từ ngữ về cảnh sắc đó. Hoặc là bế trẻ đi dạo trong nhà, nhìn thấy đồ vật gì trong nhà cũng đọc tên đồ vật đó lên, lặp đi lặp lại nhiều lần cho trẻ nghe.

Cũng có thể dẫn trẻ tới gần bảng chữ cái, chỉ vào từng chữ, đọc tên chữ cái, lặp đi lặp lại nhiều lần.

Hãy kiểm tra xem khi bật đèn sáng thì trẻ có nhìn về phía đèn sáng không, để kiểm tra thị lực của trẻ. Phải làm vậy để sớm phát hiện ra những trẻ bị khuyết tật thị giác, có cách xử lí, can thiệp sớm và luyện tập thị giác càng sớm càng tốt.

Soi một ngọn đèn nhỏ vào mắt trẻ, xem trẻ có nhìn thẳng vào tia sáng đó không. Di chuyển vị trí ngọn đèn lúc gần, lúc xa xem trẻ có thể điều chỉnh mắt nhìn theo không.

Vận động

Cho trẻ nằm sấp lên bụng mẹ hoặc bố, để trẻ ngóc đầu dậy được càng lâu càng tốt. Khuyến khích trẻ vận động một cách tích cực ngay cả khi trẻ ở vòng tay hay sự chăm sóc của bố.