23/11/2024 | 12:22 GMT+7, Hà Nội

Thành phố Hà Nội triển khai nhiều biện pháp giảm thiểu chất thải nhựa

Cập nhật lúc: 12/11/2019, 14:00

Theo ước tính, nếu trung bình khoảng 10% lượng chất thải nhựa và túi nilon không được tái sử dụng mà thải bỏ hoàn toàn thì lượng chất thải nhựa và túi nilon thải bỏ xấp xỉ khoảng 2,5 triệu tấn/năm.

Thống kê từ Bộ TN&MT, trung bình mỗi ngày trên địa bàn TP Hà Nội có 4.000- 5.000 tấn rác được thải ra, trong đó có khoảng 80 tấn rác thải nhựa và túi nilon. Mức tiêu thụ nhựa bình quân ở Việt Nam đã tăng từ 3,8kg/người năm 1990 lên trên 41kg/người năm 2015. Lượng chất thải nhựa và túi ni lông của cả nước chiếm khoảng 8 - 12% trong chất thải rắn sinh hoạt.

Nguyên nhân dẫn đến việc tiêu thụ chất thải nhựa nhiều ở Việt Nam là do các sản phẩm từ nhựa có giá thành rẻ, tiện lợi dễ sử dụng cộng thêm thói quen của con người là thải bỏ sau một lần sử dụng. Hiện nay, lĩnh vực tái chế chất thải nhựa ở Việt Nam chưa phát triển, công nghệ còn lạc hậu, lỗi thời, cùng với tỷ lệ phân loại rác tại nguồn chưa cao dẫn đến chi phí cao nhưng chưa đạt được hiệu quả xử lý ô nhiễm theo đúng quy chuẩn. Bên cạnh đó, nhận thức của mỗi người dân trong việc sử dụng các sản phẩm từ nhựa còn kém, chưa có thói quen phân loại rác từ gia đình.

Rác thải nhựa đang là mối đe doạ nghiêm trọng tới sức khoẻ và môi trường. Ảnh minh họa

Theo bà Lưu Thị Thanh Chi- Chi Cục phó Chi cục Bảo vệ môi trường Hà Nội, rác thải nhựa đang từng ngày, từng giờ tác động tiêu cực đến hệ sinh thái, môi trường sống, sức khỏe của con người và sự phát triển bền vững của quốc gia. Việc khắc phục ô nhiễm rác thải nhựa đang trở thành một trong những vấn đề cấp thiết, đòi hỏi có sự chung tay, cam kết mạnh mẽ của các ngành, các cấp, các tỉnh, TP và DN trong khu vực để giảm thiểu vấn nạn này.

Nhằm nâng cao nhận thức của người dân, hạn chế sử dụng các sản phẩm nhựa dùng 1 lần, Sở TN&MT TP Hà Nội đã tiến hành giới thiệu 9 cách để giảm sử dụng nhựa trong cuộc sống như: mang theo túi đựng khi đi mua sắm, mang theo bình đựng nước dùng lại, dùng ly cá nhân thay ly nhựa, dùng hộp chứa dùng lại để đựng thức ăn, không dùng ống hút, dao, thìa, nĩa dùng 1 lần, không dùng túi nilon…

Bên cạnh đó, thực hiện lời phát động của Thủ tướng Chính phủ và Bộ TN&MT, từ năm 2018 Hà Nội đã ban hành 3 văn bản về chất thải nhựa, trong đó có 2 Kế hoạch, điều đó chứng tỏ sự cam kết và quan tâm mạnh mẽ của chính quyền TP trong việc giảm thiểu sử dụng chất thải nhựa.

Cụ thể, ngày 31-10-2018, UBND TP Hà Nội ban hành Kế hoạch số 206/KH-UBND về việc hành động thực hiện Chương trình sản xuất và tiêu dùng bền vững TP Hà Nội giai đoạn đến năm 2020 trong đó có nhiều nội dung liên quan đến việc giảm sử dụng nhựa trong các hoạt động sản xuất, tiêu dùng của TP.

Bên cạnh đó, ngày 19-8-2019, TP Hà Nội đã thể hiện một cam kết rất mạnh mẽ nói không với chất thải nhựa thông qua ban hành Văn bản số 3549/UBND-ĐT, trong đó TP Hà Nội đã đưa ra hướng dẫn rất cụ thể cho tất cả các Sở, ngành, cơ quan chính quyền, BV, trường học trên địa bàn TP thực hiện nghiêm túc về chất thải nhựa. Trong các cuộc họp không sử dụng chai nhựa hay trong các hoạt động mua sắm, vận chuyển hàng hoá không sử dụng túi nilon. UBND TP Hà Nội cũng yêu cầu Sở tài chính cắt các khoản kinh phí sử dụng mua chai nhựa hoặc những đồ nhựa và túi nilon trong các hoạt động kinh doanh, sản xuất và quản lý của TP.

Ngày 25-10-2019, UBND TP Hà Nội ban hành Kế hoạch số 232/KH-UBND về phòng, chống rác thải nhựa và túi ni lông đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025 trên địa bàn TP Hà Nội. Theo đó, TP Hà Nội đã ban hành KH rất tổng thể về phòng chống chất thải nhựa trong đó có những nghiên cứu khoa học chi tiết cũng như các đánh giá để từ đó xây dựng nên những giải pháp cụ thể cho TP.

Bên cạnh việc ra những văn bản quy định cụ thể về việc phòng chống tác hại của rác thải nhựa của UBND TP Hà Nội. Sở TN&MT cũng đã phối họp với Sở GD&ĐT và các đơn vị liên quan thực hiện Chương trình thu gom vỏ hộp sữa tại các trường mầm non và Tiểu học trên địa bàn TP trong năm học 2019-2020. Tính đến nay đã có 637 trường học tại 16 quận, huyện, thị xã trên địa bàn TP và đang tiếp tục nhân rộng trên toàn địa bàn TP. Dự kiến đến đầu năm 2020 sẽ có khoảng trên 1.000 trường học đăng ký tự nguyện tham gia Chương trình.

Bà Lê Thanh Thủy – Trưởng phòng Quản lý dự án và truyền thông (Chi cục Bảo vệ môi trường Hà Nội) cho biết, Sở TN&MT cũng đang đồng hành cùng các tổ chức cộng đồng như Live&Learn, Green ID, NHC… để đưa thông tin lên các trang MXH cũng như tiến hành các chương trình truyền thông để nâng cao nhận thức, đặc biệt về sức khoẻ để người dân quan tâm đến vấn đề sức khoẻ của mình để từ đó từ bỏ thói quen và có những giải pháp phù hợp cho các hoạt động hàng ngày của mình.