Gọi xe công nghệ nâng tầm suy nghĩ của người Việt
Cập nhật lúc: 11/10/2018, 10:16
Cập nhật lúc: 11/10/2018, 10:16
Chị Phương hớt ha hớt hải tay xách nách mang những đồ những đạc, những quà những bánh, những cây những trái chạy vội vàng ra đầu ngõ.
Dưới cái nắng mùa hè gay gắt, mồ hôi mồ kê nhễ nhại, chị đứng nép vào mái hiên và cố vẫy chú xe ôm đứng bên kia đường. Chẳng hiểu tờ báo có gì hay ho mà chú xe ôm cứ chúi mũi vào đó, thi thoảng lại vỗ đùi đánh cái đét.
Người vui kẻ bực dọc, chị Phương tất tả lê cái đống đồ gom lại một chỗ bên gốc gây, chạy băng qua bao nhiêu xe cộ đang bóp còi inh ỏi để sang đường.
-“Ơ cái anh này, không đi xe ôm hử, sao tôi gọi mãi không nghe?”
- “Chị làm gì mà om sòm lên thế hả, chị là con giời à? Đi đâu?
- “Thôi chú giúp tôi ra bến xe Giáp Bát cho kịp giờ, kẻo xe lại chạy mất tôi lại phải chờ đến sáng ngày mai”.
- “100 ngàn”
- “Ối giời! Cái gì mà kinh thế. Bằng tiền về quê nhà tôi rồi đấy”.
- “Phải gió nhà cái chị này, giữa giờ ngọ nắng như đổ lửa đố thằng nào chở chị đi đấy… Thế có đi không để tôi còn đọc báo tiếp?
Chị Phương đành phải chạy sang đường lê đống đồ rồi ngồi sau anh xe ôm. Với tài lượn lách đến đứng tim, chú xe ôm chui qua các ngõ ngách nhỏ hẹp để đến được bến xe.
Leo lên được ô tô rồi, chị Phương mới thở phào nhẹ nhõm, suýt nữa thì lỡ chuyến. Chợt nhớ đến túi hoa quả treo trên xe chú xe ôm, chị cố ngoái ra cửa kính nhưng đã không thấy đâu.
4 năm sau…
Chị Phương nằm đọc sách trên ghế sofa. Chồng chị chạy đi chạy lại chuẩn bị cái này cái nọ, thi thoảng lại gắt lên. “Em không chuẩn bị nhanh lên, trễ giờ bây giờ”.
“Anh không phải lo, thời đại công nghệ 4.0, lo sớm làm gì cho mệt”. Chị Phương thư thái uống nốt cốc sữa, tay cầm điện thoại mở ứng dụng Grab. Chỉ chưa đầy 2 phút sau, đã thấy tin nhắn báo “tài xế đã đến”.
Cậu bé nom còn trẻ như sinh viên, nhanh nhẹn tươi cười chào chị và ngay khi mở cửa, đã nhanh tay khuân đống đồ lên xe. Ga vút nhanh, chồng chị Phương thở phào nhẹ nhõm, an tâm trở vào nhà.
Chú em xe ôm vui vẻ bắt chuyện với chị Phương, kể đủ thứ chuyện nào là gia cảnh thế nào, đi học ra sao, rồi chuyện bén duyên với nghề xe ôm công nghệ, có tiền để trang trải học hành mà chẳng lo gây thêm ghánh nặng cho gia đình. Chị Phương tấm tắc, chú em này còn non tuổi mà biết nghĩ sâu xa và chín chắn phết, thanh niên bây giờ không phải đứa nào cũng chơi bời lêu lổng. À không, phải nói là, thời đại công nghệ khiến cuộc sống của mọi người dễ dàng hơn…
Nhớ cái thời khi công nghệ chưa đến, còn phải đội nắng che mưa đi vẫy xe ôm thật khó nhọc cực khổ, giờ đây chỉ cần một chiếc điện thoại thông minh là xe đến ngay tận cửa…
Người mở đường cho gọi xe công nghệ là Uber và Grab nhưng để làm cho lĩnh vực xe công nghệ nở rộ có lẽ phải kể đến công lao của Grab. Vào thị trường vận tải Việt vào tháng 2/2014, hãng này đã thực sự làm một cuộc cách mạng trên thị trường gọi xe, biến cái không thành có, “đào tạo” cho cả những người chưa hiểu biết chút gì về công nghệ cách sử dụng phần mềm, cách ứng dụng phần mềm vào cuộc sống thường nhật.
Với dịch vụ của Uber và Grab, hầu hết khách hàng đều hài lòng với chất lượng, từ việc chẳng còn phải gặp cảnh “kỳ kèo bớt một thêm hai” cho đến việc chẳng phải đợi chờ dài cổ hay gặp phải “xế” kém lịch sự và phải lo lắng khi đi lệch cung đường. Bởi tất cả những điều đó sẽ thể hiện qua việc chấm điểm theo mức sao của khách hàng.
Đến thời điểm hiện tại, sau khi mua lại Uber tại Đông Nam Á, Grab đã trở thành “cây đại thụ” ở thị trường này, với 175.000 đối tác tại Việt Nam. Sau khi sát nhập Uber thì thời gian chờ xe của khách hàng cũng giảm rất nhiều, trung bình chỉ mất 2,5 phút sau khi nhập cuốc. Chính vì thế mà những khách hàng như chị Phương có thêm thời gian để uống cốc sữa nóng mà chẳng phải tất tưởi lo lắng không bắt được xe như trước kia.
Không những vậy, gọi xe công nghệ ra đời có rất nhiều cái lợi như giảm thiểu tình trạng tắc đường, giảm chi phí đỗ xe. Trao đổi về điều này, Tiến sĩ Phan Lê Bình - Chuyên gia JICA, giảng viên trường Đại học Việt - Nhật nhận định “Nhu cầu đi lại của người dân thì trước hay sau khi có taxi công nghệ thì họ vẫn phải đi. Khi có dịch vụ gọi xe công nghệ, họ có thể gọi xe nhanh chóng và thuận tiện hơn.
Trước đây, khi chưa có dịch vụ gọi xe công nghệ, hầu như các xe taxi, xe ôm phải đi lòng vòng ráo riết tìm khách, bây giờ hiện tượng này không còn nữa và điều đó hiển nhiên là ưu điểm lớn. Hơn nữa, 1 xe có thể phục vụ đc 15-20 người/ngày, khách sẽ không phải mất thời gian tìm bến bãi đỗ xe cho nên giảm bớt rất nhiều chi phí cho cả người gọi lẫn người lái”.
Cũng theo ông Bình, việc trước đây nhiều người quan niệm những hãng xe công nghệ như Grab làm ách tắc giao thông cũng hoàn toàn là cách hiểu sai,“ách tắc giao thông là do hạ tầng giao thông không đáp ứng được nhu cầu di chuyển của người dân. Grab vào không thể làm hẹp hạ tầng giao thông vì nhu cầu di chuyển của người dân vẫn vậy. Thế thì tại sao nói Grab làm ách tắc giao thông được. Rất nhiều lái xe taxi truyền thống chuyển qua Grab thì đó cũng chỉ là chuyển đổi loại hình thôi, chứ không thể nào đổ cho việc này làm tăng lưu lượng giao thông”.
Như vậy là những ông lớn của thị trường gọi xe công nghệ đã thực hiện rất tốt “kinh tế chia sẻ” – một khái niệm cần thiết trong thời đại 4.0 và là mô hình kinh doanh văn minh của tương lai. Đó là dựa vào các thiết bị di động và các dịch vụ điện tử để việc sử dụng hàng hóa được chia sẻ và các dịch vụ thuận tiện hơn đối với khách hàng. Đó là ưu thế lớn của thời đại 4.0.
Khi Grab mới vào Việt Nam thì dịch vụ taxi công nghệ vẫn còn là con số 0 và hãng này đã nhanh chóng tạo nên bước chuyển lớn trong suy nghĩ của rất nhiều người về phương tiện giao thông công cộng.
Dịch vụ xe ôm công nghệ còn có công thức tỉnh những ông lớn vận tải truyền thống đang ngủ say trong thế độc tôn, khiến họ phải bừng tỉnh và thay đổi cùng thời đại. Bằng chứng là ngay sau Grab không ít những hãng vận tải truyền thống như Taxi Group, Mai Linh, Thế Kỷ Mới, Sao Thủ Đô, Vinasun… đều triển khai app gọi xe.
Tuy rằng, những hãng taxi truyền thống vẫn chưa tạo được tiếng tăm lớn đối với khách hàng nhưng điều đó cũng đã là một tín hiệu hết sức khả quan đối với thị trường này.
23:01, 28/09/2018
20:31, 27/09/2018
14:20, 19/09/2018
08:45, 19/09/2018