Bài 1: Techbike - thị trường sôi động nhưng không dễ “xơi”
Cập nhật lúc: 27/09/2018, 20:31
Cập nhật lúc: 27/09/2018, 20:31
Theo số liệu báo cáo của Bộ Giao thông Vận tải, Việt Nam với lượng tiêu thụ 3,1 triệu xe máy đứng ở vị trí thứ 4 trong các quốc gia lưu thông xe máy nhiều nhất (năm 2016). TP.HCM là nơi có tỷ lệ xe máy cao nhất cả nước hiện nay với gần 7,5 triệu xe máy đang lưu thông.
Để thoải mái, thuận tiện cho việc đi làm, sinh hoạt hằng ngày phần lớn người Việt đều thích đi xe máy. Chính vì vậy mà lực lượng xe ôm ở Việt Nam rất đông đảo. Việc gọi xe ôm hiện nay lại càng dễ dàng hơn khi có đến gần 10 hãng trong và ngoài nước đang hoạt động rất tích cực trên thị trường gọi xe công nghệ.
Sau khi Uber rút lui khỏi Đông Nam Á, Grab không giữ thế độc tôn quá lâu khi liên tiếp trên thị trường xuất hiện nhiều hãng xe ôm công nghệ mới như Aber, Vato, Mai Linh Bike rồi FastGo, Go-Viet, Ixe.
Không thể phủ nhận, những tên tuổi mới trên đã làm cho thị trường này sôi động hơn, cạnh tranh hơn và tất nhiên người tiêu dùng vì thế cũng được lợi.
Ứng dụng gọi xe ra đời đã cung cấp hàng ngàn công việc có ích cho những người nhàn rỗi, những người muốn kiếm thêm thu nhập, nhất là tầng lớp sinh viên, tránh khỏi sa đà vào những chốn ham mê vô hại của tuổi trẻ. Chỉ tính riêng với Grab, sau 4 năm hoạt động đã mang lại công ăn việc làm cho 135.000 đối tác và giúp việc đặt xe trở nên dễ dàng.
Nam – một sinh viên trường Đại học Giao thông vận tải cho biết, kể từ khi chạy xe ôm Grab cậu không còn phải xin tiền bố mẹ hàng tháng. Trừ xăng xe thì mỗi tháng em kiếm được khoảng 3 triệu đồng chạy part-time. Nhờ công việc linh động này mà Nam cũng mạnh dạn hơn, giao tiếp tốt lên và thay đổi mình để khách hàng vui vẻ thì mới được nhiều sao, nhiều “cuốc” mới.
Thị trường xe ôm công nghệ phát triển còn mang lại những lợi ích cho chính người tiêu dùng. Chính từ việc cạnh tranh, các doanh nghiệp sẽ phải hoàn thiện và cung cấp sản phẩm tốt hơn đối thủ trên trường đua mới mong người dùng chú ý và tìm đến.
Thực tế, xe ôm công nghệ đã mang đến một cái nhìn khác cho người tiêu dùng, cái nhìn tiến bộ đi kèm công nghệ 4.0. Khách hàng có thể nhận rõ những tích cực từ công nghệ gọi xe mang lại, so với dịch vụ xe ôm truyền thống xưa nay vốn nổi tiếng chặt chém, thái độ phục vụ kém và chạy vòng vèo câu tiền.
Dịch vụ gọi xe công nghệ đã khắc phục được tất cả những nhược điểm này và làm thay đổi bộ mặt của thị trường giao thông vận tải, tạo một cú hích khiến các ông lớn vận tải truyền thống đang "ngủ say" trong thế độc tôn phải bừng tỉnh và thay đổi theo thời đại thế giới số.
Tất nhiên, sự phát triển quá nhanh sẽ dẫn đến hệ lụy đi kèm. Trước đây, khi Grab còn “một mình một sân chơi” khách hàng khó có sự so sánh nhưng khi một loạt các ứng dụng gọi xe ôm trực tuyến ra đời thì những mặt trái của nó sẽ bị lộ ra rõ ràng.
Hiện nay, trước khi Nghị định 86 (về điều kiện kinh doanh vận tải) được sửa đổi thì chưa có quy định chặt chẽ nào dành cho những người lái xe ôm công nghệ. Vì thế, họ chưa có bất kỳ ràng buộc và quyền lợi nào, nhất là các hãng nước ngoài đang hoạt động chưa có tổ chức. Điều này mang đến không ít khó khăn cho cánh xe ôm công nghệ.
Điển hình là khi GrabBike nở rộ ở Việt Nam, những lái xe của hãng này đã chịu rất nhiều oan ức và khổ sở khi bị cánh xe ôm truyền thống miệt thị, khinh rẻ thậm chí là đập phá xe, đe dọa đến tính mạng. Xe ôm truyền thống cho rằng, tài xế GrabBike tranh bến bãi, "hất đổ chén cơm" của họ. Không những vậy, còn có rất nhiều vụ việc lái xe Grab bị hành hung, cướp giết trong lúc chở khách, tai nạn xe cộ khiến nhiều người bàng hoàng.
Hầu như các tài xế xe ôm hiện nay đều không được bảo trợ khỏi những rủi ro nghề nghiệp. Họ chỉ đơn giản là kiếm miếng cơm manh áo qua một công việc đơn giản, khó tránh khỏi nguy hiểm rình rập.
Grab là hãng công nghệ đi đầu khi có bảo hiểm tai nạn dành cho đối tác và hành khách trong chuyến đi theo chính sách (tối đa lên đến 100 triệu đồng). Ngoài ra, Grab còn có những chính sách hỗ trợ chi phí về mặt tinh thần, động viên chăm sóc, hướng dẫn cách phòng tránh cũng như hỗ trợ luật sư, trình báo công an khu vực xảy ra vụ việc hành hung để công an tiếp nhận, xử lý". Chỉ tiếc là những gói bảo hiểm như của GrabBike trong thị trường gọi xe công nghệ còn rất ít.
Không phải sự cạnh tranh nào cũng mang tính chất lành mạnh. Hãng Go-Viet dưới bóng tập đoàn Go-Jek bước chân vào thị trường Việt rất rầm rộ bằng các chiêu giảm giá sốc như 1.000 đồng, 5.000 đồng, rồi tăng dần lên 8.000 đồng. Hãng này còn dùng chiêu “câu” khách hàng từ hãng khác sang bằng chương trình thưởng tiền cho tài xế đạt số lượng cuốc xe hàng ngày. Go-Viet dường như đánh trúng tâm lý thích giảm giá của người Việt.
Tuy vậy, trả lời về chiêu khuyến mãi “sốc” này, ông Bùi Danh Liên, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải TP Hà Nội cho biết: "các chương trình khuyến mãi thu hút cả tài xế và khách hàng cũng chỉ là chiêu cũ. Khách họ có thể đến với Go-Viet bằng giá rẻ thì cũng có thể bỏ đi khi không còn khuyến mãi, nhất là khi hãng tăng giá đột ngột".
Còn phía các xe ôm lại cho rằng, việc tuyển người ồ ạt mà không có một tiêu chí, yêu cầu cụ thể nào có thể làm ảnh hưởng đến chất lượng dịch vụ đến tay người dùng. Thực tế là mới bước chân vào thị trường không lâu nhưng Go-Viet đã dính phải lùm xùm tài xế gây chết người trong va chạm giao thông.
Về lâu dài, các chính sách khuyến mãi cho lái xe và người dùng hầu hết đều khiến các công ty phải bù lỗ, để chiếm lĩnh thị phần các đại gia xe ôm công nghệ phải chấp nhận cuộc chơi “đốt tiền”. Nếu không đủ tiềm lực thì họ sẽ phải nhanh chóng rời bỏ thị trường.
Rất nhiều người dùng tìm đến xe ôm công nghệ không hẳn là những người sành sỏi smart phone, do vậy việc đánh giá một thương hiệu còn phụ thuộc vào ứng dụng có trơn mượt và dễ dùng hay không.
Trong khi rất ít người dùng kêu ca về nền tảng có từ lâu đời của Grab thì với những "lính mới" như Go-Viet, FastGo lại hoàn toàn khác. Từ ngày ra mắt cho đến nay, lượng khách hàng phàn nàn rằng ứng dụng của Go-Viet thường xuyên bị lỗi không phải là ít, không những không tìm thấy tài xế mà còn luôn luôn hiển thị thông báo “counldn’t load price” hoặc "không tìm thấy tài xế ở khu vực này". Còn ứng dụng FastGo, Aber thì các điểm định vị còn chưa tối ưu.
Điều này gây không ít khó chịu cho các khách hàng khi họ muốn trải nghiệm nhưng không có cơ hội nên họ không thể đưa ra nhận xét và có cảm tình được với dịch vụ mà các hãng đưa ra.
Khách hàng trong thời đại số rất tỉnh táo và thông minh, nếu các hãng không hướng đến giá trị cốt lõi là sự tiện lợi, an toàn, chi phí tiết kiệm và sự văn minh di chuyển vì người dùng thì e rằng sẽ khó để có thể tồn tại lâu dài.
00:43, 27/09/2018
00:08, 25/09/2018
01:00, 22/09/2018
14:20, 19/09/2018