Tâm sinh lý trẻ và cách cha mẹ nên dạy con qua các năm từ 6-10 tuổi
Cập nhật lúc: 05/06/2016, 05:14
Cập nhật lúc: 05/06/2016, 05:14
Mỗi đứa trẻ trong quá trình trưởng thành đều trải qua những thay đổi tâm sinh lý khác nhau. Những đứa trẻ đặc biệt khó dạy không phải bởi vì chúng hư hỏng mà là vì chúng đang trưởng thành.
Đặc điểm tâm sinh lý của những đứa trẻ từ 6-10 tuổi ra sao? Các bậc cha mẹ nên dạy dỗ chúng thế nào? Hãy lắng nghe những chia sẻ sau đây nhé:
Sau thời kỳ vàng kim 5 tuổi, bé bước vào giai đoạn phong ba bão táp thứ hai trong cuộc đời. Đặc điểm của giai đoạn này là đứa trẻ trở nên cực đoan, lúc yêu lúc ghét.
Bé có thể từ ghét một sự việc nào đó trong chốc lát chuyển thành yêu thích nó. Thế giới của bé lúc này không chỉ có mẹ mà có cả bản thân bé. Bé mong muốn làm mọi việc theo ý của mình, cho nên bé thường xuyên “kháng chỉ” lại mẹ, “Con không muốn làm thế này, con muốn làm thế kia cơ”.
Ở trường học bé có thể là tấm gương cho các bạn, nhưng ở nhà bé lại trở thành một “tiểu cường hào”, bởi vì bé có tư tưởng lúc yêu lúc ghét. Vẽ tranh hoặc viết chữ số ngược cũng là hiện tượng thường thấy ở các bé 6 tuổi. Việc gì bé cũng tranh hơn thua, rất khó chịu được cảm giác thất bại.
Bé ngoan cố, tự phụ, rất không chịu nghe lời. Kỳ thực bé làm như vậy chỉ vì muốn xây dựng và tăng cường cảm giác an toàn của bản thân.
Bởi vì đây là giai đoạn mẫn cảm và bé rất dễ bị tổn thương. Không chỉ dễ bị tổn thương về mặt tình cảm mà thân thể, da dẻ dường như cũng dễ bị tổn thương.
Mối quan hệ giữa bé và mẹ cũng bước sang giai đoạn lúc yêu lúc ghét này. Bé phụ thuộc rất nhiều vào mẹ nhưng đồng thời cũng muốn thử tự lập, trong lòng hi vọng rằng mình không cần phụ thuộc vào ai.
Vì không có đủ cảm giác an toàn, bé có nhu cầu rất lớn về tình cảm, luôn muốn mẹ bảo đảm rằng sẽ yêu bé, vậy mà hễ không vừa ý là sẽ đối đầu với mẹ.
Kỳ thực, khi bé càng không được khen ngợi, bé càng mong muốn được công nhận, cảm giác thất bại càng mạnh mẽ.
Đứa trẻ 6 tuổi vẫn chưa phân biệt rõ thứ của mình và của người khác, thế nên thường tiện tay lấy thứ của người khác hoặc thứ mà bé thích.
Đặc điểm chính của tuổi lên 7 là cô độc và rụt rè. Dù bé cũng có lúc lạc quan hay bừng bừng tức giận, bé không hay đấu khẩu với bạn như lúc 6 tuổi nữa, bé cũng không thích giao tiếp với người khác mà lại thích sự cô độc hơn.
Bé thường có trí nhớ không tốt, dễ phân tâm, làm việc lề mề. Bé không hứng thú với việc giúp mẹ làm việc nhà, khi có người khác nhờ làm việc gì bé thường mãi chẳng buồn trả lời, cũng không hay vận động mà sống khép kín trong khu vườn bí mật của chính mình.
Cho dù bé có chăm chú nhìn bạn khi bạn nói với bé, kỳ thực bé không hề chú ý xem bạn nói gì, bé có thể không quan tâm đến mọi chuyện bên ngoài.
Cuộc sống của bé là một khúc dạo nhạc đầy sầu não. Bé sẽ cảm thấy người khác không thích mình, muốn làm phiền mình, thậm chí hoang tưởng rằng bé không phải là con đẻ của bố mẹ nên người nhà mới ngược đãi bé như vậy.
Người mẹ nên thông cảm cho bé, không nên để cho một đứa trẻ 7 tuổi nổi tâm oán hận gia đình.
Bởi vì đứa trẻ 7 tuổi thường tự chìm đắm trong thế giới nội tâm của mình, bé rất hay quên, ví dụ nếu bạn nhắc bé làm việc gì, bé rõ ràng đã đồng ý rồi, một lúc sau lại quên mất. Vậy thì phải nhắc lại cho bé, hãy kiên nhẫn và khoan dung hơn với bé.
Ngoài ra, đứa trẻ 7 tuổi thường theo đuổi một tương lai tốt đẹp, sự sáng tạo của bé có thể vì theo đuổi sự tốt đẹp mà bị hạn chế. Thời gian này bé sẽ rất ít tạo nên những “tác phẩm nghệ thuật” có tính sáng tạo.
Nhưng mặt khác, vì bé có xu hướng theo đuổi sự tốt đẹp, đứa bé 7 tuổi sẽ dễ dạy bảo hơn so với đứa bé 6 tuổi, bé sẽ vui lòng tiếp nhận sự chỉ dạy, phê bình của bạn mà làm lại từ đầu, chứ không dễ nổi nóng, thiếu kiên nhẫn như hồi 6 tuổi nữa.
Có khả năng đánh giá sự việc. Thường chạy ra ngoài, tác phong nhanh nhẹn, có khả năng đánh giá sự việc. Cũng có nghĩa là bé đã bắt đầu có ý thức về giá trị đạo đức.
Bé có thể hoàn thành nhanh chóng những việc mà bạn giao, thậm chí thích làm càng nhanh càng tốt để nhận được sự khen ngợi từ người lớn.
Bé còn có thể tự tổng kết và đánh giá những việc mình đã hoàn thành, tìm ra những điểm còn thiếu sót để tự nhận xét bản thân.
Mối quan hệ giữa mẹ và bé cũng rất khăng khít. Bé 6 tuổi thường hay cãi cọ với mẹ, bé 7 tuổi thì hay oán hận mẹ, còn bé 8 tuổi lại thích gần gũi với mẹ, bé thường quan sát biểu hiện nét mặt của mẹ để lấy lòng mẹ, thậm chí vì mẹ bé có thể làm cả những việc mà mình không thích.
Bởi vì đây là giai đoạn bé chịu ảnh hưởng nhiều nhất từ mẹ. Chỉ cần mẹ có thể duy trì mối quan hệ thân mật, thoải mái với bé, quan tâm đến bé, thì sẽ rất dễ dàng chiếm được niềm tin của bé.
Thường thì mẹ chỉ cần nhìn qua cũng đủ ngăn chặn những trò nghịch ngợm của bé rồi, không cần mẹ phải nói nhiều lời.
Do trẻ 8 tuổi rất muốn gần gũi thân mật với mẹ, bạn có thể lợi dụng điểm này để thương lượng với bé, ví dụ sau khi bé làm được việc tốt, bạn có thể dành chút thời gian cùng bé làm một số việc, bé muốn nghe lời bạn và làm bạn hài lòng, kỳ thực bé vô cùng kỳ vọng được bạn khen ngợi, quan tâm, dành thời gian cho bé, do vậy bạn nên quan tâm đến bé nhiều hơn, đừng nên tiếc lời khen ngợi, động viên bé nhé.
Bé rất chú ý đến cảm giác của bản thân và cũng rất chú ý đến cảm nghĩ của người khác về bé. Bé sẽ dỏng tai nghe xem người lớn bình luận gì về bé, hoặc chú ý đến sắc mặt của người lớn khi nói chuyện, bé vô cùng mong mỏi có được sự công nhận và phần thưởng từ người lớn, bé cũng rất mẫn cảm với những đánh giá của người khác, bởi vì bé thực sự muốn trở thành người tốt.
Do thế khi bé nhận được sự chỉ trích, phê bình, bé thường trước tiên tìm lý do để biện hộ hoặc nhìn vào sai lầm của người khác để “tội” của mình cũng nhẹ đi một chút. Tuy nhiên nếu thực sự bản thân mình sai, bé cũng sẽ chân thành xin lỗi và cam đoan rằng “Lần sau con sẽ không thế nữa”.
Điển hình trong cảm nhận về cái tôi của đứa trẻ 7 tuổi là bé thích tách khỏi thế giới bên ngoài mà hướng vào thế giới nội tâm; những phiền phức của bé đa phần đến từ cảm xúc và sự tự đánh giá của bản thân.
Còn đứa trẻ 8 tuổi thì ngược lại, bé thích mang cái tôi ra thế giới bên ngoài, bé cảm thụ nó với tất cả sự nhiệt tình của mình.
Thông qua giao tiếp với thế giới bên ngoài, giao tiếp với nhiều người lớn và bạn bè cùng trang lứa hơn, bé 8 tuổi ngày càng ý thức rõ hơn sự tương đồng và khác biệt trong hành vi, cảm xúc của bản thân so với những người xung quanh, nhất là những điểm khác biệt.
Điều này giúp bé ngày càng nhận ra sự khác biệt giữa cái tôi của bé với mọi người trong các quan hệ xã hội, tình cảm, chủng tộc, tôn giáo.
Cha mẹ cần giúp bé hiểu được các khái niệm tương đồng và khác biệt này, và chấp nhận sự khác biệt của bé. Bé 8 tuổi thực sự rất can đảm khi đối mặt với hết thảy thách thức, bé thường đặt ra yêu cầu quá cao cho mình, khiến cho bé cuối cùng vì không đạt được mục tiêu đề ra mà thất vọng, chán chường.
Trước sự thất bại của bé, cha mẹ nên chăm sóc bảo vệ bé, khuyên nhủ bé không nên vì chút thất bại này mà nản lòng, mà tự dằn vặt bản thân.
Ví dụ, cha mẹ có thể cùng bé lập ra kế hoạch, đặt ra các mục tiêu và yêu cầu hợp lý. Điều này sẽ giúp bé củng cố sự tự tin.
Trẻ nhỏ đa phần thích sưu tập các thứ linh tinh như viên sỏi nhỏ, chai lọ, nắp đậy v.v.. Đến 8 tuổi, bé vẫn thích bổ sung cho bộ sưu tập của mình, nhưng giờ đây bé bắt đầu quan tâm đến chất lượng và chủng loại, bé cũng bắt đầu biết trao đổi vật dụng với bạn bè, ví dụ bé đổi cuốn sách nhỏ của mình lấy cuốn sách nhỏ của bạn.
Có điều có lúc bé phải chịu thiệt một chút cho sự đổi chác này, đôi khi sẽ khiến bố mẹ phải khóc dở mếu dở…
Đứa trẻ 9 tuổi ngày càng tiến gần tới sự tự lập. Nếu nói trung tâm cuộc sống của đứa trẻ 8 tuổi là mẹ thì trung tâm cuộc sống của đứa trẻ 9 tuổi rất có thể là những người bạn đặc biệt nào đó.
Để khẳng định sức thuyết phục trong của mình, trẻ 8 tuổi thường nói: “Mẹ của tớ nói thế này này”, còn giờ đây khi đã lên 9 tuổi, bé lại cho rằng lời của bạn bè mới có sức thuyết phục “Bạn Huy nói thế này này”. Không còn nghi ngờ gì nữa, từ thời điểm này trở đi, lời của bạn bè có uy lực hơn lời khuyên của cha mẹ, và ngày càng có uy lực hơn.
Bé bắt đầu để ý xem bạn mình làm những gì, bạn mình xem chương trình tivi gì, mấy giờ lên giường đi ngủ, ở nhà làm những việc nhà gì v.v..
Bé bắt đầu biết đến “nghĩa khí”, bé có thể cảm thấy bất bình khi bạn mình bị cha mẹ hoặc thầy cô đối xử bất công, bé cũng biết giúp đỡ bạn khi bạn gặp khó khăn. Chính vì bạn bè là trung tâm cuộc sống của bé nên những bạn bè đồng trang lứa, nhất là những nhóm nhỏ mà bé là thành viên có ảnh hưởng rất lớn đến bé.
Trẻ 10 tuổi đã hình thành nên thế giới quan về đạo đức rất rõ rệt. Tiêu chuẩn đạo đức này không chỉ đến từ cha mẹ, anh chị, mà cũng đến từ những phán đoán tự thân của bé.
Bé quan tâm đến sự thành thực, công bằng. Bé cho rằng trộm cắp và nói dối là những việc khiến người khác khinh thường.
Tuy nhiên mặc dù bé nói thì nghe có đạo lý, nhưng làm thì không nhất định đạt đến tiêu chuẩn mà mình nói. Ví dụ mặc dù bé nói rằng phải thành thật, nhưng chính bé lại thường che đậy một phần của sự thật.
Bé cũng biết cách nói những lời nói dối mang thiện ý để tránh làm người khác tổn thương, giữ thể diện cho người khác. Ví dụ khi mối quan hệ giữa mẹ con hòa thuận, bé có thể dễ dàng nói với mẹ rằng bé đã làm một số việc không tốt.
Từ 10 tuổi trở đi, gia đình bắt đầu thực sự có ý nghĩa đối với bé. Lúc này vị trí của mẹ lại trở thành trung tâm trong cuộc sống của bé, giống như khi bé 5 tuổi. Bé không chỉ phụ thuộc vào mẹ, mà còn rất tôn trọng thậm chí sùng bái mẹ.
Bé đặc biệt mong được ở bên cạnh mẹ, muốn kể cho mẹ nghe những chuyện ở trường học và chuyện về bạn bè của bé. Bé có thể tiếp nhận những kỳ vọng của mẹ về bé, cũng rất thích thổ lộ tình cảm với mẹ.
Bố cũng rất quan trọng, đôi lúc vị trí của bố thậm chí còn vượt qua cả mẹ, mẹ là bạn, còn bố là thần tượng. Cùng bố đi đá bóng, đi bơi, thậm chí chạy lung tung, đều là những hoạt động gia đình mà bé yêu thích nhất.
Những xung đột với anh chị em cũng thường hay xảy ra. Là người mẹ, cần xử lý những tranh chấp này một cách khéo léo và công bằng, và cũng thông qua những bài học này để dạy bé đạo lý làm người.
“Quan trọng là chúng duy trì được sự công bằng”, “Không nên kiểm soát quá chặt chẽ và cũng không nên quá nới lỏng” là cách giáo dục mà các bé thích nhất.
Bạn bè cũng là mối quan tâm của bé 10 tuổi, hầu như ngày nào bé cũng đến nhà bạn cùng lớp chơi, khi kết bạn bé quan tâm xem người bạn đó có đáng tin cậy không.
Bé kết bạn với bạn bè xung quanh, hàng xóm láng giềng hoặc bạn cùng lớp. Bé trai thường thích chơi với bạn cùng giới tính, thường thể hiện sự nhất trí khi chơi; giữa các bé gái với nhau thường xảy ra tranh chấp, cãi cọ.
Khi chơi với nhau, công bằng là thước đo quan trọng nhất, các bé không chỉ đối xử công bằng với bạn bè mà cũng muốn bạn bè phải đối xử công bằng với mình.
Mỗi thay đổi trong quá trình trưởng thành của trẻ nhỏ đều sẽ tạo nên những thay đổi về hành vi hoặc tâm lý, do vậy rất cần đến sự kiên nhẫn, cảm thông, cha mẹ hãy luôn là những người bạn đồng hành trên bước đường trưởng thành của bé.
Hãy lưu và chia sẻ thông tin nếu bạn thấy hữu ích nhé!
Xem tiếp: Tâm sinh lý trẻ và cách cha mẹ nên dạy con qua các năm từ 1-10 tuổi
Hãy lưu và chia sẻ thông tin nếu bạn thấy hữu ích nhé!
06:03, 04/06/2016
05:14, 04/06/2016
02:54, 03/06/2016
14:12, 02/06/2016
07:16, 26/04/2016
05:14, 24/04/2016