22/11/2024 | 11:27 GMT+7, Hà Nội

Thanh Hóa: Đẩy mạnh tiêu dùng hàng Việt Nam trên nhiều kênh phân phối

Cập nhật lúc: 10/07/2020, 07:15

Bằng cách tăng cường hợp tác thương mại, xúc tiến và kết nối doanh nghiệp trong và ngoài nước, tỉnh Thanh Hóa đạt được kết quả lớn trong việc ưu tiên người Việt dùng hàng Việt và đưa hàng Việt ra thị trường quốc tế.

Theo thông tin của Ban chỉ đạo cuộc vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam tỉnh Thanh Hóa, hiện nay, có khoảng 80% người tiêu dùng Thanh Hóa ưu tiên lựa chọn hàng hóa trong nước sản xuất, tăng 14% so với năm 2014.

Hiện nay hệ thống tiêu dùng hàng hóa trên địa bàn tỉnh đã phát triển khá toàn diện với 398 chợ, 30 siêu thị; trong đó, có 18 siêu thị đã được công nhận và 4 trung tâm thương mại. Các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa còn phát triển mạng lưới các cửa hàng, đại lý vươn tới các địa phương, vùng sâu, vùng xa. Hệ thống kênh phân phối hàng hóa với nguồn hàng Việt chiếm tới 80%; trong đó, tại kênh phân phối siêu thị, cửa hàng tiện lợi là 90%, đã giúp người tiêu dùng trên địa bàn từ thành thị tới nông thôn, miền núi dễ dàng tiếp cận, mua sắm hàng hóa trong nước.

Ảnh minh họa

Để tạo cơ hội cho doanh nghiệp quảng bá sản phẩm tới người tiêu dùng, tỉnh Thanh Hóa đã thường xuyên tổ chức các hội chợ, hội nghị kết nối cung cầu, hỗ trợ tiêu thụ nông sản cho các doanh nghiệp, các hợp tác xã trên địa bàn. Mỗi năm, các doanh nghiệp tổ chức hàng nghìn chương trình khuyến mãi dưới nhiều hình thức, như giảm giá, mua hàng tặng quà...

Công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, xử phạt các hành vi vi phạm, gian lận trong hoạt động kinh doanh được cục Quản lý thị trường tỉnh Thanh Hóa tăng cường. Ngoài tổ chức các đợt kiểm tra định kỳ hoặc theo chuyên đề, nhóm sản phẩm, các lực lượng công an, quản lý thị trường, hải quan... cũng thường xuyên trinh sát, nhằm phát hiện, xử lý các tổ chức, cá nhân vi phạm nhằm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và tạo điều kiện thuận lợi cho lưu thông, tiêu dùng hàng Việt.

Đồng thời, để triển khai có hiệu quả Quyết định số 1797/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về Đề án “Huy động người Việt Nam ở nước ngoài tham gia giới thiệu, tiêu thụ sản phẩm và phát triển các kênh phân phối hàng Việt Nam ở nước ngoài giai đoạn 2020-2024”, tỉnh Thanh Hóa đang rà soát, nắm bắt tình hình người Việt Nam ở nước ngoài, các doanh nghiệp, kiều bào Thanh Hóa tại các nước đang có xu hướng đầu tư phát triển về quê hương để tuyên truyền đường lối, chính sách của Chính phủ về khuyến khích sản xuất, tiêu thụ hàng Việt Nam; giới thiệu, quảng bá sản phẩm của Việt Nam, của tỉnh với bạn bè quốc tế; phối hợp với các cơ quan đại diện của Việt Nam tại nước ngoài, Hiệp hội Doanh nhân người Việt Nam tại các nước tăng cường hợp tác thương mại, xúc tiến và kết nối DN tham gia các tuần lễ hàng Việt Nam, hội chợ thương mại...

Mặt khác, tiếp tục nâng cao hiệu quả của cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” và chủ trương “Người Thanh Hóa ưu tiên dùng hàng Thanh Hóa”, Ban chỉ đạo cuộc vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam tỉnh Thanh Hóa đề nghị các cấp ủy đảng, chính quyền tiếp tục quan tâm, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trong tỉnh thử nghiệm, thực hiện nhiều đề tài khoa học, phát minh, sáng chế, cải tiến kỹ thuật, tăng chất lượng, giảm giá thành, đa dạng mẫu mã các sản phẩm hàng Việt.

Từ đó, nâng cao sức cạnh tranh của hàng hóa sản xuất trong nước, trong tỉnh trên thương trường, đủ sức cạnh tranh với các mặt hàng ngoại nhập. Quan tâm khôi phục, phát triển các ngành nghề truyền thống; triển khai tốt chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”. Trong đó, tập trung vào 6 nhóm sản phẩm là lợi thế của tỉnh, như: Thực phẩm, đồ uống, thảo dược, vải và may mặc, lưu niệm - nội thất - trang trí, dịch vụ du lịch nông thôn - bán hàng.

Thanh Hóa là một tỉnh được đánh giá có nhiều lợi thế trong việc đầu tư, phát triển các sản phẩm tiêu dùng. Ngoài sự đa dạng nguồn nguyên liệu và dồi dào lao động, đây cũng chính là một thị trường tiêu thụ rộng lớn. Để tối ưu hóa những tiềm năng này, tỉnh cần tiếp tục xây dựng những cơ chế ưu đãi đầu tư tốt, nhất là trong lĩnh vực chế biến nông, lâm, thủy sản, dệt may.

Trong đó, có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp kiều bào trong quá trình phát triển các kênh phân phối hàng Việt Nam ở nước ngoài. Đồng thời, tạo thuận lợi cho trao đổi hàng hóa giữa thương nhân các quốc gia. Đây vừa là giải pháp để thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, vừa tăng giá trị cho sản phẩm của người dân, giúp họ có điều kiện tiếp cận với sản phẩm hàng Việt Nam chất lượng tốt.