21/01/2025 | 07:55 GMT+7, Hà Nội

Tết chơi ở đâu, xem gì?

Cập nhật lúc: 20/01/2017, 13:16

Nhiều điểm vui chơi tết sẽ được tổ chức phục vụ nhân dân vui chơi, góp phần gìn giữ, bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống, các phong tục tập quán tốt đẹp của dân tộc Việt Nam mỗi dịp tết đến xuân về

Tết xưa ở Hoàng thành

Từ ngày 20/1 đến ngày 28/2, nhiều hoạt động vui xuân được tổ chức tại Hoàng thành Thăng Long để phục vụ nhân dân đón tết 2017

Du khách có thể thưởng thức ba dòng tranh tiêu biểu của Việt Nam là tranh Hàng Trống, tranh Kim Hoàng và tranh Đông Hồ qua bộ sưu tập của Bảo tàng gốm sứ Hà Nội qua Triển lãm Tranh tết truyền thống Việt Nam.

Đặc biệt là Triển lãm Triều phục Việt Nam giới thiệu đến công chúng bộ sưu tập của nhà nghiên cứu Trịnh Bách và Trinh Family Foudation với 15 bộ triều phục của chúa Trịnh và vua Nguyễn như: Áo Ngự hàn Viên Long của chúa Trịnh; Áo Đoạn kép của chúa Trịnh; Hoàng (Long) Bào Đại Triều mùa xuân - hạ của Hoàng đế; Áo Cát Phục Viên Long của vua Đồng Khánh…

Thông qua bộ sưu tập sẽ giúp du khách tìm hiểu về nghệ thuật thêu may truyền thống Việt Nam, cảm nhận sự tài hoa, khéo léo của người thợ thủ công và nét độc đáo, tinh xảo của trang phục cung đình truyền thống.

Triển lãm ảnh di sản Việt Nam giới thiệu 100 tác phẩm xuất sắc được lựa chọn từ cuộc thi ảnh di sản Việt Nam (Vietnam Heritage Photo Awards 2016), đem đến cho người xem những cảm xúc chân thực về vẻ đẹp của đất nước, quê hương, con người Việt Nam muôn màu, muôn vẻ và giàu bản sắc văn hóa dân tộc.

Tại sân Đoan Môn được trang trí một số mô hình tiểu cảnh hoa với hình ảnh Rồng chầu, hình ảnh giỏ hoa và biểu tượng Cung chúc tân xuân, kết hợp trưng bày cây ảnh nghệ thuật với nhiều dáng thế độc đáo như “Ngũ phúc”, “phượng bay”, “huynh đệ”, “rồng sa”, “sóng đôi”, “long hội”, “phượng vũ”, tạo hiệu ứng màu sắc, hình ảnh tươi đẹp của mùa xuân, tạo thêm không gian để du khách tham quan, chụp ảnh.

Trong dịp này, Trung tâm bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội cũng tiến hành trưng bày tại chỗ và mở cửa phục vụ khách tham quan khu vực di tích khảo cổ học mới phát lộ, với nhiều tầng văn hóa đa dạng và các dấu tích khảo cổ học tiêu biểu như: dấu tích kiến trúc thời Lê Trung hưng và thời Lý; dấu tích bó nền gạch, đường đi lát gạch; dấu tích kiến trúc thời Lý; hệ thống bó nền gạch, sân gạch vồ; dấu tích bó nền hoa chanh thời Lê sơ; dấu tích đường nước thời Lý…

Đồng thời tái hiện không gian dâng hương điện Kính Thiên, giúp du khách có những hình dung ban đầu về kết quả nghiên cứu điện Kính Thiên trong thời gian qua, từ đó tiếp tục nghiên cứu hoàn trả không gian Điện Kính Thiên trong tương lai.

Trong những ngày đầu xuân, du khách đến Hoàng thành Thăng Long cũng sẽ được thưởng thức nhiều hoạt động văn hóa truyền thống như: Lễ dâng hương tưởng nhớ các bậc tiên đế; biểu diễn múa rối nước tạo không khí vui tươi, ấm áp, giàu bản sắc văn hóa của mùa xuân mới.

Tại Triển lãm văn hóa - nghệ thuật Việt Nam (số 2, Hoa Lư, Hà Nội), Triển lãm - hội chợ “Tết Việt 2017” sẽ diễn ra từ ngày 18 đến 24/1 (ngày 21 - 27 tháng Chạp năm Bính Thân). Cùng với các gian hàng giới thiệu sản vật, ẩm thực mang hương vị tết cổ truyền của các vùng, miền, địa phương, không gian “Tết Việt 2017” sẽ nổi bật với các sản phẩm thủ công mỹ nghệ truyền thống, triển lãm tranh Tết Đinh Dậu, hoa xuân được sắp đặt theo chủ đề “Đại cát”, góc “Thư pháp ngày xuân”…

Ngoài ra, triển lãm - hội chợ “Tết Việt 2017” còn có nhiều chương trình giao lưu văn hóa, nghệ thuật, biểu diễn thể dục thể thao mừng Đảng, mừng Xuân, tạo không khí vui tươi, phấn khởi cho nhân dân đón Tết cổ truyền.

Chơi hội hoa xuân ở thành phố mang tên Bác

Với chủ đề “Thành phố mang tên Bác - Khát vọng ngời sáng”, Hội hoa xuân Đinh Dậu 2017 ở TP HCM có nhiều loài “kỳ hoa, dị thảo”.

Ngoài các hiện vật truyền thống như hoa mai, lan sứ, kiểng lá, đá cảnh, cây khô…, hội hoa xuân năm nay sẽ có những loại hoa kiểng mới như: khu trưng bày cây tùng Nhật, lan rừng, đại ý thảo...

Đặc biệt, du khách sẽ được chiêm ngưỡng cây dừa ba ngọn cao hơn 4 mét độc đáo của một nghệ nhân từ Đồng Tháp. Ngoài ra, nhiều tiểu cảnh tái hiện cảnh mua bán tấp nập trên bến dưới thuyền với các thuyền hoa, cây mơ ước.

Ngoài thưởng lãm hoa, kiểng "độc, lạ", du khách còn được thưởng thức nhiều chương trình văn nghệ, ca múa nhạc, biểu diễn lân sư rồng diễn ra hằng ngày tại hội hoa xuân.

Hội hoa xuân sẽ diễn ra từ ngày 22/1 đến 2/2 (tức từ 25 tháng chạp đến mùng 6 tháng giêng), tại khu vực công trường Quốc tế và công viên Tao Đàn (Q.1).

Đến Đà Nẵng ngắm cầu quay

 

Dịp Tết Nguyên đán Đinh Dậu 2017, du khách đến thành phố bên Sông Hàn có thể xem cầu Rồng phun nước, phun lửa trong các đêm 26, 27, 28 và 29/1 (tức các đêm 29, 30 tháng Chạp năm Bính Thân và mồng 1, 2 tháng Giêng....)

Về việc quay nhịp thông thuyền cầu Sông Hàn, thực hiện bắt đầu từ 23-24 giờ các ngày 28 và 29/1 (tức các đêm mồng 1 và mồng 2 tết).

Xem chuyện tình người Việt ở nước Nga

Nếu muốn quây quần bên gia đình thưởng thức các chương trình truyền hình, khán giả không nên bỏ qua bộ phim “Matxcơva - Mùa thay lá”.

Bộ phim là câu chuyện đầy cảm xúc về tình yêu và tình bạn cùng những hình ảnh tuyệt đẹp về một nước Nga thơ mộng, sự trở lại của cặp đôi diễn viên tài năng Hồng Đăng - Hồng Diễm.

Với những khung cảnh vô cùng trữ tình của mùa thu nước Nga, với câu chuyện lãng mạn, nhẹ nhàng nhưng sâu lắng, “Matxcơva - Mùa thay lá” hứa hẹn sẽ đem đến cho khán giả những giây phút thư giãn ý nghĩa bên gia đình.

Ngoài Hồng Đăng, Hồng Diễm, “Matxcơva - Mùa thay lá” còn có sự góp mặt của diễn viên Việt Anh, Phương Anh và NSƯT Trọng Trinh.

Trong phim, Việt Anh đóng vai Đức - chồng của Phương (Hồng Diễm) và cũng là bạn Minh (Hồng Đăng). Câu chuyện tình yêu, tình bạn đẹp của ba nhân vật chính là một gợi nhắc để mỗi người thấm thía và trân trọng hơn tình cảm của những người xung quanh mình, đặc biệt là những người thân yêu.

“Matxcơva - Mùa thay lá” phát sóng lúc 20h10 trên VTV1 ngày 2,3,4,5 tết âm lịch (29, 30, 31/1 và 1/2/2017)