18/01/2025 | 17:15 GMT+7, Hà Nội

Tận dụng các sản phẩm đặc trưng vùng DTTS để phát triển du lịch

Cập nhật lúc: 19/12/2019, 06:40

Hiện toàn quốc có trên 800 sản phẩm nông, lâm thủy sản có uy tín phân bổ trên 720 địa phương khác nhau. Tuy nhiên, mới có khoảng hơn 60 sản phẩm nông sản đăng ký bảo hộ thành công dưới dạng “chỉ dẫn địa lý”.

Nước ta hiện có 53 dân tộc thiểu số, mỗi dân tộc đều sở hữu những trò chơi dân gian, những môn thể thao đặc sắc đã có từ lâu đời, những sản phẩm văn hóa đặc trưng của mỗi dân tộc, nếu như biết cách tận dụng một cách khéo léo chúng ta có thể vừa mang tới những thông điệp về văn hóa, vùng đất, con người, quảng bá hình ảnh của địa phương. Đồng thời cũng mang lại lợi ích không nhỏ về mặt kinh tế

Anh Đoàn Mạnh Hùng (quận Đống Đa, Hà Nội), một người rất thích tham gia các tour khám phá những vùng đất mới của đất nước chia sẻ: “Tôi tới tham quan và muốn tìm hiểu thêm về văn hóa vùng miền qua các sản phẩm du lịch, thế nhưng rất khó chọn những thứ đặc trưng mang về làm quà cho người thân bởi đa phần các mặt hàng này đều không phải đặc sản hay sản phẩm của địa phương mà tìm mua ở nơi khác cũng có”. Trên thực tế sự băn khoăn này của anh Hùng cũng là điểm chung của không ít du khách, đặc biệt là đối với những du khách người ngoại quốc.

Không chỉ là các sản phẩm hàng hóa, mà những trò chơi của các vùng đất mới cũng sẽ là điều thu hút du khách. Có thể đơn cử như một vài trò chơi “tó mắc lẹ”, đẩy gậy, nhảy dây, ném còn của người Thái; đi cà kheo, đánh mảng, bắn nỏ của người Mông… Những trò chơi dân gian này có vai trò quan trọng trong đời sống, góp phần giáo dục con người về tính tập thể, tinh thần kỷ luật, ý chí vươn lên giành chiến thắng, rèn luyện thể chất, sức mạnh, dẻo dai, khéo léo và sức chịu đựng của con người. Bạn An (Hà Nội), chia sẻ: “Mình hay đi du lịch ở miền núi nên rất thích trò chơi của đồng bào dân tộc. Mình đã từng trải nghiệm trò đánh đu, ném còn ở huyện Quảng Uyên (Cao Bằng)… ở Lễ hội pháo hoa. Mình nghĩ, nếu đưa các trò chơi đặc sắc này ra khỏi khuôn khổ lễ hội, được tổ chức tại các điểm du lịch cộng đồng, thì khách du lịch sẽ hứng thú hơn”.

Cần tận dụng các sản phẩm đặc trưng vùng đồng bào DTTS để phát triển du lịch và kinh tế xã hội tại địa phương.

Từ thực tế này đã đặt ra những vấn đề đáng bàn, nếu như thắng cảnh, văn hóa đồng bào là giá trị cốt lõi của sức hấp dẫn đối với du khách thì các sản phẩm du lịch sẽ là giá trị tăng thêm. Có những địa phương nổi tiếng với những sản phẩm du dịch đặc trưng như nhắc đến Tây Nguyên sẽ là cà phê, nhắc đến Thanh Hóa sẽ nổi bật món nem chua hay nhắc đến Huế là mè xửng… Xây dựng, phát triển thương hiệu tốt các sản phẩm du lịch sẽ có sức lan tỏa, quảng bá mạnh mẽ đối với địa phương. Vì thế, cần một giải pháp đồng bộ từ chính quyền đến người dân trong việc đẩy mạnh việc phát triển thương hiệu đặc sản cho vùng miền; kết nối thương mại cho các DN, hộ sản xuất, HTX... sản xuất, phân phối sản phẩm đặc trưng vùng miền. Những giải pháp này sẽ góp phần đẩy mạnh hoạt động kết nối giao thương, mở rộng thị trường, đưa các sản phẩm đặc trưng vùng miền đến với khách hàng trong và ngoài nước, qua đó giá trị của du lịch sẽ được tăng lên.

Chúng ta cũng cần phải nhìn nhận, đối với đồng bào DTTS, trò chơi dân gian không chỉ là di sản văn hóa quý báu cần được lưu truyền, gìn giữ, mà cần phải gắn với phát triển kinh tế du lịch. Nếu được khai thác hiệu quả, đây có thể trở thành một điểm nhấn nổi bật thu hút du khách khi được kết nối các yếu tố khác về văn nghệ, ẩm thực, văn hóa… nhất là khi du lịch cộng đồng đang phát triển mạnh mẽ ở vùng đồng bào DTTS như hiện nay.

Được biết, từ những năm trước, được sự giúp đỡ của một số tổ chức phi chính phủ, Sở Văn hóa, thể thao và du lịch (VH,TT&DL) các tỉnh đã phối hợp với người dân ở các điểm du lịch tiến hành nghiên cứu nhu cầu của du khách quốc tế cho thấy, 81% du khách muốn được tham gia vào các hoạt động của người dân như dệt vải, làm ẩm thực, chế biến thuốc tắm...; 83% du khách muốn mua sản phẩm đồ lưu niệm ngay tại nơi sản xuất của người dân ở các hộ gia đình. Sản phẩm du lịch khi đưa ra thị trường để bán sẽ trở thành hàng hóa. Thông qua những sản phẩm này có thể đánh giá, đo lường hiệu quả sử dụng cũng như hiệu quả quảng bá du lịch của địa phương đó.

Còn theo thống kê của Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và công nghệ), hiện toàn quốc có trên 800 sản phẩm nông, lâm thủy sản có uy tín phân bổ trên 720 địa phương khác nhau. Tuy nhiên, mới có khoảng hơn 60 sản phẩm nông sản đăng ký bảo hộ thành công dưới dạng “chỉ dẫn địa lý” và khoảng 160 nhãn hiệu được đăng ký xác lập quyền và được bảo hộ pháp lý cho các đặc sản trên. Ở vùng đồng bào DTTS đang ít về số lượng, thiếu tính đặc trưng vùng, miền; mẫu mã đơn điệu, chưa hấp dẫn du khách… ít tạo được ấn tượng bởi tính độc đáo và sáng tạo, dù có nhiều tiềm năng và lợi thế. Vì vậy, để các sản phẩm đặc trưng của vùng đồng bào DTTS thực sự thu hút được du khách chúng ta cần tích cực có thêm những sự thay đổi theo hướng thời đại, đa dạng hóa các sản phẩm nhưng vẫn giữ được nét văn hóa của các dân tộc, từ đó phát triển du lịch cũng như nền kinh tế địa phương.