25/11/2024 | 15:45 GMT+7, Hà Nội

Thành phố vì hòa bình - điểm đến của du khách bốn phương

Cập nhật lúc: 29/06/2019, 11:23

Năm 2019, tròn 20 năm thủ đô Hà Nội được UNESCO vinh danh là “Thành phố vì hòa bình” và khi đó, Hà Nội là TP duy nhất của cả châu Á - Thái Bình Dương được UNESCO trao danh hiệu này.

Thủ đô hòa bình, thân thiện và an toàn tuyệt đối

Trải qua hơn 2 thập kỷ, Hà Nội hiện nay vừa phát huy được những giá trị văn hóa truyền thống, đồng thời trở thành một trung tâm kết nối các giá trị toàn cầu, là nơi trao đổi các sáng kiến khu vực và quốc tế, vì nền hòa bình, ổn định và phát triển. Được UNESCO trao tặng danh hiệu “Thành phố vì hòa bình” vào năm 1999. Cho đến nay, Thủ đô Hà Nội đã và vẫn đang phấn đấu không ngừng, tiếp tục xây dựng, phát triển để phát huy giá trị của danh hiệu này. Hà Nội từng được báo chí quốc tế nhắc đến như một nơi đặc biệt an toàn và hấp dẫn du khách bởi bề dày lịch sử hơn nghìn năm tuổi, với những cảnh quan kiến trúc độc đáo, di sản văn hóa phong phú.

Theo Trưởng đại diện Văn phòng UNESCO tại Việt Nam ông Michael Croft, khi nói về kết quả ấn tượng nhất mà Hà Nội đã làm được trong 20 năm qua đã đánh giá: “Tôi cho rằng, kết quả ấn tượng nhất đối với “Thành phố vì hòa bình” là sự thân thiện, hiếu khách của người dân đối với du khách thập phương. Được đi dạo trên đường phố là một niềm vui, với rất nhiều điểm tham quan hấp dẫn, trải nghiệm nét đẹp văn hóa, nghệ thuật. Điều đó đúng, nhưng điều này phải được đặt trong bối cảnh văn hóa hòa bình sẽ là một điều rất đặc biệt”. Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ-Triều lần 2 diễn ra vào đúng dịp kỉ niệm 20 năm Hà Nội nhận danh hiệu “Thành phố vì hòa bình”. Đây là cơ hội để Hà Nội quảng bá hình ảnh một Thủ đô yêu chuộng hòa bình, thân thiện, có nền văn hiến lâu đời và nhiều tiềm năng để hợp tác phát triển.

Ông Michael Croft cho rằng, liên quan đến sự kiện này, những người ưa chuộng hòa bình đều rất hài lòng khi hai nước đang tham gia vào một cuộc đối thoại, vượt qua sự khác biệt của họ thông qua đàm phán. “Chúng ta đều biết rằng Việt Nam có khả năng tổ chức một sự kiện lớn như vậy. Lý do khiến Hà Nội trở thành sự lựa chọn của sự kiện lớn này bởi đất nước Việt Nam đại diện cho hòa bình, thân thiện và an toàn tuyệt đối cho người dân và mọi người đến thăm”, ông Michael Croft nói. Bên cạnh bảo tồn nét đẹp văn hóa, TP tập trung phát triển kinh tế bền vững. UNESCO tin rằng đây là cách để TP duy trì sự tăng trưởng, thu hút nhân tài cho TP, cung cấp việc làm cho thanh niên…

Một sự kiện khác đã được diễn ra vào ngày 20-3, khi UBND TP Hà Nội và Cty Việt Nam Grand Prix (thuộc Tập đoàn Vingroup) tổ chức khởi công đường đua xe Công thức 1 Hà Nội (F1 Hà Nội) tại quận Nam Từ Liêm, phục vụ cho Giải đua xe Công thức 1 vào tháng 4-2020. Chủ tịch UBND TP Nguyễn Ðức Chung khẳng định: “Sức hấp dẫn của sự kiện sẽ góp phần quảng bá hình ảnh văn hóa, hình ảnh về đất nước, con người Việt Nam và Thủ đô Hà Nội - Thành phố vì hòa bình ra thế giới. Từ đó tạo tiền đề thu hút đầu tư, du lịch, chuyển giao công nghệ mới”. Sự kiện khởi công xây dựng đường đua xe Công thức 1 diễn ra chỉ ít ngày sau khi Hà Nội tổ chức thành công Hội nghị cấp cao Hoa Kỳ - Triều Tiên lần hai. Hội nghị thu hút sự quan tâm của toàn thế giới, với hàng nghìn nhà báo đến từ hàng trăm hãng thông tấn.

TP Hà Nội đã tận dụng cơ hội hiếm có này để quảng bá những nét đẹp văn hóa, tiềm năng du lịch Thủ đô thông qua việc chỉnh trang đường phố, mời các nhà báo thưởng thức những đặc sản ẩm thực, hỗ trợ phương tiện đi lại và tặng một số tua tham quan miễn phí. Ngay trong thời gian diễn ra hội nghị, những hình ảnh về Thủ đô Hà Nội thân thiện, hòa bình, giàu truyền thống văn hóa đã được truyền đi khắp thế giới. Tiếp đó, các hãng thông tấn, báo chí đã đến những địa chỉ du lịch nổi tiếng của Hà Nội như: hồ Hoàn Kiếm, Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Nhà tù Hỏa Lò... để làm phim phóng sự về văn hóa, con người Hà Nội. Theo các chuyên gia trong lĩnh vực du lịch, Hội nghị cấp cao Hoa Kỳ - Triều Tiên lần hai góp phần tạo ra làn sóng khách du lịch đến Việt Nam.

thanh pho vi hoa binh diem den cua du khach bon phuong
Hà Nội là nơi diễn ra nhiều sự kiện quốc tế quan trọng và cũng là nơi luôn hấp dẫn du khách bởi những nét riêng vốn có của một Thủ đô cổ kính, của một thành phố vì hòa bình.

Điểm đến hấp dẫn

Với 3.840 di tích trên tổng số gần 40.000 di tích Việt Nam, Hà Nội hiện là TP sở hữu nhiều danh hiệu UNESCO nhất ở Việt Nam. Chính vì vậy mà Hà Nội có thế mạnh và đủ điều kiện để phát triển du lịch văn hóa, tâm linh và là nơi diễn ra nhiều hội thảo, hội nghị, sự kiện quốc tế quan trọng, trong đó có nhiều sự kiện gắn với du lịch. Hà Nội có nhiều di tích lịch sử nổi tiếng như khu phố cổ, Tháp Rùa nằm giữa hồ Hoàn Kiếm, Ô Quan Chưởng, Thành Cổ Loa, Thăng long tứ trấn, Văn Miếu - Quốc Tử Giám, làng gốm cổ truyền Bát Tràng, Hỏa Lò; có nhiều đền, chùa nổi tiếng hấp dẫn du khách như chùa Một Cột, Chùa Quán Sứ, chùa Trấn Quốc, chùa Non Nước, chùa Hương, Phủ Tây Hồ, đền Bạch Mã,...Và có lẽ những điểm đến không thể thiếu được đối với du khách nước ngoài chính là hệ thống nhà thờ cổ kính mang nét đẹp nguyên sơ như Nhà thờ Lớn Hà Nội, Nhà thờ Cửa Bắc, Nhà thờ Hàm Long, Nhà thờ Giáp Bát, Nhà thờ Tin lành, Nhà thờ Hồi Giáo Thánh đường Jamia Al Noor …

Có lẽ, những điểm đến ấy chưa đủ để thu hút tình cảm của du khách đến với Hà Nội nhiều đến thế. Không chỉ có du khách trong nước mà du khách quốc tế đến Hà Nội đều không thể quên những nét ẩm thực, lễ hội có một không hai trên thế giới. Rồi, Hà Nội không chỉ “gây thương nhớ” bởi những không gian cảnh sắc hữu tình, những món ăn đậm đà độc đáo mà còn gây ấn tượng bởi những lễ hội đặc sắc. Những lễ hội ở Hà Nội thường mang đậm sắc màu văn hóa vùng đồng bằng sông Hồng và gắn liền với nhiều câu chuyện lịch sử thú vị, vì vậy mới tạo nên sức hút đặc biệt với du khách đến với TP này.

Ðến nay, Hà Nội có 3.500 cơ sở lưu trú du lịch, với gần 61 nghìn buồng, phòng, trong đó, có 67 khách sạn từ ba đến năm sao, tổng số 10 nghìn buồng và bảy khu căn hộ du lịch cao cấp, với 1.350 phòng. Ðể đáp ứng lượng khách tăng nhanh, riêng giai đoạn 2019 - 2020, TP sẽ hoàn thành 31 dự án khách sạn, khu nhà ở có căn hộ cao cấp cho thuê như: Dự án tổ hợp khách sạn - văn phòng số 1 phố Bà Triệu, khách sạn Mỹ Ðình Pearl, khách sạn, căn hộ cho thuê tại số 51 phố Xuân Diệu (quận Tây Hồ)... Khi đó, TP sẽ có thêm khoảng 7.000 buồng, phòng được đưa vào khai thác. Ngoài ra, còn nhiều dịch vụ lưu trú khác phát triển như căn hộ cho thuê của người dân, homestay... về cơ bản sẽ đáp ứng được nhu cầu của khách.

Ðối với kế hoạch đầu tư xây dựng thêm các sản phẩm du lịch mới, nâng cấp sản phẩm du lịch sẵn có, TP đã triển khai những dự án tầm cỡ quốc tế như: Trung tâm Triển lãm quốc gia (huyện Ðông Anh), Công viên Kim Quy (huyện Ðông Anh), Công viên chủ đề Hello Kitty (quận Tây Hồ)... Song song với đó, từ năm 2016 đến nay, Sở Du lịch đã làm việc với hầu hết các quận, huyện để xác định mỗi quận, huyện tập trung xây dựng một số sản phẩm du lịch chủ lực. Ông Trần Đức Hải, GĐ Sở Du lịch Hà Nội cho biết: “Từ sự phối hợp này, nhiều quận, huyện đã cho ra đời một số sản phẩm du lịch mới, hoặc một số dự án đang trong quá trình triển khai, hoàn thiện. Quận Tây Hồ đang khai thác hiệu quả Không gian biểu diễn nghệ thuật, ẩm thực đường phố quận Tây Hồ (trên phố đi bộ Trịnh Công Sơn), điểm du lịch thưởng thức trà sen Quảng An; hiện tiếp tục xây dựng điểm du lịch “Cụm di tích đình, chùa Võng Thị và mô hình làng nghề sản xuất giấy dó”. Huyện Thường Tín với hoạt động du lịch ở làng nghề sơn mài Hạ Thái, làng nghề sinh vật cảnh Hồng Vân...”.

Trong lĩnh vực làng nghề, TP tập trung xây dựng quy hoạch phát triển làng nghề gắn với hoạt động du lịch tại làng nghề Bát Tràng (huyện Gia Lâm) và làng nghề Vạn Phúc (quận Hà Ðông). Hai làng nghề này từ lâu đã thu hút lượng lớn khách du lịch, nay được đầu tư một cách đồng bộ hạ tầng giao thông, hạ tầng du lịch, hệ thống biển chỉ dẫn, xây dựng khu trung tâm giới thiệu làng nghề, xây dựng các hoạt động trải nghiệm cho khách tham quan, bồi dưỡng kiến thức làm du lịch cho người dân địa phương… Dự kiến, khi triển khai, đây sẽ là những khu du lịch có quy mô quốc tế, nâng cao khả năng thu hút cũng như năng lực đón khách. Bên cạnh đó, với việc du lịch là lĩnh vực có tiềm năng ứng dụng công nghệ rất cao để quảng bá cũng như đáp ứng nhu cầu của khách, Hà Nội đã triển khai một số ứng dụng như: Cổng thông tin du lịch Hà Nội (https://sodulich.hanoi.gov.vn), phần mềm hướng dẫn tham quan Hoàng thành Thăng Long, khu Phố cổ...

Với mục tiêu trở thành ngành kinh tế mũi nhọn vào năm 2020, du lịch Hà Nội đang ngày một phát triển đồng bộ, hiện đại; sản phẩm du lịch chất lượng cao, đa dạng, có thương hiệu, có sức cạnh tranh; mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc, thân thiện với môi trường; trở thành điểm đến hấp dẫn, có đẳng cấp và xứng đáng là trung tâm du lịch của khu vực và cả nước. Sắp tới đây, Hà Nội sẽ đón một sự kiện quốc tế quan trọng, là tâm điểm của truyền thông thế giới. Đó là sự ghi nhận của quốc tế về một TP vì hòa bình, qua đó tăng cường quan hệ hữu nghị, hợp tác quốc tế của Hà Nội với các nước về kinh tế, thương mại, đầu tư, văn hóa, dịch vụ… Sau 20 năm, du lịch Hà Nội có bước tiến rất lớn, đạt nhiều thành tựu quan trọng. Mặc dù còn rất nhiều việc phải làm, nhưng so với những tiêu chí của UNESCO, du lịch Hà Nội đã thực hiện tốt, góp phần làm nên những kết quả xứng đáng với danh hiệu “Thành phố vì Hòa bình”.

Nguồn: https://phapluatxahoi.vn/thanh-pho-vi-hoa-binh-diem-den-cua-du-khach-bon-phuong-153594.html