19/01/2025 | 15:29 GMT+7, Hà Nội

Tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, đồng hành cùng doanh nghiệp

Cập nhật lúc: 28/12/2020, 18:17

Với tinh thần đồng hành cùng doanh nghiệp, Hà Nội tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, và nâng cao năng lực cạnh tranh, hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp.

Với tinh thần đồng hành cùng doanh nghiệp, cải thiện môi trường đầu tư và nâng cao năng lực cạnh tranh, hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp, những năm qua, nỗ lực thực hiện Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 15-5-2016 của Chính phủ về hỗ trợ doanh nghiệp đến năm 2020 của thành phố Hà Nội đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận.

Tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi

Xác định cải cách thủ tục hành chính hỗ trợ doanh nghiệp là nhiệm vụ trọng tâm, Hà Nội đã triển khai hàng loạt các biện pháp thiết thực để tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp trên địa bàn như, xây dựng chính phủ điện tử để giảm thời gian và chi phí cho doanh nghiệp.

Đến cuối năm 2019, tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 đã đạt 100%. Các ngành, lĩnh vực liên quan trực tiếp đến doanh nghiệp như đăng ký kinh doanh, thuế, hải quan, bảo hiểm xã hội, đất đai, vốn, điện năng đều được chú trọng để giảm thời gian và chi phí cho doanh nghiệp.

Hà Nội thực hiện 100% đăng ký doanh nghiệp qua mạng điện tử; triển khai tích hợp 4 dịch vụ tiện ích hỗ trợ doanh nghiệp trong đăng ký kinh doanh.

Ngành thuế đã thực hiện cấp mã số doanh nghiệp tự động cho các doanh nghiệp thành lập mới không quá 30 phút; kê khai thuế qua mạng đạt 97,1%; 95,5% đơn vị đăng ký nộp thuế điện tử và tỷ lệ tiền thuế nộp điện tử đạt khoảng 95%; trao đổi thông tin với doanh nghiệp 100% qua thư điện tử.

Số đơn vị sử dụng lao động thực hiện giao dịch hồ sơ điện tử chiếm trên 97% số đơn vị tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế bắt buộc.

Tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi

Các sở, ngành đơn giản hóa 91 thủ tục hành chính liên quan đến lĩnh vực tài nguyên và môi trường, trong đó thực hiện rà soát từng thành phần hồ sơ, từng khâu thực hiện; kết quả đã đơn giản hóa 61 thủ tục hành chính, cắt giảm thời gian thực hiện từ 30-50% theo quy định (chiếm tỷ lệ 67% tổng số thủ tục hành chính được rà soát); rút ngắn được thời gian thẩm định hồ sơ nhu cầu sử dụng đất được từ 5 đến 10 ngày...

Nhằm hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, đồng hành cùng doanh nghiệp trong một số lĩnh vực cụ thể, thành phố bố trí nguồn vốn cho vay đối với các dự án theo danh mục được ưu tiên; phê duyệt điều chỉnh giảm lãi suất cho vay tối thiểu nhằm nâng cao khả năng tiếp cận vốn vay, hỗ trợ cho các doanh nghiệp thực hiện xã hội hóa các lĩnh vực phát triển kinh tế - xã hội của thành phố.

Để giảm thiểu ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19, Hà Nội cũng kịp thời cơ cấu lại lãi suất và thời hạn trả nợ cho các doanh nghiệp. Đến ngày 31-10-2020, các tổ chức tín dụng đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho 10.192 khách hàng với tổng dư nợ đạt 43.324 tỷ đồng; miễn giảm lãi cho 1.034 khách hàng với tổng số tiền miễn giảm đạt 67 tỷ đồng. Thành phố cũng đẩy mạnh cho vay mới với lãi suất ưu đãi, đến ngày 31-10-2020, tổng dư nợ cho vay đạt 445.684 tỷ đồng với hơn 37.000 lượt khách hàng.

Phát triển kinh doanh theo nguyên tắc bình đẳng, công bằng, minh bạch

Theo số liệu thống kê, ước tính đến ngày 31-12-2020, Hà Nội sẽ cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp cho 26.441 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký là 337.689 tỷ đồng, nâng tổng số doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội lên 303.646 doanh nghiệp. Số doanh nghiệp hoạt động trở lại là 6.298 doanh nghiệp (tăng 21% so với cùng kỳ).

Với tinh thần đồng hành cùng doanh nghiệp, tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư và nâng cao năng lực cạnh tranh, hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp theo tinh thần chỉ đạo của Chính phủ và đồng thời hoàn thành các mục tiêu của Chính phủ về thúc đẩy, phát triển doanh nghiệp trên địa bàn, thời gian tới, Hà Nội tiếp tục xác định nhiệm vụ trọng tâm là tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, công khai minh bạch thông tin; tạo lập môi trường đầu tư thuận lợi, thúc đẩy phát triển kinh doanh theo nguyên tắc bình đẳng, công bằng, minh bạch.

Thành phố cũng chú trọng xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp, thúc đẩy đổi mới sáng tạo; kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, phát triển doanh nghiệp; từng bước xây dựng Thành phố thông minh trên cả ba trụ cột là công nghệ, quản trị, và cư dân.

Tận dụng những tác động lớn và diện rộng của công nghệ thông tin với mạng lưới doanh nghiệp đông đảo và năng động, các cấp, ngành tiếp tục rà soát quy trình, tăng cường một cửa liên thông, hướng tới “một cửa liên thông điện tử” để chủ động giảm thời gian và chi phí cho doanh nghiệp trong khởi sự kinh doanh và thực hiện các quy định của Nhà nước.

Những giải pháp trên nhằm hướng tới sự chuyển biến mạnh mẽ hơn nữa về kỷ cương hành chính, đổi mới lề lối, phong cách làm việc của cán bộ, công chức, viên chức thành phố. Cùng với những chính sách cải thiện mặt bằng sản xuất, nâng cao chất lượng giải quyết các thủ tục hành chính, kết nối ngân hàng - doanh nghiệp, phối hợp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp; tăng cường xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường..., thành phố Hà Nội tiếp tục cam kết sẽ đồng hành cùng doanh nghiệp nhằm hướng tới sự phát triển bền vững của Thủ đô.

Theo Hà Nội Mới

Nguồn: http://www.hanoimoi.com.vn/tin-tuc/Kinh-te/987220/ha-noi-tao-moi-truong-dau-tu-kinh-doanh-thuan-loi-dong-hanh-cung-doanh-nghiep