21/11/2024 | 21:26 GMT+7, Hà Nội

TGĐ Hapro Vũ Thanh Sơn và hành trình 'vượt bão' hậu cổ phần hoá

Cập nhật lúc: 06/02/2020, 18:39

Với quyết tâm đổi mới, chiến lược kinh doanh bắt kịp xu hướng ngành bán lẻ, Hapro những năm gần đây đã dần ổn định và phát triển tăng tốc...

Người thuyền trưởng của Tổng công ty Thương mại Hà Nội – CTCP (Hapro) trải lòng, từng có một giai đoạn ngắn công ty rơi vào khủng hoảng khi mới bắt đầu cổ phần hoá doanh nghiệp, kinh doanh sụt giảm, nhân viên lo lắng... Nhưng với quyết tâm đổi mới, chiến lược kinh doanh bắt kịp xu hướng ngành bán lẻ, Hapro đã dần ổn định và phát triển tăng tốc.

Trong 16 năm xây dựng và phát triển, Tổng công ty Hapro đã khẳng định được vị thế trên thương trường, tạo được lòng tin đối với khách hàng, đối tác và người tiêu dùng trong nước và quốc tế. Hành trình phát triển của Hapro trải qua nhiều khó khăn, thách thức, nhất là giai đoạn cổ phần hoá chuyển đổi mô hình Công ty cổ phần rất gian nan... nhưng Hapro chưa bao giờ đi chệch khỏi mục tiêu, mang lại nhiều giá trị hơn cho cộng đồng.

Từ những cửa hàng kinh doanh tạp hoá, nhu yếu phẩm ở các tuyến phố lớn tại Hà Nội, Hapro đã nhanh chóng phát triển hệ thống chuỗi siêu thị kinh doanh quy mô lớn, cửa hàng tiện ích Hapromart, Haprofood, bán buôn, bán lẻ, đa dạng ngành hàng phục vụ nhu cầu tiêu dùng nội địa, xuất khẩu hàng hoá... Theo đó, chiến lược trọng tâm của Hapro là đẩy mạnh kinh doanh hàng nông sản thực phẩm, thương mại nội địa. Một số thương hiệu kinh doanh thuộc hệ thống của Hapro như Gốm Chu Đậu, Thủy Tạ, Thực phẩm Hà Nội, Thời trang Hafasco, Vang Thăng Long... Cùng với đó là hoạt động xuất khẩu hàng hoá ra nước ngoài cũng ghi nhận sự tăng trưởng tích cực sau khi cổ phần hoá từ năm 2018 đến nay.

Là người gắn bó và chèo lái con thuyền Hapro suốt 10 năm qua, ông Vũ Thanh Sơn giữ ghế "nóng" Tổng giám đốc cũng nếm trải những đắng cay, ngọt bùi trong cuộc cạnh tranh khốc liệt của ngành bán lẻ. Mái tóc đã bạc, trán hằn nhiều nếp nhăn hơn sau mỗi lần gặp "biến cố", nhưng ông Sơn vẫn giữ thái độ lạc quan và tin tưởng vào chiến lược kinh doanh đúng hướng của Hapro. “Sau cổ phần hoá, chúng tôi tin tưởng rằng Hapro trong điều kiện nguồn lực như hiện nay cộng với việc áp dụng với các biện pháp quản trị chủ động của mô hình Công ty cổ phần sẽ tạo ra sức bật lớn hơn”, ông Sơn chia sẻ với báo chí ngay sau ĐHCĐ lần đầu tiên hồi tháng 6/2018. Ông cũng nhấn mạnh sức mạnh nội lực của doanh nghiệp, nguồn vốn từ các cổ đông sẽ mang lại cơ hội phát triển lớn cho doanh nghiệp trong thời gian tới.

Năm 2018, sau khi cổ phần hóa và chuyển sang hoạt động theo mô hình công ty cổ phần, Tổng công ty Hapro có mức vốn điều lệ là 2.200 tỉ đồng và không có vốn nhà nước. Tập đoàn BRG đã trở thành cổ đông lớn và đại diện là bà Nguyễn Thị Nga giữ vị trí Chủ tịch HĐQT Hapro, được kỳ vọng sẽ hỗ trợ nguồn tài chính, hệ thống phân phối để giúp Hapro đạt những bước tăng trưởng đột phá... Ông Nguyễn Thanh Sơn đảm nhận vị trí Tổng giám đốc.

"Lúc mới bắt đầu cổ phần hóa, có một giai đoạn ngắn tổng công ty rơi vào khủng hoảng, hoạt động kinh doanh sụt giảm, từ đội ngũ lãnh đạo đến cán bộ nhân viên đều có tâm lý lo lắng, hoang mang", ông Sơn chia sẻ, cho biết khi ấy Đảng ủy, ban lãnh đạo công ty đã tập trung làm công tác ổn định tổ chức bộ máy, nhân sự và tuyên truyền, vận động, phổ biến để cán bộ nhân viên ổn định về tư tưởng… Bởi quá trình cổ phần hoá doanh nghiệp, chuyển đổi mô hình hoạt động mới thực sự không dễ dàng, áp lực làm sao để hoạt động hiệu quả, đạt những mục tiêu đã vạch ra? Những nỗ lực đã đem lại hiệu quả, tình hình ổn định và ngay năm 2018, hoạt động sản xuất kinh doanh của Hapro được phát triển mở rộng, tất cả chỉ tiêu kinh doanh đều có sự tăng trưởng so với 2017, việc làm và thu nhập của người lao động được đảm bảo... 

Cụ thể, tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2018 đạt mức 106,9 triệu USD với 53.860 tấn hàng hóa. Tổng doanh thu tăng trưởng 10% đạt 3.507,2 tỉ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 21,73 tỉ đồng, vượt 6% so với kế hoạch đề ra và tăng 60% so với năm trước.

Tổng Giám đốc Hapro Vũ Thanh Sơn phát biểu tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2019.

Kết quả này có được là nhờ vào việc sau cổ phần hóa, Hapro luôn xác định trọng tâm là mảng kinh doanh xuất khẩu với 5 mặt hàng chủ lực: hạt tiêu, hạt điều, gạo, cà phê, thực phẩm chế biến. Hoạt động xúc tiến thương mại, tìm kiếm khách hàng tại nước ngoài được Hapro đầu tư và quan tâm. Ngay sau cổ phần hóa, Hapro đã lần đầu tiên xuất khẩu được vải thiều Thanh Hà, Hải Dương vào Malaysia, lần đầu tiên xuất khẩu được những lô hàng gạo đóng bao 5kg, 10kg/túi từ Nhà máy sản xuất chế biến gạo tại tỉnh Đồng Tháp vào chuỗi Siêu thị Dubai - Các tiểu Vương quốc Ả rập thống nhất (UAE), mở ra một hướng đi mới của Tổng công ty.

Tin vui đến dồn dập khi ngày 14/6/2018, Hapro được Cơ quan quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ cấp code chứng nhận xuất khẩu gạo vào Mỹ và ngay sau đó đã xuất được 735 cont hàng gạo vào Mỹ.

Đoàn công ty của Hapro do TGĐ Vũ Thanh Sơn dẫn đầu đến thăm bảo tàng hoàng gia Tokapisaray tại Istalbul, Thổ Nhĩ Kỳ và trao tặng sản phẩm gốm sứ Chu Đậu.

Khi không còn chiếc áo "Nhà nước", Hapro phải "tự bơi" trong môi trường kinh doanh cạnh tranh khốc liệt. Ở trong nước, các doanh nghiệp bán lẻ nội đều lao đao, kinh doanh kém hiệu quả trước sự đổ bộ của các tập đoàn bán lẻ hàng đầu nước ngoài đến từ Thái Lan, Hàn Quốc... Gần đây nhất, Vincomerce sở hữu chuỗi bán lẻ Vinmart, Vinmart+, Vinpro... cũng đã chuyển nhượng lại cho Masan trong một động thái rút lui do kinh doanh thua lỗ và tái cơ cấu hoạt động đầu tư. Do đó, ban lãnh đạo Hapro nhận thấy rõ những thách thức trong ngành bán lẻ, nhưng cũng là cơ hội để doanh nghiệp vươn lên, nhất là khi Hapro có được sự giúp đỡ của các cổ đông, đặc biệt là hậu thuẫn từ Tập đoàn BRG về nguồn lực tài chính lớn, công nghệ quản lý, điều hành hiện đại...Tại thị trường nổi địa, Hapro tích cực triển khai các chương trình xúc tiến bán hàng các sản phẩm: Gốm Chu Đậu, Nước pha lê Thủy Tạ, Bánh Trung thu, Gạo Hapro Đồng Tháp... nhằm nâng cao vị thế, tiếp cận nhiều khách hàng. Việc kinh doanh chuỗi Hapromart, Haprofood đã được triển khai bài bản, mở một số cửa hàng chuyên kinh doanh gạo Hapro Đồng Tháp theo nhận diện chuẩn chung.

Ngày 17/1/2019, Tổng công ty Hapro đã tổ chức lễ bàn giao Công ty nhà nước sang CTCP chính thức theo Quyết định số 168/QĐ-UBND ngày 10/1/2019 về việc phê duyệt giá trị thực tế phần vốn nhà nước tại thời điểm chuyển Tổng công ty Thương mại Hà Nội – CTCP.

Trong năm 2019, Hapro cũng đã hoàn tất toàn bộ quá trình CPH cần tập trung toàn lực vào việc phát triển sản xuất kinh doanh, tăng tốc đẩy mạnh phát triển để hiện thực hóa những mục tiêu kế hoạch đặt ra trong phương án cổ phần hoá.

Năm 2019, Hapro đạt mục tiêu doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ đạt 3.675 tỉ đồng, tăng 5% so với thực hiện 2018; kim ngạch xuất khẩu đạt 115,2 triệu USD, tăng 8% so với thực hiện 2018. Lợi nhuận trước thuế phấn đấu đạt 59,34 tỉ đồng, tăng 173%. Thu nhập bình quân tăng 6% so với 2018, đạt 11.200.000 đồng/người/tháng. Cổ tức dự kiến chia ở mức 2%. Kết quả là doanh thu bán hàng và dịch vụ đạt hơn 2.236 tỉ đồng, doanh thu tài chính đạt 187 tỉ đồng. Tổng lợi nhuận trước thuế đạt 153,8 tỉ đồng, và lãi sau thuế đạt gần 124 tỉ đồng.

Năm 2018, cổ phiếu HTM đã chính thức giao dịch trên Upcom với giá 12.900 đồng/CP, với khối lương niêm yết là 75,4 triệu cổ phần. Hiện công ty có vốn điều lệ 2.000 tỉ đồng. Giá cổ phiếu HTM đã tăng rất mạnh có thời điểm lên 21.000 đồng/CP và hiện giao dịch ở mức 20.000 đồng/CP

Trong 2 năm qua, nhằm thực hiện chủ trương về việc chuẩn hóa chuỗi bán lẻ của Tập đoàn BRG, Hapro đã tiến hành nâng cấp, chuẩn hóa toàn bộ chuỗi siêu thị, cửa hàng tiện ích mang thương hiệu Hapromart của Hapro áp dụng theo mô hình Home & Food, qua đó góp phần đáp ứng nhu cầu mua sắm ngày càng cao của người dân thủ đô.

Chia sẻ về định hướng điều hành, Tổng giám đốc Vũ Thanh Sơn cho biết: “Thời gian tới, Hapro sẽ tiếp tục phát huy thế mạnh và tận dụng các cơ hội mới là đơn vị thành viên Tập đoàn BRG để nhanh chóng chuyển mình, xây dựng và phát triển Tổng công ty Thương mại Hà Nội – Công ty cổ phần trở thành doanh nghiệp hàng đầu về lĩnh vực kinh doanh xuất nhập khẩu và thương mại nội địa có năng lực cạnh tranh và phát triển bền vững, phát huy vai trò là một doanh nghiệp kinh tế, thương mại lớn, góp phần thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế của Thủ đô Hà Nội nói chung và Tập đoàn BRG nói riêng”.

Qua 16 năm xây dựng và phát triển, thương hiệu Hapro của Tổng công ty Thương mại Hà Nội – CTCP đã khẳng định được vị thế, tạo được lòng tin đối với người tiêu dùng trong nước và quốc tế. Thương hiệu Hapro cũng đã gặt hái được nhiều danh hiệu giải thưởng lớn: 5 lần liêp tiếp đạt Thương hiệu Quốc gia, 14 năm liên tiếp đạt giải thưởng Thương hiệu mạnh, 14 năm liền đạt danh hiệu “Doanh nghiệp xuất khẩu uy tín”, Nhiều năm liền nằm tron Top 500 Doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam và đạt nhiều giải thưởng uy tín khác như Sao vàng đất Việt, Doanh nghiệp bán lẻ uy tín 2018, Doanh nghiệp thương mại – dịch vụ tiêu biểu,…

Quá trình công tác của ông Vũ Thanh Sơn - TGĐ Hapro

- Tháng 8/1986 - 12/1988: Cục Vật tư - Bộ Quốc Phòng

- 1/1989 - 3/1993: Phó phòng Phòng KH Kinh doanh thị trường - Giám đốc VP đại diện, Giám đốc CN TP. Hồ Chí Minh Tổng Công ty XNK và Đầu tư tỉnh Hải Hưng

- 4/1993 - 7/1999: Phó Giám đốc, Giám đốc Công ty Thương mại dịch vụ Hải Hưng phía Nam

- 7/1999 - 11/2001: Phó Giám đốc Sở Thương mại - Du lịch tỉnh Hải Dương

- 12/2001 - 8/2004: Phó Giám đốc Công ty SX-DV và XNK Nam Hà Nội (nay là Tổng Công ty TM Hà Nội)

- 9/2004 - 12/2006: Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty TM Hà Nội

- 1/2007 - 11/2007: uv HĐQT, Phó Tồng Giám đốc Tổng Công ty TM Hà Nội

- 12/2007 - 12/2010: uv HĐQT, Tổng Giám đốc Tổng Công ty TM Hà Nội

- 1/2011 - 7/2017: Thành viên HĐTV, Tổng Giám đốc Tổng Công ty TM I là Nội

- 7/2017 - 6/2018: Phụ trách HĐTV, Tổng Giám đốc Tổng Công ty TM Hà Nội

- 7/2018 - Nay: Thành viên HĐQT, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Thương mại Hà Nội – CTCP