18/01/2025 | 19:27 GMT+7, Hà Nội

Hỗ trợ Covid-19 tại Thanh Hóa: Lòng tốt và sự thật đang bị xuyên tạc, bóp méo

Cập nhật lúc: 12/05/2020, 19:20

Tinh thần “nhường cơm xẻ áo” trong mùa dịch Covid tại huyện Thọ Xuân cùng nhiều địa phương khác trong tỉnh Thanh Hóa đã trở thành phong trào có tính lan tỏa sâu rộng... Thế nhưng sự thật và lòng tốt đang bị bóp méo.

Không nhận tiền hỗ trợ vì vẫn có sức sản xuất

Việc triển khai thực hiện gói hỗ trợ an sinh xã hội 62.000 tỷ cho người dân và doanh nghiệp bị ảnh hưởng sâu bởi dịch Covid-19 là chính sách thể hiện tính nhân văn sâu sắc của Đảng và Nhà nước. Đáp lại điều này, nhiều người dân tại tỉnh Thanh Hóa bằng hành động, thiết thực, hiệu quả, đã và đang góp công cùng Đảng và Nhà nước chống dịch.

Theo số liệu thống kê của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Thanh Hóa tính đến hết ngày 10/5/2020, tên toàn tỉnh đã có 3.466 đối tượng thuộc diện được hỗ trợ do gặp khó khăn trong đại dịch Covid-19 nhưng tự nguyện không nhận khoản tiền này mà nhường lại cho những người khó khăn hơn. Trong đó gồm có người có công với cách mạng, người thuộc hộ nghèo, cận nghèo và đối tượng bảo trợ xã hội. 

Huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa là một trong những địa phương có số người tự nguyện không nhận tiền hỗ trợ chống dịch Covid nhiều nhất tỉnh. Tinh thần “nhường cơm xẻ áo” trong mùa dịch Covid tại địa phương này đã trở thành phong trào và đang có sức lan tỏa sâu rộng. 

Nhiều người dân bày tỏ cảm phục khi biết được hình ảnh một số cụ già hết tuổi lao động vẫn còn lặn lội đường xa góp gạo, góp tiền cùng cả nước chống dịch. Do đó, họ cùng có chung suy nghĩ rằng, không có lý do gì để nhận tiền hỗ trợ của Nhà nước trong khi mình còn khỏe, vẫn có thể làm ra gạo, tiền để tự trang trải cuộc sống. Chính vì lẽ đó, nhiều người đã viết đơn tự nguyện không nhận tiền hỗ trợ Covid để "nhường cơm xẻ áo" cho những hoàn cảnh khó khăn hơn.

Ông Lê Xuân Quang (thôn 4, xã Xuân Sinh, Thọ Xuân, Thanh Hóa) thuộc hộ cận nghèo của xã mới đây đã tự nguyện có đơn từ chối nhận hỗ trợ tiền từ Chính phủ với lý do hết sức đơn giản, mà theo ông, "còn sức thì còn làm ra của cải vật chất để tự nuôi sống bản thân và gia đình".

“Các bác sĩ, người dân tại những nơi đang có dịch còn vất vả hơn chúng tôi. Họ mới chính là những người đáng nhận được sự hỗ trợ. Tuy gia đình tôi còn nghèo, nhưng không đến mức đói. Ở ngoài vườn chúng tôi vẫn còn hái được lá rau để ăn và sản xuất ra vật chất chứ chưa đến mức độ cần hỗ trợ. Do vậy, sau khi có thông tin hỗ trợ dịch Covid, tôi đã gặp chủ tịch xã để xin không nhận hỗ trợ. Đây là việc làm tự nguyện của cá nhân tôi”, ông Quang nói.

Cũng theo ông Quang, ngày 30/4, ông đã lên UBND xã nói với Chủ tịch UBND ý định tự nguyện trên, chủ tịch xã bảo ông viết đơn nhưng ông bảo xã có máy vi tính nên nhờ đánh máy hộ, ý tứ ông đọc cho nhân viên đánh máy rồi sau đó Chủ tịch UBND xã xác nhận. Ông Quang khẳng định không hề có chuyện ép buộc hay gợi ý gì.

Ở xã Xuân Sinh, có người đã nhận tiền hỗ trợ, sau đó tự nguyện đem lên xã trả lại vì còn nhiều hoàn cảnh khó khăn cần hỗ trợ hơn mình. Đó là nghĩa cử cao đẹp để chia khó với cộng đồng, góp công cùng Đảng, Nhà nước chống dịch. Rồi cứ thế người này học tập người kia, người kia học tập người nọ, dần dần trở thành phong trào lan rộng ra cộng đồng. Đến nay, tại các xã Xuân Phong, Xuân Lập, Quảng Phú, Thuận Minh… có hàng nghìn người dân tự nguyện “nhường cơm xẻ áo”, chia khó với chính quyền địa phương trong thời điểm chống dịch.

Tương tự, ông Lê Đình Tính (76 tuổi), ở thôn Phúc Cường, xã Xuân Hồng, huyện Thọ Xuân thuộc hộ cận nghèo là một trong hàng nghìn người dân trên địa bàn huyện này tự nguyện không nhận tiền hỗ trợ. Theo quy định của NQ 42/NQ-CP, gia đình ông Tính sẽ được hỗ trợ 4,5 triệu đồng trong 3 tháng cho 6 nhân khẩu. 

Tuy đã hết tuổi lao động nhưng ông vẫn quyết định nhường phần tiền hỗ trợ cho những người khó khăn hơn ông: "Tôi mong muốn chia sẻ gánh nặng với Chính phủ. Về phần mình, tôi vẫn còn lo được cho cuộc sống của mình nên để số tiền đó cho những người khó khăn hơn tôi", ông Tính chia sẻ.

Riêng trên địa bàn huyện Thọ Xuân, tính đến ngày 12/5 đã có 2.419 người có đơn tự nguyện không nhận tiền hỗ trợ của Chính phủ với số tiền lên tới hàng tỷ đồng.

Việc người dân chung tay cùng Đảng, Nhà nước đẩy lùi Covid bằng nghĩa cử cao đẹp có sức lan tỏa rộng rãi ở nhiều địa phương trong huyện Thọ Xuân nói riêng và tỉnh Thanh Hóa nói chung. Ngoài Thọ Xuân, nhiều người dân ở các huyện, thị, thành phố khác trên địa bàn tỉnh cũng xin từ chối nhận tiền hỗ trợ với mong muốn nhường sự chia sẻ này cho người khó khăn hơn. 

Tại huyện Quảng Xương, tính đến ngày 10/5, trên địa bàn huyện đã có 311 hộ gia đình với 1.348 khẩu chủ động xin không nhận hỗ trợ. Tiêu biểu như xã Quảng Phúc 75 hộ với 304 khẩu, xã Tiên Trang 52 hộ, xã Quảng Hòa 35 hộ, xã Quảng Lưu 31 hộ, xã Quảng Nham 23 hộ… .

Theo số liệu thống kê của Sở Lao động - Thương binh & Xã hội tỉnh Thanh Hóa tính đến hết ngày 10/5/2020, tên toàn tỉnh đã có 3.466 đối tượng thuộc diện được hỗ trợ do gặp khó khăn trong đại dịch Covid-19 nhưng tự nguyện không nhận khoản tiền này mà nhường lại cho những người khó khăn hơn. Trong đó gồm có người có công với cách mạng, người thuộc hộ nghèo, cận nghèo và đối tượng bảo trợ xã hội.

Lòng tốt bị xuyên tạc, bóp méo

Khi người dân đồng lòng, “chung lưng đấu cật” cùng Đảng, Nhà nước, Chính phủ trong việc đẩy lùi dịch bệnh Covid, cũng là lúc trên mạng xã hội xuất hiện một số thông tin phiến diện, xuyên tạc bóp méo sự thật trong việc chi trả tiền hỗ trợ Covid-19 tại một số xã thuộc huyện Thọ Xuân, Thanh Hóa.

Mới đây, một số tài khoản Facebook đều đăng 1 trạng thái kèm hình ảnh một lá đơn: “Đơn xin tự nguyện không nhận hỗ trợ do đại dịch Covid-19” của hộ gia đình ông Lê Xuân Quang, thôn 4, xã Xuân Sinh, huyện Thọ Xuân, Thanh Hóa, thuộc diện hộ cận nghèo. Bên cạnh đó, còn có một tin nhắn được chụp lại với nội dung: “Chị ơi! Nhờ chị đăng dùm cái này. Làm đơn sẵn bắt dân ký, ép dân ký, chứ không ai tình nguyện cả”.

Huyện Thọ Xuân đang tích cực thực hiện các biện pháp hỗ trợ người bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 trên địa bàn huyện Thọ Xuân theo Nghị quyết 42 của Chính phủ.

Trao đổi với PV về vấn đề trên, ông Lê Xuân Quang, tỏ ra khá bất ngờ trước nội dung được chia sẻ trên mạng xã hội có liên quan tới mình.

“Việc không nhận tiền hỗ trợ trong đại dịch Covid-19 là do gia đình hoàn toàn tự nguyện. Tôi nhường lại số tiền đó cho người khó khăn hơn là xuất phát từ tấm lòng, không ngờ lại bị xuyên tạc ra như vậy”, ông Quang cho biết thêm.

Trước những thông tin trên, ngày 12/5/2020, UBND xã Xuân Sinh cũng đã có báo cáo gửi UBND huyện Thọ Xuân về vấn đề này, đồng thời cho rằng, đây là thông tin không chính xác.

“Từ ngày 10/5/2020 đến nay, UBND xã đang phối hợp với Bưu điện huyện thực hiện việc chi trả chính sách theo quy định. Theo nắm bắt tại địa phương, đối với các khẩu tự nguyện không nhận tiền hỗ trợ theo Nghị quyết 42 thì không có ý kiến gì khác đối với việc chi trả tiền hỗ trợ nêu trên.

Do đó, thông tin cho rằng, UBND xã Xuân Sinh “ép người dân không nhận tiền hỗ trợ Covid-19” được lan truyền trên mạng xã hội là không chính xác, có dấu hiệu xuyên tạc, gây mất ổn định tình hình an ninh, trật tự tại địa phương”, văn bản nêu.

Theo ông Lê Chí Tuấn, Chủ tịch UBND xã Xuân Sinh, việc triển khai hỗ trợ người dân khi có Nghị quyết 42/NQ-CP của Chính phủ đã được UBND xã Xuân Sinh quán triệt sâu sắc, thực hiện nghiêm theo quy định.

"UBND xã đã yêu cầu các ông, bà trưởng thôn, các tổ chức đoàn thể, cá nhân tại thôn không được lợi dụng việc một số hộ dân được hưởng chính sách để vận động ủng hộ thôn thực hiện một số nội dung trái quy định của pháp luật. Nếu thôn nào để xảy ra tình trạng trên thì phải chịu trách nhiệm trước pháp luật Nhà nước.

Ngay sau khi triển khai thực hiện Nghị quyết 42/NQ-CP của Chính phủ, trên cơ sở tổng hợp các tổ rà soát tại các thôn gửi lên về việc có nhiều hộ gia đình tự nguyện không nhận tiền hỗ trợ do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, UBND xã đã tổng hợp, phối hợp với các phòng chuyên môn của huyện để thực hiện cân đối kinh phí chi trả theo quy định", ông Tuấn thông tin.