24/11/2024 | 12:12 GMT+7, Hà Nội

Tăng mức thanh toán trực tiếp BHYT từ năm 2020

Cập nhật lúc: 16/01/2020, 08:00

Năm 2020, mức hưởng BHYT không thay đổi nhưng mức thanh toán trực tiếp lại tăng do tăng lương cơ sở từ ngày 1/7/2020.

Thay đổi mức hưởng BHYT

Theo khoản 1 Điều 22 Luật Bảo hiểm y tế sửa đổi, bổ sung 2014, người tham gia BHYT khi đi khám, chữa bệnh đúng tuyến sẽ được quỹ BHYT thanh toán chi phí trong phạm vi được hưởng với các mức như: 100% chi phí khám, chữa bệnh nếu là bộ đội, công an; người có công với cách mạng, cựu chiến binh; trẻ em dưới sáu tuổi; người thuộc hộ gia đình nghèo; người có thời gian tham gia BHYT năm năm liên tục và có số tiền cùng chi trả chi phí khám, chữa bệnh trong năm lớn hơn sáu tháng lương cơ sở… 95% chi phí khám, chữa bệnh nếu là người hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động hằng tháng; người thuộc hộ gia đình cận nghèo… 80% chi phí khám, chữa bệnh nếu là đối tượng khác.

Về mức hưởng BHYT trái tuyến được quy định theo khoản 3 Điều 22 của luật này, khi đi khám, chữa bệnh không đúng tuyến, người có thẻ BHYT sẽ được quỹ BHYT thanh toán: 40% chi phí điều trị nội trú tại bệnh viện tuyến trung ương; 60% chi phí điều trị nội trú đến ngày 31-12-2020 tại bệnh viện tuyến tỉnh; 100% chi phí khám bệnh, chữa bệnh tại bệnh viện tuyến huyện.

Tăng mức thanh toán trực tiếp cho người có thẻ BHYT

Theo Nghị quyết 86/2019/QH14, lương cơ sở từ ngày 01/7/2020 tăng lên 1,6 triệu đồng/tháng thay vì 1,49 triệu đồng/tháng như trước đó. Do vậy mức thanh toán trực tiếp cho người có thẻ BHYT cũng tăng tương ứng như: Khám, chữa bệnh tại tuyến huyện và tương đương không có hợp đồng khám, chữa bệnh BHYT: Ngoại trú: Tối đa không quá 0,15 lần mức lương cơ sở tại thời điểm khám, chữa bệnh, đồng nghĩa với mức thanh toán trực tiếp tăng từ 223.500 đồng lên 240.000 đồng. Nội trú: Tối đa không quá 0,5 lần mức lương cơ sở tại thời điểm ra viện, đồng nghĩa với mức thanh toán trực tiếp tăng từ 745.000 đồng lên 800.000 đồng.

Ảnh minh họa

Khám, chữa bệnh nội trú tại tuyến tỉnh và tương đương không có hợp đồng khám, chữa bệnh BHYT: Tối đa không quá 1,0 lần mức lương cơ sở tại thời điểm ra viện, đồng nghĩa với mức thanh toán trực tiếp tăng từ 1,49 triệu đồng lên 1,6 triệu đồng.

Khám, chữa bệnh nội trú tại tuyến trung ương và tương đương không có hợp đồng khám, chữa bệnh BHYT: Tối đa không quá 2,5 lần mức lương cơ sở tại thời điểm ra viện, đồng nghĩa với mức thanh toán trực tiếp tăng từ 3,725 triệu đồng lên 4 triệu đồng.

Khám, chữa bệnh tại nơi đăng ký ban đầu không đúng quy định: Ngoại trú: Tối đa không quá 0,15 lần mức lương cơ sở tại thời điểm khám, chữa bệnh, đồng nghĩa với mức thanh toán trực tiếp tăng từ 223.500 đồng lên 240.000 đồng. Nội trú: Tối đa không quá 0,5 lần mức lương cơ sở tại thời điểm ra viện, đồng nghĩa với mức thanh toán trực tiếp tăng từ 745.000 đồng lên 800.000 đồng.

Trước đó, thực hiện Thông tư số 14/2019/TT-BYT ngày 5/7/2019 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 37/2018 của Bộ Y tế quy định mức tối đa khung giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh không thuộc phạm vi thanh toán của quỹ BHYT trong các cơ sở khám chữa bệnh của Nhà nước, bắt đầu từ 1/1/2020, một số tỉnh, thành phố chính thức điều chỉnh giá các dịch vụ y tế với người không có BHYT.

Tại Hà Nội, mức giá mới của 10 dịch vụ khám chữa bệnh, 6 dịch vụ ngày giường và 1.937 dịch vụ kỹ thuật, xét nghiệm khác được áp dụng với người bệnh không có thẻ BHYT như: Giá khám tại các bệnh viện hạng đặc biệt và hạng 1 như: Đa khoa Xanh Pôn, Thanh Nhàn, Đống Đa, Hà Đông, Tim Hà Nội, Phụ sản Hà Nội, Tâm thần Hà Nội hay Đức Giang là 38.700 đồng... Giá này đã bao gồm chi phí trực tiếp và tiền lương; Giá ngày giường được quy định với giường điều trị hồi sức tích cực (ICU)/ghép tạng hoặc ghép tủy hoặc ghép tế bào gốc áp dụng các mức: 753.000 - 678.000 - 578.000 đồng khi điều trị các bệnh viện hạng đặc biệt, 1, 2.

Với giường bệnh hồi sức cấp cứu, giá ngày giường mà người bệnh phải chi trả, theo các mức giá: 441.000 - 411.000 - 314.000 - 272.000 - 242.000 đồng tương ứng với 5 hạng bệnh viện, gồm: Bệnh viện hạng đặc biệt, 1, 2, 3, 4. Giường bệnh nội khoa loại 1 (các khoa: Truyền nhiễm, hô hấp, huyết học, ung thư, tim mạch, tâm thần, thần kinh, nhi, tiêu hóa, thận học; nội tiết; dị ứng (nặng): 232.000 - 217.000 - 178.000 - 162.000 - 144.000 đồng, tương ứng áp dụng cho 5 hạng bệnh viện nêu trên. Các dịch vụ chụp chẩn đoán cũng có mức giá tự chi trả khá cao, như: Chụp cộng hưởng từ (MRI) gan với chất tương phản đặc hiệu mô: 8,656 triệu đồng; chụp MRI tưới máu - phổ - chức năng: 3,156 triệu đồng; chụp MRI không có thuốc cản quang: 1,308 triệu đồng...

Tại Thành phố Hồ Chí Minh, có 10 giá khám bệnh, 38 giá giường bệnh, 1.937 dịch vụ kỹ thuật và xét nghiệm được điều chỉnh. Quy định trong Thông tư 14 lần này so với hiện hành thì giá nhiều loại giường ngày bệnh tăng 11% - 14%, giá các dịch vụ kỹ thuật và xét nghiệm tăng 3% - 4%.

Tại Nghệ An, giá dịch vụ giường điều trị tăng khá cao, trong đó, bệnh viện hạng đặc biệt tăng 15,2%, bệnh viện hạng 1 tăng 14,6%, bệnh viện hạng 2 tăng 5%, bệnh viện hạng 3 tăng 10,5% và bệnh viện hạng 4 tăng 7,1%; giá dịch vụ kỹ thuật và xét nghiệm tăng khoảng 5%...