19/01/2025 | 15:36 GMT+7, Hà Nội

Tập trung kiểm soát lạm phát ở mức dưới 4%: Ổn định phát triển kinh tế - xã hội

Cập nhật lúc: 13/05/2020, 16:58

Cùng với việc phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng GDP trên 5%, Chính phủ, cơ quan chức năng đang nỗ lực bảo đảm kiểm soát lạm phát ở mức dưới 4% trong năm 2020. Đây là mục tiêu quan trọng để bảo đảm giữ ổn định...

Cùng với việc phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng GDP trên 5%, Chính phủ, cơ quan chức năng đang nỗ lực bảo đảm kiểm soát lạm phát ở mức dưới 4% trong năm 2020. Đây là mục tiêu quan trọng để bảo đảm giữ ổn định phát triển kinh tế - xã hội và đời sống nhân dân, đặc biệt trong bối cảnh nền kinh tế chịu nhiều tác động do dịch Covid-19.

Giá thịt lợn nếu tiếp tục ở mức cao sẽ gây áp lực lớn đối với chỉ số lạm phát năm 2020. Trong ảnh: Sản xuất thịt lợn sạch tại Công ty cổ phần Thực phẩm Song Đạt (huyện Thanh Trì), góp phần tăng nguồn cung cho thị trường. Ảnh: Viết Thành

Giá thịt lợn gây áp lực lên CPI

Theo Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 4-2020 giảm 1,54% so với tháng 3, là mức thấp nhất trong giai đoạn 2016-2020. Tuy nhiên, CPI bình quân 4 tháng đầu năm 2020 so với cùng kỳ năm 2019 lại tăng 4,9%, là mức tăng cao nhất trong giai đoạn 2016-2020. Trong đó, “thủ phạm” chính là giá thịt lợn vẫn đứng ở mức cao.

Bà Đỗ Thị Ngọc, Vụ trưởng Vụ Thống kê giá (Tổng cục Thống kê) cho biết, trong 4 tháng đầu năm 2020, giá thịt lợn tăng 61,54% so với cùng kỳ năm 2019, làm CPI tăng thêm 2,58%. “Nếu giá thịt lợn tiếp tục neo ở mức cao như hiện nay sẽ là áp lực đối với chỉ số lạm phát năm 2020 khi giá mặt hàng này chiếm 4,2% trong “rổ” tính toán CPI hằng tháng”, bà Đỗ Thị Ngọc thông tin.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Bích Lâm, nguyên Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê cho rằng, giá thịt lợn neo ở mức cao là đáng lo ngại, bởi giá thịt lợn tăng còn đẩy giá sản phẩm chế biến từ thịt lợn và các loại thực phẩm nói chung tăng theo phản ứng dây chuyền. Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng có nhiều nhóm hàng đầu vào giúp giảm CPI. Ví dụ, sau 8 đợt điều chỉnh từ đầu năm, bình quân giá xăng dầu tháng 4-2020 đã giảm khoảng 29% so với tháng 3 và giảm 37% so với bình quân năm 2019, góp phần làm CPI tháng 4-2020 giảm khoảng 1,2%.

Phân tích các yếu tố ảnh hưởng đến việc giữ chỉ số lạm phát dưới 4% trong năm 2020, bà Đỗ Thị Ngọc cho rằng có cả thuận lợi và bất lợi đan xen. Dù nhu cầu sử dụng xăng dầu có thể nhích lên nhưng khó có diễn biến bất ngờ. Giá xăng dầu nhìn chung vẫn sẽ ở mức thấp và không đáng lo ngại vì Chính phủ vẫn có thể sử dụng công cụ điều tiết khác (thuế, sử dụng Quỹ Bình ổn) để can thiệp, hỗ trợ kiềm chế lạm phát thời gian tới.

Trong khi đó, việc hỗ trợ giảm giá điện cho hộ dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, với 2 triệu đơn vị, hộ sản xuất kinh doanh được thụ hưởng; hay giá nước, giá gạo, giá nhiều loại vật tư, nguyên liệu cho sản xuất cũng duy trì ổn định hoặc tương đối thấp là điều kiện tổng hợp vừa kích hoạt sản xuất, kinh doanh vừa nhằm kiềm chế lạm phát. Ngoài ra, việc điều hành giá các mặt hàng do Nhà nước quản lý như giá dịch vụ y tế hoặc giáo dục cũng đang được theo dõi và có bước đi phù hợp nhằm đạt được mục tiêu kiểm soát lạm phát năm 2020.

"Kiểm soát lạm phát đang chịu sự chi phối của nhiều yếu tố, nên rất cần theo dõi, có giải pháp linh hoạt, phù hợp trong điều hành giá”, ông Nguyễn Bích Lâm phân tích thêm.

Chủ động các yếu tố điều hành giá

Các cơ quan chức năng đang nỗ lực bảo đảm kiểm soát lạm phát ở mức dưới 4% trong năm 2020 dù bối cảnh nền kinh tế chịu nhiều tác động do dịch Covid-19. Ảnh: Minh Nhân

Trong bối cảnh dịch Covid-19 ảnh hưởng đến các lĩnh vực kinh tế - xã hội, mục tiêu đạt tăng trưởng 5% trong năm 2020 là quyết tâm lớn; đi đôi với đó, chỉ số lạm pháp phải giữ ở mức dưới 4% như kế hoạch đề ra. Điều này một lần nữa được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh tại Hội nghị trực tuyến Thủ tướng Chính phủ với cộng đồng doanh nghiệp diễn ra cuối tuần qua.

Theo Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) Nguyễn Anh Tuấn, Bộ Tài chính đang kiểm soát chặt chẽ yếu tố hình thành giá đối với mặt hàng bình ổn giá; các hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá… “Bộ Tài chính cùng các bộ đang hoàn thiện kịch bản, phương án điều hành giá từng mặt hàng để bảo đảm kiểm soát tốc độ tăng CPI dưới 4% trong năm 2020”, ông Nguyễn Anh Tuấn cho biết.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng khẳng định, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục chính sách điều hành tiền tệ linh hoạt với mục tiêu bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát. Trong khi đó, đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho hay, tổng các gói hỗ trợ mà Chính phủ đưa ra vào khoảng 636.000 tỷ đồng (khoảng 10% GDP) không ảnh hưởng đến CPI.

Liên quan đến giá thịt lợn, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Công Thương đang thực hiện nhiều giải pháp để tái đàn, kiểm soát các khâu trung gian, đưa giá thịt lợn hơi về mức 60.000-65.000 đồng/kg. Theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường, Bộ đã chỉ đạo tập trung tái đàn nhanh, kết hợp với bảo đảm nuôi an toàn, tránh dịch bệnh, hướng tới khả năng cân bằng cung - cầu trong quý III và quý IV-2020. Bộ cũng đề nghị các ngành cùng hỗ trợ nông dân, doanh nghiệp tái đàn lợn.

Các chuyên gia cho rằng, bỏ bớt 2-5 khâu trung gian cũng là biện pháp để giảm giá thịt lợn tới hàng chục phần trăm so với mức giá hiện tại. Theo ông Lê Huy Khôi, Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách công thương (Bộ Công Thương), việc hình thành giá cao hay thấp chủ yếu dựa trên quan hệ cung - cầu. Bởi vậy, nếu có giải pháp dung hòa mối quan hệ này, bảo đảm nguồn cung đối với những mặt hàng quan trọng như xăng dầu, thực phẩm - lương thực... thì sẽ kiểm soát được lạm phát.

Nhận định về khả năng kiềm chế lạm phát năm 2020, ông Nguyễn Bích Lâm phân tích, trong trường hợp giá các mặt hàng thực phẩm, lương thực, đồ uống và may mặc ổn định, nhất là giá thịt lợn hơi bình quân sớm về mức 60.000-65.000 đồng/kg từ tháng 7-2020 thì có thể kiềm chế lạm phát hiệu quả. “Thực tế những năm qua, Chính phủ, các bộ, ngành đã điều hành giá trong nhiều hoàn cảnh phức tạp, nên có thể tin tưởng khả năng lạm phát cả năm từ 3,3% đến 3,9%”, ông Nguyễn Bích Lâm dự báo.