19/01/2025 | 19:36 GMT+7, Hà Nội

Taxi công nghệ trước nguy cơ bị “xóa sổ”: Không phù hợp với cách mạng 4.0?

Cập nhật lúc: 19/10/2018, 20:00

Ứng dụng công nghệ trong mọi lĩnh vực đều nhằm mục đích cắt giảm các thủ tục để nhanh gọn và tiện lợi cho đơn vị quản lý, doanh nghiệp cũng như người tiêu dùng. Trước dự thảo nghị định thay thế Nghị định số 86 về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng ô tô, câu hỏi đặt ra là phải chăng loại hình giao thông Việt Nam sẽ quay lại "thời 0.4" là "vẫy" và "gọi"?

Bản chất của xe Uber, Grab trước khi vào Việt Nam là "kinh tế chia sẻ", giúp giảm xe cá nhân lưu thông trên đường. Bên cạnh đó, rút ngắn thời gian và thủ tục đợi gọi xe thông thường. Đặc biệt, áp dụng công nghệ hiện đại, phần mềm sẽ tự xác định xe nào ở vị trí gần nhất và chỉ có một xe đến đón khách giúp tiết kiệm chi phí cho người dân và xã hội nói chung. Người dùng cũng được lợi vì họ sẽ chủ động trong việc lựa chọn xe, biết được lộ trình rõ ràng, số km phải di chuyển, tránh những trường hợp chạy lòng vòng của một số taxi.

Rõ ràng đây là hình thức kinh doanh mới, có nhiều tiện lợi và ứng dụng công nghệ tích cực. Theo thống kê của Bộ Giao thông Vận tải, tính đến thời điểm hiện tại có 4 địa phương chính thức tham gia thí điểm ứng dụng khoa học công nghệ trong hoạt động vận tải gồm: Hà Nội, Quảng Ninh, Khánh Hòa và TP.HCM; tổng cộng có 10 đơn vị cung cấp phần mềm ứng dụng để thực hiện Hợp đồng vận tải điện tử triển khai các Đề án thí điểm theo quy định tại Quyết định số 24/QĐ-BGTVT. Về số lượng đơn vị vận tải tại thời điểm tổng kết 2 năm thí điểm, tổng số có: 866 đơn vị kinh doanh vận tải (doanh nghiệp, hợp tác xã vận tải) với 36.809 phương tiện tham gia thí điểm.

Điều đó cho thấy, những ứng dụng kết nối di động sẽ ngày càng phổ biến, dần trở thành xu thế và công nghệ hoàn toàn không chỉ giới hạn ở các dịch vụ vận tải, nhà ở mà còn sẽ lan tỏa tới các lĩnh vực khác như cho vay, giúp việc, dịch vụ đặt món ăn, y tế, giáo dục mang tính chất chia sẻ, nhanh gọn và thuận tiện hơn.

Chính vì lẽ đó, dự thảo nghị định thay thế Nghị định số 86 được đưa ra đã vấp phải những ý kiến trái chiều. Có người cho rằng, việc định danh Grab là loại hình taxi và phải "gắn mào" giúp cơ quan chức năng dễ quản lý loại hình này hơn. Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho hay, quy định trên không hợp lý, mang tính hình thức, làm tăng chi phí cho doanh nghiệp, thậm chí đưa hình thức giao thông Việt Nam quay về "thời 0.4".

Gắn mào taxi công nghệ có đi ngược lại cách mạng 4.0?

"Gắn mào" taxi công nghệ có đi ngược lại cách mạng 4.0? (Ảnh minh họa)

Anh Trần Văn Tuấn, lái xe của một hãng xe công nghệ, cho rằng, việc Bộ GTVT nói sẽ đưa mô hình xe hợp đồng điện tử như Uber, Grab vào diện quản lý và hoạt động giống như taxi truyền thống nhằm bảo vệ quyền lợi của khách hàng cũng như tài xế là để cạnh tranh công bằng với taxi truyền thống nhưng thực tế từ khi hoạt động thí điểm chính thức tại Việt Nam đến nay, khách hàng đã luôn ủng hộ mô hình xe hợp đồng điện tử vì sự tiện lợi và hiệu quả mà dịch vụ này mang lại. Bằng chứng là lượng khách đi xe tăng rất nhanh, số người tham gia dịch vụ ngày càng nhiều hơn.

Anh Tuấn cho hay: “Nếu cơ quan nhà nước có làm khảo sát thì cánh tài xế, chủ xe như chúng tôi cũng trả lời luôn là không hề muốn chuyển sang hoạt động như taxi truyền thống. Hiện tại chúng tôi chạy xe công nghệ không xảy ra vấn đề gì, khách hàng đi xe không kêu ca, chủ xe không kêu ca thì dựa vào đâu cơ quan quản lý nói làm như vậy để bảo vệ quyền lợi của khách hàng và tài xế?”.

Ở góc nhìn chuyên gia, TS. Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) cho rằng, xe hợp đồng điện tử đem lại nhiều tiện lợi và tạo một môi trường cạnh tranh để taxi truyền thống cũng phải hạ giá thành và tăng chất lượng dịch vụ. Đặc biệt, với hệ thống chấm điểm từ người dùng đã giúp thông tin minh bạch, làm mọi người tử tế với nhau hơn.

"Nếu Việt Nam đã tham gia vào cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 thì không thể tiếp tục quan sát và quản lý xã hội với tư duy 3.0 hay thậm chí 2.0. Tư duy quản lý đúng đắn lúc này phải là để xe hợp đồng điện tử trở thành các doanh nghiệp dẫn dắt thị trường, từ đó buộc taxi truyền thống phải nỗ lực thay đổi. Chỉ có tư duy 2.0 mới đòi hỏi xe hợp đồng điện tử phải chịu trói để ngang bằng, bình đẳng với taxi truyền thống".

Theo đó, ông Thành cho rằng, cơ quan quản lý phải có sự hỗ trợ các công ty taxi truyền thống, nội địa, phát triển các công nghệ tương tự để bảo vệ vị trí và thương hiệu của mình. Mặt khác, không nên tư duy theo chiều ngược lại, tức là bắt xe hợp đồng điện tử phải chịu điều tiết hay quản lý theo kiểu taxi truyền thống.

Chuyên gia giao thông vận tải Nguyễn Xuân Thủy cũng phân tích, dù là taxi truyền thống hay taxi công nghệ thì khi tham gia kinh doanh vận tải điều quan trọng đầu tiên vẫn là phải đảm bảo an toàn và sự hài lòng cho khách hàng. Do đó, việc "gắn mào", đổi phù hiệu cho xe Grab cần phải quan tâm xem việc "gắn mào", đổi phù hiệu "xe hợp đồng" sang "xe taxi" có ảnh hưởng người dân hay không.

“Với xe Grab, họ có ứng dụng phần mềm gọi xe, hoạt động hiệu quả, khách hàng được hưởng lợi thì nên chăng, cơ quan thuế và các cơ quan chức năng tạo điều kiện thuận lợi hơn cho loại hình này hoạt động, phát triển. Được biết, ở một số nước như Singapore, Grab car chỉ có một biểu tượng hình con thú được gắn trên xe để trên phân biệt với taxi truyền thống. Chúng ta có nên tham khảo phương án bên đó thay vì “gắn mào” vừa không cần thiết, vừa gây tốn kém. Rõ ràng là chúng ta phải quản lý các xe taxi công nghệ nhưng cách quản lý thế nào thì cần lý lấy ý kiến chuyên gia, người dân và tài xế đảm bảo tính khách quan rồi từ đó mới đưa ra phương án đề xuất cụ thể gắn với thực tế hơn”, ông Thủy cho hay.

Luật sư Kiều Anh Vũ, Công ty Luật KAV Lawyers cũng cho rằng, việc gắn hộp đèn cho taxi công nghệ theo dự thảo đưa ra là không cần thiết. Các tài xế tham gia taxi công nghệ thường là sử dụng xe thuộc quyền sở hữu, quyền sử dụng của họ và hợp tác với đơn vị kinh doanh vận tải để vận chuyển hành khách khi nhàn rỗi hoặc theo điều kiện thời gian phù hợp với họ. Do đó, việc yêu cầu gắn hộp đèn taxi là không phù hợp với tính chất của mô hình hoạt động này.

Luật sư nhấn mạnh: "Việc đảm bảo sự cạnh tranh bình đẳng trong kinh doanh là điều cần thiết tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là các loại hình này phải quản lý giống nhau. Bởi taxi công nghệ, taxi điện tử là phương thức kinh doanh mới, cần cách quản lý mới phú hợp chứ không thể gom phương thức kinh doanh mới về kiểu cũ và quản lý theo cách cũ. Nếu cho rằng gắn hộp đèn để nhận diện là cũng không thuyết phục bởi lẽ việc nhận diện taxi công nghệ trong là nhận diện bằng phần mềm và các thông tin chi tiết để nhận diện đều được cung cấp qua phần mềm không liên quan đến vỏ ngoài của xe".

An Yên