19/01/2025 | 09:22 GMT+7, Hà Nội

Tăng cường phòng chống dịch bệnh mùa mưa bão

Cập nhật lúc: 05/08/2019, 16:00

ục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) khuyến cáo người dân chủ động phòng tránh các bệnh truyền nhiễm thường xảy mùa mưa bão gồm tiêu chảy, đau mắt đỏ, viêm đường hô hấp, cảm cúm...

Mưa lũ hoành hành  trong những ngày qua không chỉ gây tổn thất nặng nề về kinh tế, mà còn để lại những nguy hại về sức khỏe đe dọa tính mạng con người. Nhiều loại bệnh có nguy cơ  phát triển thành dịch. Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) khuyến cáo người dân chủ động phòng tránh các bệnh truyền nhiễm thường xảy mùa mưa bão gồm tiêu chảy, đau mắt đỏ, viêm đường hô hấp, cảm cúm...

Theo các chuyên gia y tế dự phòng, trong và sau mưa lũ, người dân phải đối diện với rất nhiều bệnh tật do ảnh hưởng môi trường sống. Cụ thể, sau mỗi trận mưa lũ là khoảng thời gian mà vô số vi sinh vật từ đất, bụi, rác thải, chất thải,…  hòa vào dòng nước, làm ô nhiễm môi trường và lây lan bệnh tật. Bên cạnh đó, điều kiện ẩm thấp, ngập úng là vô cùng thuận lợi để các loại vi khuẩn nguy hại sinh sôi và gây bệnh cho con người, vật nuôi.

Một số dịch bệnh thường gặp trong mùa mưa lũ

1- Bệnh tiêu chảy, nhiễm khuẩn đường ruột:

Các bệnh về đường ruột là bắt gặp nhiều nhất trong mùa mưa lũ. Nguyên nhân gây bệnh là do vi khuẩn E.coli, tả, lỵ, thương hàn,… Trong đó, bệnh tiêu chảy do trực khuẩn đại tràng E.coli gây ra là thường hay gặp, nhưng đáng sợ hơn cả là bệnh tiêu chảy cấp bởi lỵ trực khuẩn hoặc bệnh do vi khuẩn thương hàn, đặc biệt là tiêu chảy cấp do vi khuẩn tả. Nếu bệnh không được phát hiện sớm để chữa trị và cách ly kịp thời, thì bệnh có nguy cơ lây lan thành dịch.

2-Bệnh viêm đường hô hấp:

Chỉ đứng sau bệnh tiêu chảy và đường ruột, số người nhiễm bệnh viêm đường hô hấp trong mùa mưa bão cũng rất cao. Nguyên nhân chủ yếu là do thời tiết thay đổi thất thường, nhiệt độ thay đổi nhanh chóng, mưa bão bất thường kéo dài, độ ẩm gia tăng, mưa nhiều,… vì thế cơ thể con người không kịp “thay đổi” để thích nghi nên rất dễ bị nhiễm lạnh dẫn đến hiện tượng viêm họng, ho, sổ mũi,…

3-Bệnh da liễu:

Bệnh da liễu thường phát sinh trực tiếp từ các nguồn bệnh trong vùng mưa lũ. Một số bệnh da liễu thường gặp như: nấm kẽ chân, nấm móng, viêm kẽ ngón tay chân,…

4- Bệnh đau mắt:

Nguyên nhân chính gây bệnh đau mắt là do nước sinh hoạt bị nhiễm bẩn, các loại vi sinh vật và virus có trong nước gây đau mắt đỏ, viêm bờ mi, viêm tuyến lệ,…

Tăng cường phòng chống dịch bệnh mùa mưa bão - Ảnh 1Thau bể nước để diệt loăng quăng, phòng chống bệnh sốt xuất huyết

5- Bệnh sốt xuất huyết:

Sốt xuất huyết là một căn bệnh rất nguy hiểm đe dọa đến tính mạng con người nếu không được điều trị kịp thời. Nguồn nước tù đọng, thời tiết nóng ẩm tạo điều kiện cho muỗi vằn và virus sinh sôi. Cách phòng bệnh sốt xuất huyết tốt nhất hiện nay là diệt muỗi, diệt bọ gậy (lăng quăng) và phòng chống muỗi đốt bằng cách thoa kem chống muỗi, ngủ màn,…

6- Bệnh sốt da vàng:

Bệnh sốt da vàng, chảy máu sau mưa lũ là do vi khuẩn Leptospira gây ra. Bệnh sốt da vàng có liên quan trực tiếp đến nước tiểu của các loài chuột mang mầm bệnh Leptospira. Chuột đào thải vi khuẩn này theo nước tiểu ra môi trường bên ngoài và hòa tan vào dòng nước. Trong và sau mưa lũ nếu con người ngâm mình, chân tay quá lâu trong nước tiểu bị nhiễm khuẩn thì vi khuẩn Leptospira rất dễ dàng len lỏi qua da và niêm mạc để vào trong cơ thể con người.

Cách phòng bệnh mùa mưa lũ

Trong mùa mưa bão, Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế mạnh mẽ khuyến cáo người dân triển khai các biện pháp đảm bảo vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm sau những ngày mưa bão.

Theo đó, cần thực hiện các hoạt động vệ sinh môi trường sau  mưa lớn, lũ lụt, đảm bảo nước rút đến đâu làm vệ sinh môi trường đến đó. Ngoài ra, tổ chức thu gom và sử dụng vôi bột hoặc các hóa chất để xử lý khi chôn xác động vật tránh phát sinh dịch bệnh truyền nhiễm; phối hợp với nhân viên ngành y tế phun hóa chất diệt côn trùng truyền bệnh tại các vùng có nguy cơ.

Ngành y tế sẽ  giám sát, phát hiện và xử lý các nguy cơ gây bệnh truyền nhiễm xảy ra sau mưa bão như tiêu chảy, đau mắt đỏ, viêm đường hô hấp, nước ăn chân, cảm cúm; đặc biệt các bệnh lây truyền qua đường tiêu hóa như dịch tả, lỵ, thương hàn…Tuy nhiên, người dân cần chủ động đảm bảo vệ sinh môi trường quanh khu vực mình sinh sống, thau rửa và khử trùng nước giếng, nước sinh hoạt theo hướng dẫn của nhân viên y tế tại địa phương. 

Tăng cường phòng chống dịch bệnh mùa mưa bão - Ảnh 2Cán bộ y tế hướng dẫn người dân xử lý nước sinh hoạt sau mưa lũ

 Nhằm phòng tránh các dịch, bệnh nguy hiểm sau mùa mưa bão, Cục Y tế dự phòng  khuyến cáo người dân thực hiện các biện pháp sau:

- Ăn chín, uống chín, bảo đảm an toàn thực phẩm, thường xuyên rửa tay với xà phòng. 

- Thực hiện thau rửa bể nước, giếng nước, dụng cụ chứa nước và dùng những hóa chất để khử trùng nước sử dụng cho ăn uống và sinh hoạt. 

- Bảo đảm vệ sinh môi trường: Thực hiện nguyên tắc nước rút đến đâu làm vệ sinh môi trường đến đó, tổ chức thu gom, xử lý, chôn xác động vật. Sử dụng vôi bột hoặc các hóa chất được Bộ Y tế khuyến cáo để xử lý khi chôn cất. Phun hóa chất diệt côn trùng truyền bệnh tại các vùng có nguy cơ.

- Kịp thời phát hiện và dập tắt bệnh dịch truyền nhiễm như tiêu chảy, đau mắt đỏ, viêm đường hô hấp, nước ăn chân, cảm cúm, đặc biệt cần đề phòng dịch tả, lỵ, thương hàn…

Nguồn: http://baodansinh.vn/tang-cuong-phong-chong-dich-benh-mua-mua-bao-d102940.html