19/01/2025 | 22:13 GMT+7, Hà Nội

Tăng cường hoạt động kết nối giao thương cho sản phẩm OCOP

Cập nhật lúc: 13/08/2022, 06:30

Trong những năm qua, Hà Nội đã quan tâm, tổ chức các sự kiện, hội chợ, hội thảo kết nối giao thương, trưng bày sản phẩm nhằm quảng bá, xúc tiến thương mại, tổ chức các tuần hàng giúp cho các chủ thể giới thiệu SP...

Ngay từ những ngày đầu triển khai thực hiện Quyết định số 490/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, TP đã chủ trương đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP để trình UBND TP phê duyệt, công nhận thời gian tới sẽ được thực hiện gắt gao.

Đã có 1.649 sản phẩm OCOP được công nhận
Đã có 1.649 sản phẩm OCOP được công nhận

Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) là một giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn. Trọng tâm là phát triển sản phẩm hàng hóa nông nghiệp và phi nông nghiệp, dịch vụ có lợi thế ở mỗi địa phương theo chuỗi giá trị. Tại Hà Nội, chất lượng sản phẩm tham gia đánh giá, phân hạng được TP đặc biệt quan tâm.

Mới đây, ngày 10/8, Văn phòng điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) TP Hà Nội phối hợp với UBND quận Hai Bà Trưng tổ chức khai mạc Tuần hàng tư vấn, giới thiệu và bán sản phẩm OCOP TP Hà Nội năm 2022 tại công viên Thống Nhất Hà Nội. Với hơn 100 gian hàng, đa dạng chủng loại, Tuần hàng tư vấn, giới thiệu và bán sản phẩm OCOP năm 2022 góp phần tăng cường kết nối giao thương tìm đầu ra cho sản phẩm, tìm kiếm các giải pháp thích ứng linh hoạt sau đại dịch và biến động thị trường.

Theo ông Nguyễn Văn Chí - Phó Chánh văn phòng thường trực Văn phòng điều phối Chương trình xây dựng NTM TP Hà Nội, tính đến nay, TP Hà Nội đã đánh giá, phân hạng và công nhận được 1.649 sản phẩm OCOP; 1.098 sản phẩm 4 sao và 534 sản phẩm 3 sao.

Đánh giá và phân hạng sản phẩm OCOP được thực hiện gắt gao

Thời gian qua, thực hiện Kế hoạch số 145/KH-UBND của UBND TP Hà Nội về thực hiện chương trình OCOP năm 2022, ngay từ đầu năm, Văn phòng điều phối Chương trình xây dựng NTM TP Hà Nội đã phối hợp với UBND các quận, huyện, thị xã đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền. Qua đó, tiếp tục nâng cao nhận thức về ý nghĩa, tầm quan trọng của chương trình OCOP đến các tầng lớp Nhân dân, đặc biệt là các chủ thể sản xuất - kinh doanh.

Cùng với đó, Văn phòng đã triển khai chương trình bồi dưỡng, tập huấn nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, để thực hiện Chương trình OCOP từ TP đến cơ sở theo khung đào tạo tại Quyết định số 490/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Dự kiến, đến hết năm 2022, sẽ có tổng số 120 lớp được tổ chức tại 30 quận, huyện, thị xã, dành cho các nhà quản lý tổ chức kinh tế (CEO), HTX, trang trại, hộ sản xuất - kinh doanh.

Theo ông Nguyễn Đình Sơn - Phó Chủ tịch UBND huyện Phúc Thọ, huyện là một trong những địa phương có rất nhiều nghề của TP Hà Nội, với gần 60 làng có nghề. Đây cũng là địa phương có đặc thù địa hình đa dạng miền bãi, đồng, ven sông, đồi gò, có thế mạnh phát triển nông nghiệp, cả về trồng trọt lẫn chăn nuôi con đặc sản. Vì vậy, những năm qua huyện Phúc Thọ đã xây dựng được nhiều sản phẩm chủ lực trên cơ sở quy hoạch phát triển vùng chuyển đổi tập trung. Huyện xác định trong xây dựng nông thôn mới phải đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ mô hình gia đình, HTX, DN tham gia chương trình OCOP, nhằm quảng bá, mở rộng thị trường tiêu thụ, gia tăng giá trị sản phẩm, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho người dân. Đặc biệt là bảo vệ được quyền bảo hộ, tiêu dùng sản phẩm cho quê hương.

TP Hà Nội đã hỗ trợ các chủ thể có sản phẩm OCOP được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, nhận diện và quảng bá thương hiệu. Với sự hỗ trợ của TP, từ đầu năm 2022 đến nay, các chủ thể trên địa bàn các quận, huyện, thị xã đã xây dựng kế hoạch hoàn thiện và đăng ký với trên 488 sản phẩm tham gia đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP. Trong số này có 301 mặt hàng thực phẩm, 129 sản phẩm thủ công mỹ nghệ; còn lại là sản phẩm thuộc nhóm ngành hàng đồ uống, thảo dược, vải và may mặc.

Cùng với phát triển về số lượng sản phẩm OCOP, năm 2022, Văn phòng điều phối Chương trình xây dựng NTM TP Hà Nội sẽ tiếp tục tham mưu UBND TP thành lập đoàn kiểm tra đối với các chủ thể có sản phẩm đã được công nhận từ 3 sao trở lên; đồng thời, xây dựng kế hoạch để đánh giá, phân hạng lại sản phẩm OCOP sau 36 tháng theo đúng quy định của Thủ tướng Chính phủ.

Các đơn vị phân phối, trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng kinh doanh nông sản thực phẩm an toàn, cửa hàng kinh doanh đồ thủ công mỹ nghệ, điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP, các sàn giao dịch điện tử, bán hàng online tăng cường kết nối giao thương, tiêu thụ các sản phẩm OCOP để người tiêu dùng dễ dàng nhận diện thương hiệu và tiêu thụ sản phẩm OCOP.

Đầu tháng 8/2022, Sở NN&PTNT Hà Nội phối hợp với UBND huyện Phúc Thọ đã tổ chức khai mạc tuần hàng tư vấn, giới thiệu sản phẩm OCOP TP Hà Nội năm 2022 nhằm quảng bá cho các sản phẩm OCOP đồng thời, hỗ trợ, tư vấn, hướng dẫn các chủ thể có sản phẩm OCOP sản xuất cung ứng sản phẩm đảm bảo tiêu chuẩn, yêu cầu, thị hiếu, thủ tục của nhà phân phối, người tiêu dùng để đẩy mạnh khai thác, tiêu thụ sản phẩm OCOP chất lượng, nguồn gốc rõ ràng, giá cả phù hợp.