18/01/2025 | 20:13 GMT+7, Hà Nội

Thay đổi thói quen kinh doanh dịch vụ ăn uống

Cập nhật lúc: 28/05/2019, 23:04

Sau một năm triển khai, các tuyến phố an toàn thực phẩm (ATTP) đã bước đầu được người dân tin tưởng, giúp người tiêu dùng có thêm một địa chỉ để lựa chọn.

Sau một năm triển khai, các tuyến phố an toàn thực phẩm (ATTP) đã bước đầu được người dân tin tưởng, giúp người tiêu dùng có thêm một địa chỉ để lựa chọn, thưởng thức ẩm thực ở những cửa hàng đáng tin cậy.

Năm 2018, TP Hà Nội đưa vào triển khai mô hình tuyến phố ATTP có kiểm soát tại 8 quận, huyện như: Tuyến phố Duy Tân (quận Cầu Giấy), phố Tô Ngọc Vân (quận Tây Hồ), tuyến phố Tây Sơn (huyện Đan Phượng), phố Thượng Đình (quận Thanh Xuân), tuyến phố Nguyễn Văn Lộc (quận Hà Đông)…

Mục đích của việc đưa vào triển khai tuyến phố kinh doanh dịch vụ ăn uống nhằm góp phần hạn chế xảy ra các vụ ngộ độc thực phẩm, các bệnh lây truyền qua thực phẩm, giúp người dân có địa chỉ sử dụng thực phẩm an toàn, góp phần nâng cao nhận thức trong sản xuất kinh doanh cho người dân.

Bên cạnh đó, việc xây dựng mô hình, đảm bảo ATTP trong kinh doanh, chế biến thực phẩm, đảm bảo sức khỏe cho nhân dân và du khách góp phần xây dựng hình ảnh Thủ đô ngày càng văn minh, thân thiện.

thay doi thoi quen kinh doanh dich vu an uong
Các tuyến phố an toàn thực phẩm sẽ tiếp tục được nhân rộng trên nhiều tuyến phố 

Theo báo cáo của Sở Y tế, nhiều kết quả khả quan đã được ghi nhận như: 94,69% các cơ sở dịch vụ ăn uống tại các quận, huyện thí điểm đã niêm yết công khai giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP hoặc cam kết ATTP và nguồn gốc thực phẩm; 85,5% cơ sở có nguồn gốc thực phẩm rõ ràng, tăng 51,3% so với trước khi can thiệp giám sát; 100% các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố sử dụng nguồn nước sạch.

Sau 1 năm triển khai, mô hình đã có những chuyển biến tích cực trong quản lý ATTP đối với người bán hàng. Thông qua mô hình, kiến thức thực hành của người quản lý, người kinh doanh thực phẩm, người tiêu dùng tăng lên; điều kiện cơ sở vật chất, việc chấp hành các quy định ATTP của chủ cơ sở được cải thiện, nâng cao nhận thức vai trò quản lý của các cấp chính quyền.

Tiêu biểu như mô hình tuyến phố ATTP tại phố Thượng Đình (quận Thanh Xuân) suốt một dãy phố dài nhưng không xuất hiện tình trạng bán hàng rong. Các nhà hàng, cửa hàng ăn uống trên tuyến phố đều khang trang hơn, đạt các tiêu chí về ATTP và văn minh thương mại, các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống ở đây đã được gắn biển cơ sở ATTP có kiểm soát.

Các hướng dẫn về tiêu chí ATTP, nguyên tắc vàng chế biến thực phẩm an toàn… được cơ sở kinh doanh dán công khai giúp người dân nhận biết một cách dễ dàng, yên tâm khi sử dụng thực phẩm tại đây.

Với những hiệu quả đó, trong năm 2019, Sở Y tế Hà Nội dự kiến sẽ thực hiện nhân rộng thêm các tuyến phố dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố đảm bảo ATTP có kiểm soát tại quận, huyện khác trên địa bàn Hà Nội song song với việc duy trì tốt các tuyến phố ATTP có kiểm soát và tiếp tục tăng cường quản lý có hiệu quả dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố tại các xã, phường.

GĐ Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Khắc Hiền cho biết, để triển khai thành công mô hình an toàn thực phẩm có kiểm soát, năm 2019, cùng với sự vào cuộc quyết liệt của địa phương, công tác tuyên truyền, vận động cần được đẩy mạnh, thu hút sự tham gia của người dân.

Cán bộ y tế ngoài việc nắm chắc quy định phải kiên trì, có kỹ năng tư vấn, hướng dẫn thuyết phục chủ cơ sở cải tạo, sửa chữa bố trí nơi chế biến đảm bảo điều kiện an toàn thực phẩm và phù hợp với không gian cơ sở. Công tác thanh, kiểm tra phải được đẩy mạnh, thường xuyên, liên tục hơn, xử lý nghiêm đối với cơ sở vi phạm để làm gương.

Nguồn: https://phapluatxahoi.vn/thay-doi-thoi-quen-kinh-doanh-dich-vu-an-uong-149714.html