19/01/2025 | 21:29 GMT+7, Hà Nội

Tăng tuổi nghỉ hưu: Cần tầm nhìn và một lộ trình chiến lược

Cập nhật lúc: 24/05/2019, 12:00

Dự thảo sửa đổi Luật Lao động sẽ được Chính phủ trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 7 (tháng 5/2019) và các đại biểu Quốc hội bỏ phiếu thông qua vào Kỳ họp thứ 8 (tháng 10/2019).

Dự thảo sửa đổi Luật Lao động sẽ được Chính phủ trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 7 (tháng 5/2019) và các đại biểu Quốc hội bỏ phiếu thông qua vào Kỳ họp thứ 8 (tháng 10/2019), thì vẫn có nhiều ý kiến trái chiều về các quy định tại dự thảo.

Nhiều ý kiến cho rằng, lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu cần tiến hành chậm, đặc biệt không quy định “dàn hàng ngang” mà phải cụ thể với từng đối tượng, bắt đầu từ khu vực hành chính sau đó mới tới doanh nghiệp.

"Tăng tuổi nghỉ hưu: Không thể chậm trễ"

Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung nói như vậy chiều 19/5 khi đề cập tới các nội dung nêu trong dự thảo Bộ luật Lao động sửa đổi được Chính phủ trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 7, bắt đầu từ ngày 20/5. Theo Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, những nội dung mà lần này Chính phủ trình ra Quốc hội về Bộ Luật Lao động sửa đổi đang rất cần được báo chí, các đại biểu Quốc hội ủng hộ, làm tốt công tác tuyên truyền để tới được đông đảo quần chúng nhân dân.

Vấn đề cần được hiểu rõ nhất, theo Bộ trưởng Dung là câu chuyện tăng tuổi nghỉ hưu. “Chúng ta phải xác định rằng nếu với lộ trình áp dụng Luật Lao động sửa đổi như hiện nay thì tới năm 2036, người phụ nữ đầu tiên mới nghỉ hưu ở độ tuổi lao động mà luật sửa đổi đề xuất, tức là tuổi 60. Và đến 2029 thì người nam giới ở dạng lao động bình thường mới nghỉ hưu ở tuổi 62. Chứ không phải bây giờ nói nghỉ hưu là chúng ta hình dung rằng sẽ nghỉ hưu tất cả” - Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nói và cho biết hiện nay trong công nhân và nhiều lực lượng đang chưa hiểu đúng vấn đề của chuyện tăng tuổi nghỉ hưu. “Tôi rất muốn nhờ báo chí, đại biểu Quốc hội tuyên truyền nhiều để cho mọi người có thể hiểu rõ vấn đề này” - ông Đào Ngọc Dung nhắc lại lời đề nghị để dư luận hiểu thông suốt dự thảo luật mà Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội là cơ quan được giao nhiệm vụ chủ trì soạn thảo.

Việc tăng tuổi nghỉ hưu cần phải có lộ trình phù hợp nhằm giảm tác động tới các vấn đề xã hội. (Ảnh: minh họa)

Việc tăng tuổi nghỉ hưu cần phải có lộ trình phù hợp nhằm giảm tác động tới các vấn đề xã hội. (Ảnh: minh họa)

Làm rõ hơn về nội dung đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết điều kiện để nâng tuổi nghỉ hưu như dự thảo bộ luật đề xuất là dành riêng cho những lao động làm việc trong điều kiện bình thường.

Những đối tượng suy giảm sức khỏe, suy giảm lao động, lao động trong điều kiện nặng nhọc... thì sẽ có chính sách khác, những đối tượng này không những không tăng tuổi hưu mà còn được giảm tuổi hưu xuống 5 năm.

Bên cạnh đó, để tận dụng tối đa trình độ, kinh nghiệm của lực lượng lao động có trình độ cao như các Giáo sư, Phó Giáo sư; tận dụng những người làm việc trong một số ngành nghề đặc biệt như tòa án, kiểm sát... thì các đối tượng này có thể kéo dài tuổi lao động thêm 5 năm.

“Ngoài ra dự thảo nghị định chúng tôi còn thiết kế một mục dành cho những trường hợp đặc biệt như suy giảm sức khỏe 61% thì sẽ được quyền lựa chọn tuổi hưu, trong dự thảo của Luật Lao động sửa đổi dự kiến có thể nghỉ sâu tới 10 năm. Những đối tượng bị suy giảm sức khỏe tới 81% thì bất cứ trong hoàn cảnh nào cũng được nghỉ hưu ngay.

Chúng tôi cũng thiết kế đồng bộ Luật Lao động sửa đổi sao cho đồng bộ với các luật khác, ví dụ như bảo hiểm. Người lao động có thể đóng bảo hiểm thấp xuống mức còn 15 năm và tiến tới sẽ là 10 năm. Nghĩa là Luật Lao động sẽ đồng bộ với các luật khác chứ không phải nói tăng tuổi hưu là tăng cứng nhắc” - Bộ trưởng Đào Ngọc Dung kết thúc vấn đề.

Cần có tầm nhìn dài hạn và có lộ trình phù hợp với tăng trưởng kinh tế

Cuộc tranh luận về việc tăng tuổi nghỉ hưu đã sôi nổi từ vài năm gần đây, nhưng điều đáng nói, lần nào Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đề xuất cũng bị dư luận phản ứng gay gắt bởi đều gây bất lợi cho NLĐ. Ngay như lần này, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu nhưng chưa hề có cuộc khảo sát lấy ý kiến hay đứng trên lập trường, quyền lợi của đa số NLĐ.

Không ít ý kiến cho rằng, đề xuất này chỉ phù hợp với một số ngành nghề đặc thù như nghiên cứu khoa học, không nên áp dụng đại trà, tránh gây bức xúc trong dư luận. Bởi ở độ tuổi 60, lao động nữ khó có thể đảm bảo năng suất công việc trong khi DN phải trả lương cao cùng với nhiều loại chi phí khác. Thực tế, thời gian qua, hàng loạt DN ồ ạt sa thải lao động nữ sau tuổi 35 bởi không đáp ứng yêu cầu công việc. Họ chủ yếu là lực lượng lao động giản đơn như công nhân da giày, may mặc, lắp ráp điện tử... Bên cạnh đó, hiện các DN đã và đang hướng tới ứng dụng cách mạng công nghiệp 4.0, máy móc, robot sẽ thay thế con người.

Liệu có cơ hội nào cho lao động làm việc đến 60 - 62 tuổi? Suy cho cùng, nếu càng kéo dài tuổi hưu thì việc NLĐ xin nghỉ sớm là điều dễ xảy ra. Khi đó, nguồn thu Bảo hiểm Xã hội (BHXH) lớn nhất hiện nay sẽ bị ảnh hưởng trực tiếp và quy định tăng tuổi hưu sẽ chẳng có ý nghĩa đối với việc bảo toàn quỹ BHXH. Theo các chuyên gia, xét thực tế ở Việt Nam hiện nay, việc tăng tuổi nghỉ hưu còn tạo thêm kẽ hở cho các “nhóm lợi ích”... giữ ghế, duy trì quyền lợi và bổng lộc. Ngoài ra, còn làm cho thị trường lao động mất cân đối khi hiện đang còn hàng vạn, hàng triệu lao động trẻ có bằng cấp, được đào tạo qua trường lớp nhưng phải chịu cảnh thất nghiệp. Nếu tăng tuổi nghỉ hưu, cơ hội tìm việc của lớp trẻ càng bị thu hẹp.

Thêm nữa, nhiều chuyên gia cho rằng ban soạn thảo cần phải tính đến những tác động có thể ảnh hưởng đến thị trường lao động, đặc biệt là việc làm của lao động trẻ. Có một thực tế không thể phủ nhận là trong thị trường lao động, rất nhiều NLĐ - nhất là công nhân (CN) làm việc trong trong lĩnh vực nặng nhọc, độc hại như dệt may, giày da - rất khó có thể làm việc đến khi nghỉ hưu (60 tuổi với nam và 55 tuổi với nữ). Do vậy, việc tăng tuổi nghỉ hưu sẽ khiến họ kiệt sức.

Từ thực tế này, nhiều chuyên gia lao động cho rằng việc tăng tuổi nghỉ hưu cần phải được thực hiện một cách sòng phẳng với NLĐ, phải tính nhóm đối tượng nào tăng trước, nhóm đối tượng nào tăng sau. Đặc biệt, với nhóm đối tượng là CN trực tiếp sản xuất, cần có những đánh giá tác động cụ thể bởi thực tế tại nhiều khu chế xuất - khu công nghiệp, CN làm đến 35 - 40 tuổi đã bị đào thải. Nhiều ý kiến cũng cho rằng nên giữ nguyên quy định hiện hành vì chính sách thay đổi sẽ không khác gì phá vỡ cam kết giữa nhà nước và NLĐ.

Tại các hội thảo về vấn đề này, lãnh đạo Tổng Liên đoàn Lao động đồng ý với phương án 1, song đề nghị phải có lộ trình nhằm giảm các tác động không tốt đến các chính sách kinh tế - xã hội tổng thể. Riêng đối với những đối tượng đặc thù, có thể giao cho Chính phủ quy định chi tiết theo hướng xem xét để có lộ trình tăng chậm hơn hoặc có các chính sách hỗ trợ linh hoạt, không gây tác động tiêu cực đến thị trường lao động.

Nghị quyết 8-NQ/TW ngày 23/5/2018 của Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về cải cách chính sách BHXH nêu rõ: “Điều chỉnh tuổi nghỉ hưu cần có tầm nhìn dài hạn và có lộ trình phù hợp với tăng trưởng kinh tế, giải quyết việc làm, thất nghiệp; không gây tác động tiêu cực đến thị trường lao động”. Tăng tuổi nghỉ hưu về bản chất là tăng tiền đóng BHXH và giảm thời gian hưởng đi. Việt Nam đang trong thời kỳ dân số vàng nhưng cũng đang trong quá trình già hóa dân số nên việc tăng tuổi nghỉ hưu cần phải có lộ trình phù hợp nhằm giảm tác động tới các vấn đề xã hội.