19/01/2025 | 02:40 GMT+7, Hà Nội

Ống hút thay thế ống hút nhựa – Bảo vệ môi trường hay vấn đề tâm lý?

Cập nhật lúc: 25/10/2019, 07:15

Những con số không "nằm im" của ống hút nhựa

Một trong số những đồ nhựa dùng một lần thải ra môi trường nhiều nhất là ống hút bằng nhựa. Ống hút nhựa như là vật dụng quen thuộc đến hiển nhiên ở các quán cà phê, trà sữa, nhà hàng, các tiệm đồ uống,…

Nhu cầu ăn uống của người tiêu dùng ngày càng phình to thì hộp xốp, ống hút lại càng tăng số lượng sản xuất. Hàng triệu chiếc ống hút dùng trong vài phút xả thải ra môi trường. Chỉ riêng ở Mỹ, một ước tính cho thấy 500 triệu ống hút nhựa được sử dụng chỉ trong một ngày. Ống hút thải ra từ nước Mỹ trong 1 ngày đủ để nối dài vòng quanh thế giới đến 2,5 vòng.

Ống hút được tìm thấy trong một lần dọn dẹp đại dương

Lượng ống hút thải ra trên toàn thế giới thậm chí còn kinh hoàng hơn. Hiệp hội Nghiên cứu biển Hoa Kỳ thực hiện một nghiên cứu năm 2018 và ước tính có tới 8,3 tỉ ống hút nhựa đang làm ô nhiễm các bãi biển trên toàn thế giới.

Ống hút ban đầu được sản xuất từ nhựa Polystyrenen – một loại nhựa có thể gây độc cho hệ thần kinh nếu lẫn vào thức ăn và đồ uống. Nó thường được sử dụng sản xuất thùng xốp hoặc cốc nhựa, dụng cụ bằng nhựa có màu đỏ. Polystyrenen thường dễ phân rã vì vậy vật liệu này rất hiếm khi được tái chế.

Một số ống hút khác được sản xuất bằng Polypropylen hoặc Polyetylen, những vật liệu này ít gây lại hơn Polystyrenen. Nhưng chúng vẫn được dùng sản xuất dầu thô, và có tác động tiêu cực cho cả sức khỏe lẫn môi trường.

Theo trang Earth911, dù ống hút nhựa có thể tái chế cũng không có chương trình tái chế nào ở Mỹ chấp nhận bất kỳ loại ống hút nào vì nó có thể làm nhiễm bẩn dòng tái chế và gây nhiễu thiết bị. Kết quả là, gần như hàng triệu triệu ống hút một lần đều nằm yên trong bãi rác.

Không giống như các loại rác, nhựa không thể phân hủy sinh học. Thay vào đó, dưới ánh mặt trời, sẽ vỡ vụn thành những mảnh nhỏ không bao giờ thực sự biến mất. Những mảnh này bị chìm xuống đại dương chui tọt vào bụng sinh vật biển. Hơn 100.000 động vật biển có vú và 1.000.000 con chim biển chết mỗi năm do ăn phải hoặc bị vướng vào nhựa. Vật liệu này không chỉ nguy hiểm đối với sinh vật biển mà còn có thể chuyển hóa chất độc hại vào chuỗi thức ăn, gây hậu quả nghiêm trọng cho sức khỏe con người.

Hoặc nó cũng bị dòng hải lưu cuốn trôi, hạ cánh trong những cơn lốc xoáy được gọi là con quay đại dương và không thể dọn sạch. Bắc Thái Bình Dương giữa bờ biển California và Hawaii là nơi có bãi rác đại dương lớn nhất thế giới. Khối nhựa trôi nổi này hiện được báo cáo là gấp ba lần diện tích nước Pháp, và ước tính 1,8 nghìn tỷ mảnh nhựa nặng gần 90.000 tấn hiện đang trôi nổi ở khu vực này. Các nhà nghiên cứu cũng đã phát hiện ra hai khu vực ô nhiễm nhựa đồ sộ hơn, một khu vực ở Nam Thái Bình Dương, khu vực còn lại ở Bắc Đại Tây Dương.

Các loại ống hút thay thế ống hút nhựa chưa chắc đã tốt

Mặc dù có thể khó loại bỏ hoàn toàn nhựa do thói quen hàng ngày, nhưng cũng có những biện pháp giảm tiêu thụ nhựa và chất thải.

Hiện nay, không chỉ Việt Nam mà trên toàn thế giới đang có chiến dịch chống lại đồ nhựa dùng một lần để giảm thiểu tác động của môi trường. Các nhãn hàng đồ uống trong nước cũng không nằm ngoài xu thế. Chưa bao giờ phong trào ống hút thay thế nở rộ như bây giờ.

Thương hiệu trà sữa Phúc Long chuyển sang ống hút giấy, Four Springs Tea House chuyển sang dùng ống hút tre, Sente dùng ống hút cỏ, Loading T dùng ống hút inox...

Ống hút cỏ, tre... giải quyết được vấn đề môi trường nhưng lại vướng đến vấn đề an toàn thực phẩm.

Thời gian qua cũng đã xuất hiện các công ty sản xuất theo xu hướng này như Bamboo Space, Mão Mèo chuyên sản xuất ống hút từ tre, trúc, nứa; Green Bee sản xuất ống hút giấy; Công ty Hùng Hậu sản xuất ống hút từ bột gạo, rau củ… Tuy nhiên, điều quan trọng là ống hút bằng giấy, kim loại, cây cỏ có thể thay thế ống hút nhựa triệt để không khi còn rất nhiều vấn đề về vệ sinh và quy trình sản xuất xung quanh nó?

Dưới góc nhìn của PGS.TS. Nguyễn Duy Thịnh, Viện Công nghệ Sinh học và Thực phẩm - Đại học Bách Khoa Hà Nội thì các loại ống hút thay thế ống hút nhựa chưa chắc đã tốt. Nó chỉ có ưu điểm là dễ phân hủy, còn lại hầu như tạo ra tâm lý cho người dùng là không ảnh hưởng đến môi trường.

“Người ta đưa ra sáng kiến dùng ống nhựa bằng tre nhưng cũng rất bất cập khi ống tre thực sự rất khó làm và không mềm như ống hút nhựa. Ống hút làm bằng tre cũng khó gắn vào các loại đồ uống có sẵn. Có một điều hiện nay tôi chưa hiểu được là làm ống hút tre thì người ta có cho chất gì vào ngâm để nó sạch được. Vì ống tre để lâu bị mốc thì lại quá bẩn.

Các loại ống hút thay thế chỉ giải quyết được vấn đề về môi trường, vấn đề vệ sinh thì chưa chắc đã giải quyết được.

Cũng giống như tre, ống hút từ cỏ cũng rất dễ bị mốc, lại phải dùng chất ngâm tẩm chống mốc, vậy là lại có hóa chất vào ảnh hưởng sức khỏe. Chưa nói đến việc chưa chắc đã tẩy rửa được vì nó là cây cỏ tự nhiên. Ống hút cỏ chỉ có thể làm sạch bên ngoài, rất khó để làm sạch bên trong, thậm chí là không thể. Hơn nữa, để cung ứng được hàng vạn ống thì cỏ đâu cho lại, đặc biệt là ống to ống bé ống mẹ ống con làm sao mà đồng đều nhất loạt được.

Ống hút bã mía nếu như đảm bảo quy trình sản xuất, đảm bảo được vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm thì rất tốt vì nó có thể phân hủy sinh học và không hại gì đến môi trường lẫn sức khỏe.

Loại ống hút inox là bài toán kinh tế nhất vì có thể dùng đi dùng lại nhiều lần nhưng để vệ sinh và làm sạch cũng khó không kém. Lấy cái gì để làm sạch trong lòng, chỉ có thể rửa bên ngoài được. Nhà hàng người ta cũng không có nhiều thời gian để cọ rửa trong lòng từng chiếc một.

Còn đối với loại ống hút giấy đang được một số nhãn hàng lớn chọn lựa thay thế ống hút nhựa gần đây, PGS.TS Phùng Chí Sỹ - Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam cũng cho rằng, nó không phải là giải pháp triệt để. “Các loại ống hút mà làm từ giấy thì chắc chắn là không tốt. Ống hút bằng tinh bột tan ra ăn vào người còn được chứ còn các loại sợi giấy, cỏ, gỗ vào trong ruột cũng không tốt dù nó cũng là phân hủy sinh học khi ra môi trường.

Giấy để sử dụng cho thực phẩm có rất nhiều loại như khăn tay, bao bì, sách vở,… nhưng không ai khuyến cáo ăn những cái đó. Ống hút giấy sản xuất như thế nào, công nghệ ra sao cũng không thể biết được. Để giấy có thể cứng, không thấm nước thì cũng phải dùng hóa chất. Còn nếu giấy làm từ tre nguyên bản thì không thể ép ra thành ống”

Ống hút giấy đang được nhiều nhãn hàng chọn lựa

Đối với việc này, luật thuế bảo vệ môi trường cũng đã chỉ rõ là đánh thuế trên loại đồ nhựa dùng một lần là túi nilong để người tiêu dùng có ý thức hơn với môi trường sinh thái. Ông Sỹ tỏ quan điểm, ống hút nhựa cũng là một đối tượng nên đánh thuế vì nó bị xả ra môi trường rất nhiều mà không ai nhặt, không ai tái chế được.

PGS. TS Sỹ cũng cho rằng, mục tiêu người ta chống là chống thải ra môi trường các loại sản phẩm nhựa dùng một lần chứ không phải là chống nhựa, bởi vì nhựa là một sản phẩm rất tuyệt vời trong cuộc sống, có giá thành rẻ và dễ dùng. Mọi người nên có ý thức để hạn chế đồ nhựa dùng một lần hơn là tẩy chay nó.

Thanh Vân
Mộc Anh