19/01/2025 | 16:22 GMT+7, Hà Nội

Điều chỉnh tuổi hưu: Lời giải chiến lược cho bài toán lao động dài hạn

Cập nhật lúc: 28/02/2019, 09:00

Thời gian qua việc điều chỉnh tuổi hưu đã thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận xã hội. Dù còn có nhiều ý kiến khác nhau nhưng nhiều người cho rằng, việc điều chỉnh tuổi hưu đang là xu thế chung của thế giới và là quyết sách chiến lược cần triển khai sớm

Theo tính toán của Tổ chức lao động quốc tế thì từ năm 2023, quỹ hưu trí và tử tuất sẽ rơi vào trạng thái thu trong năm không đủ bù chi. Ảnh minh họa.

Theo tính toán của Tổ chức lao động quốc tế thì từ năm 2023, quỹ hưu trí và tử tuất sẽ rơi vào trạng thái thu trong năm không đủ bù chi. Ảnh minh họa.

Theo Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh - Xã hội Đào Ngọc Dung, điều chỉnh tuổi nghỉ hưu là vấn đề không riêng của Việt Nam.

Trong nửa thế kỷ qua, hầu hết các quốc gia trên thế giới đều phải điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu để thích ứng với quá trình già hoá dân số.

Trên thực tế, tuổi nghỉ hưu thực tế của Việt Nam hiện nay thấp nhất trong khu vực. Bình quân là 54,3 (nam là 55,6, nữ có 52,6 tuổi). Mức đóng BHXH bình quân là 22%, mức hưởng 70% trung bình.

Kinh nghiệm từ những nước đã thực hiện thành công điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu, đó là cần có tầm nhìn dài hạn và lộ trình phù hợp. Bởi việc này hiện tại có thể ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế, giải quyết việc làm, thất nghiệp…

Cũng theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, việc Trung ương ban hành Nghị quyết 28-NQ/TW về cải cách chính sách BHXH là một bước đột phá nhằm đưa BHXH thực sự là một trụ cột chính của hệ thống an sinh xã hội, từng bước mở rộng vững chắc và tiến tới thực hiện BHXH toàn dân.

Đây là cơ hội để chúng ta phát triển hệ thống BHXH linh hoạt, đa dạng, đa tầng, hiện đại và hội nhập quốc tế theo nguyên tắc đóng- hưởng, công bằng, bình đẳng, chia sẻ và bền vững.

Đồng thời, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý chính sách BHXH tinh gọn, chuyên nghiệp, hiện đại, hiệu quả, tin cậy và minh bạch.

Nếu không sớm triển khai, chúng ta sẽ để lại nhiều gánh nặng cho thế hệ con cháu. Trung ương đã chỉ rõ, cần có tầm nhìn dài hạn và có lộ trình phù hợp, trong đó đã cân nhắc nhiều yếu tố liên quan như: Tăng trưởng kinh tế, giải quyết việc làm, thất nghiệp; không gây tác động tiêu cực đến thị trường lao động; bảo đảm số lượng, chất lượng và cơ cấu dân số; bình đẳng giới; cân đối quỹ BHXH trong dài hạn; xu hướng già hoá dân số; tính chất, loại hình lao động và giữa các ngành nghề, lĩnh vực.

Bên cạnh đó, quy định giảm tuổi nghỉ hưu trong chính sách tinh giản biên chế, giải quyết đối với lao động dôi dư,... và các nhóm đối tượng khác trong Luật BHXH cũng chưa thực sự hợp lý làm cho tuổi nghỉ hưu bình quân thực tế thấp hơn nhiều so với quy định (đối tượng này thường giảm từ 1 đến 5 tuổi).

Đối với quỹ BHXH là quỹ tài chính dài hạn với nguyên tắc cơ bản là đóng và hưởng, được hình thành chủ yếu từ đóng góp của người sử dụng lao động, người lao động và sự hỗ trợ của Nhà nước trong một số trường hợp nhằm bảo đảm khả năng chi trả các chế độ BHXH cho người lao động và thân nhân của họ, có sự chia sẻ giữa các thế hệ người lao động theo quy định của pháp luật về BHXH.

Quỹ BHXH được Nhà nước bảo hộ, Nhà nước ban hành các chính sách nhằm bảo toàn, tăng trưởng quỹ để bảo đảm an sinh xã hội bền vững. 

Hiện nay đang có sự mất cân đối giữa mức đóng và mức hưởng của quỹ hưu trí, chủ yếu do tỉ lệ đóng là 22% tiền lương tháng, trong khi tỉ lệ hưởng lương hưu tối đa là 75% mức bình quân tiền lương làm căn cứ đóng BHXH).

Tỉ lệ hưởng lương hưu bình quân của nam là 2,5% cho một năm đóng, của nữ là 3% cho một năm đóng là quá cao so với bình quân các nước trên thế giới (chỉ là 1,7%). 

Bên cạnh đó, tuổi thọ của người dân ngày càng tăng và sự mất cân đối giữa mức đóng và mức hưởng sẽ ảnh hưởng đến khả năng cân đối của quỹ BHXH trong dài hạn nếu không kịp thời điều chỉnh chính sách cho phù hợp.

Chính vì vậy, Bộ LĐ-TB&XH đang chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan bám sát nội dung cải cách trên của Nghị quyết 28-NQ/TW để tiếp tục nghiên cứu, đánh giá tổng thể và đề xuất phương án điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu tại dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi) và một số luật, nghị định có liên quan, đảm bảo cho việc thực thi hiệu quả Nghị quyết 28-NQ/TW.

Tuy nhiên, việc điều chỉnh tuổi nghỉ hưu là vấn đề hết sức nhạy cảm và tác động sâu rộng tới tất cả các mặt của đời sống, do vậy phải được tính toán hết sức khoa học và chặt chẽ, trong quá trình triển khai cần có sự chuẩn bị về tâm lý cho người lao động, người sử dụng lao động.

Bên cạnh đó, phải lường trước những tác động của chính sách, để một quy định mới được ban hành phải mang lại những điều tốt hơn cho người dân, đồng thời bảo đảm lợi ích kinh tế và tài chính lâu dài cho quốc gia.